Chờ VAMC phá băng tín dụng

10:28 | 26/07/2013

570 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau quãng thời gian chờ đợi, hôm nay (26/7), Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) đã chính thức đi vào hoạt động và gần như ngay lập tức nó đã tạo ra hiệu ứng tích cực đến tăng trưởng tín dụng.

Dòng tiền được kỳ vọng sẽ được khơi thông trong thời gian tới.

Được thành lập theo theo tinh thần Nghị định 53/2013/NĐ-CP, với số vốn ban đầu là 500 tỉ đồng, VAMC sẽ thực hiện các hoạt động mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản đảm bảo; đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp…

Tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước chính thức phát đi thông tin về việc thành lập VAMC, mặc dù vẫn còn nhiều băn khoăn nhưng giới chuyên gia kinh tế đều chung nhận định đây là một xu hướng tất yếu trong một nền kinh tế đang phát triển như nước ta. Và nếu quyết liệt triển khai cùng với một hành lang pháp lý xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh, VAMC sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc phá tảng băng nợ xấu của nền kinh tế, khơi thông hoạt động sản xuất kinh doanh…

TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), thành viên cố vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ rằng: Việc VAMC được thành lập sẽ là sự khởi đầu cho thị trường mua bán nợ, góp phần khơi thông nguồn lực.

Cũng phải thấy rằng, VAMC ra đời sau quãng thời gian dài nền kinh tế áp dụng nhiều giải pháp nhằm phá tảng băng nợ xấu nhưng hiệu quả mang lại là khiêm tốn nền càng được kỳ vọng hơn. Đặc biệt, những giải pháp như giãn, giảm thuế, gia hạn nợ… tuy được chào đón nhưng cũng chỉ được nhìn nhận trong ngắn hạn và không góp phần giải quyết triệt để bài toán nợ xấu. Với cơ chế hoạt động được quy định, VAMC sẽ được mua bán nợ theo giá trị thị trường và phát hành trái phiếu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong rất nhiều phân tích khác, nhiều chuyên gia tài chính khi đưa quan điểm bình luận về sự ra đời của VAMC cũng đều đưa quan điểm đây sẽ là công cụ quan trọng giải quyết. Những diễn biến trên thị trường tài chính – ngân hàng mấy ngày gần đây đã chứng mình kỳ vọng được đặt vào VAMC là hoàn toàn có cơ sở.

Theo một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước thì hiện đã có một số ngân hàng thương mại nhỏ đã xin nới chỉ tiêu tín dụng và theo đánh giá thì động thái này cho thấy, các ngân hàng này đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào triển vọng phục hồi kinh tế 6 tháng cuối năm 2013. Phá băng tín dụng, khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh tiếp đà phục hồi, phát triển... là điều đang được trông đợi nhất.

Số liệu thống kê được Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2013, con số tăng trưởng tín dụng 3% thực sự khiến nhiều người lo lắng. Và trong suốt một thời gian dài trước đó, vấn đề có hoàn thành thành được mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12% đã không ít lần được đặt ra. Câu chuyện “tồn kho” tiền tại các ngân hàng đã được nhắc đến như là một trong những đề tài “nóng bỏng” của nền kinh tế. Doanh nghiệp thiếu vốn, đói vốn… nhưng hàng chục ngàn, trăm ngàn tỉ đồng lại nằm chết trong két nhà băng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh đang chuyển biến tích cực.

Ngân hàng sốt ruột vì quá nhiều tiền nhưng lại chẳng dám cho vay vì “sức khỏe” doanh nghiệp không đảm bảo, tài sản đã mang thế chấp hết nên không thể thực hiện các khoản vay mới. Tuy nhiên, VAMC ra đời đã giải quyết được vấn đề này.

Với những quy định được nêu trong Nghị định 53/2013/NĐ-CP, VAMC hoàn toàn có thể nắm vai trò trung gian đập tan bức tường ngăn cách ngân hàng với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay của ngân hàng.

 Có thể hình dung điều này như sau: Doanh nghiệp A đang cần vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng tài sản thế chấp không còn vì đã mang thế chấp hết, VAMC sẽ đứng ra mua lại khoản nợ đó. Theo Điều 17, Chương III, Nghị định 53, VAMC sẽ được quyền điều chỉnh kỳ hạn, thời gian trả nợ, đưa ra lãi suất phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, giảm một phần hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán mà khách hàng chưa có khả năng thanh toán… Như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm được áp lực tài chính, ngân hàng thì giảm nợ và tất nhiên, cơ hội vay vốn của doanh nghiệp cũng vì thế cao hơn, dễ dàng hơn.

Đó chính là điều mà nhiều ngân hàng thương mại tầm trung đang trông chờ và đặt nhiều kỳ vọng.

Trong bài “Ngân hàng “cầu khấn” cho doanh nghiệp… mau khỏe!”, khi đề cập tới câu chuyện tồn kho tiền, ngồi trên tiền như ngồi trên “lửa” của các ngân hàng, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này đã được PetroTimes chỉ ra là do “sức khỏe” của doanh nghiệp không đảm bảo. Tuy nhiên, khi vấn đề này đang dần được tháo gỡ, hoạt động sản xuất kinh doanh đã khởi sắc hơn (Dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế), rủi ro cho vay giảm, áp lực nợ phải trích quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng cũng giảm thì nút thắt này giường như đã được tháo gỡ một phần không nhỏ!

Qua đó để thấy rằng, cơ sở để nhiều tổ chức tín dụng, các ngân hàng xin nới chỉ tiêu tín dụng là hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, trước đó, tại Hội nghị Tổng kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nhận định: Tăng trưởng tín dụng của năm 2013 có thể đạt ở mức 12 – 15%.

Một số ngân hàng xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng:

Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) xin tăng room tín dụng từ 9% lên 30%.

Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) xin NHNN được nới room tín dụng lên 20%, thay vì chỉ có 12%.

Ngân hàng Đông Nam Á (Seabank) cũng dư kiến sau quý III/2013 sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng room tín dụng lên mức 16% so với chỉ tiêu ban đầu nhận được là 12%.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã được NHNN chấp thuận cho tăng room tín dụng từ 12% lên 20%.

Thanh Ngọc