Chính sách đối ngoại của Đức: Không còn lẩn tránh

07:02 | 15/03/2014

3,373 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, Đức đã vay mượn chính sách đối ngoại từ Mỹ, Pháp và Anh, những đồng minh chủ chốt của nước này, trong khi lẩn tránh vai trò quân sự quan trọng của mình dưới danh nghĩa hòa bình.

Năng lượng Mới số 303

Chỉ đến khoảng thời gian giữa 1998 và 2005, Gerhard Schrôder, người sau đó đã trở thành Thủ tướng và Ngoại trưởng của mình, Joschka Fischer, mới đưa ra được những nét cơ bản của chính sách đối ngoại cho thấy hình ảnh của một nước Đức cứng rắn hơn, ví dụ như việc đưa quân tới khu vực Balkan. Tuy nhiên, sau ông Schrôder, dưới sự chỉ đạo của bà Angela Merkel, Đức trở nên lảng tránh các vấn đề quốc tế. Guido Westerwelle, Bộ trưởng Ngoại giao nhiệm kỳ 2009-2013, gọi đây là một "thói quen kiềm chế của người Đức" .

Tuy nhiên, chính thói quen này khiến Đức trở thành "người giấu mặt trong cộng đồng quốc tế" dưới con mắt của các đồng minh, như lời Tổng thống Joachim Gauck trong một bài phát biểu trước Hội nghị An ninh Munich vào ngày 31/1 vừa qua. Giới chính khách trong ngành ngoại giao Đức từ lâu đã cảm nhận được sự thất vọng ngày đang càng gia tăng ở Washington, Paris và London khi thấy Đức đã không làm tròn bổn phận của mình. Sự thất vọng này đã từng được đẩy lên cao trào khi Đức từ chối ủng hộ Nghị quyết  của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép chiến tranh ở Libya năm 2011.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank Walter Steinmeier (trái) cùng người đồng cấp Pháp Laurent Fabius (phải) trong một cuộc họp báo

Ông Gauck, người tuy không có quyền hoạch định chính sách nhưng là đại diện của quốc gia này, hiện đang thúc giục Đức bước về phía trước. Ông đồng phối bài phát biểu của mình với Frank-Walter Steinmeier, người kế vị ông Westerwelle trở thành Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 12 năm ngoái, sau khi tổ chức văn phòng trong nhiệm kỳ đầu tiên của bà Merkel 2005-2009. Bà Ursula Gertrud von der Leyen, Bộ trưởng Quốc phòng mới của Đức, đồng thời là một ứng cử viên cho chức Thủ tướng, đồng ý với việc nước Đức cần trở nên tích cực hơn. Ông Norbert Rôttgen, người đứng đầu Ủy ban Các vấn đề nước ngoài trong Bundestag, cũng cùng chung quan điểm đó.

Chỉ có bà Merkel đã không cho thấy một quan điểm rõ ràng về sự đồng thuận này. Bà để cho cuộc tranh luận diễn ra, chỉ thể hiện quan điểm của mình ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, có thể thấy rằng nếu bà Merkel không đồng ý với quan điểm trên, bà đã không để cuộc tranh luận đi xa đến vậy.

Mục tiêu đầu tiên của ông Steinmeier là đem trách nhiệm quản lý các mối quan hệ với Liên minh châu Âu - công việc đã từng được thực hiện bởi Bộ Tài chính trong những ngày đen tối nhất của cuộc khủng hoảng đồng euro - quay trở lại Bộ Ngoại giao. Ông đã khởi đầu bằng cách thuê Martin Kotthaus, trước đây là một phát ngôn viên của Wolfgang Schuble, trở thành Bộ trưởng Tài chính .

Ông Steinmeier muốn cải thiện quan hệ với Pháp, không chỉ trong EU mà ở cả những nơi khác. Đức sẽ hỗ trợ Pháp tích cực hơn trong các vấn đề ở châu Phi, đổi lại Pháp sẽ hỗ trợ Đức thực hiện các chính sách của EU tại Đông Âu. Bên cạnh đó, ông Steinmeier cũng cố gắng thực hiện các phương pháp phi quân sự nhằm trở thành một đối tác quốc tế đáng tin cậy hơn. Ông cho rằng Đức nên hỗ trợ xử lý kho vũ khí hóa học của Syria bởi vì nước này có cơ sở hạ tầng phù hợp, ngay cả khi Đức không thoải mái với ý tưởng này.

Bà Von der Leyen thậm chí còn sẵn sàng để tiến xa hơn: Hướng tới một chính sách an ninh châu Âu thống nhất, trong đó Đức sẽ đóng vai trò nổi bật. Tuy nhiên, do đây vẫn là một khả năng xa vời, bà chỉ đang cố gắng loại bỏ sự kỳ thị trong nước với các hành động quân sự của Đức. Hiện Đức có khoảng 5.000 binh sĩ thực hiện 13 nhiệm vụ trên toàn thế giới, tất cả đóng vai trò hỗ trợ cho quân đội đồng minh. Khi NATO rời Afghanistan, binh lính Đức có thể sẽ là một trong những nhóm nhỏ quân đội phương Tây còn lại trên đất nước này.

Tuy nhiên, đề xuất cụ thể của bà Von der Leyen có vẻ không tạo được hiệu ứng đáng kể. Ở Mali, nơi mà người Pháp đang chiến đấu chống lại chiến tranh Hồi giáo đang leo thang, bà lại muốn tăng số lượng giảng viên quân đội Đức từ khoảng 100 đến 250 người. Tại Cộng hòa Trung Phi, nơi quân đội Pháp đang cố gắng ngăn chặn các cuộc đụng độ đẫm máu giữa người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, bà Von der Leyen lại muốn gửi máy bay để chở những người bị thương ra khỏi chiến sự.

Theo ông Ulrich Speck, hiện đang nghiên cứu tại Carnegie châu Âu, những nhiệm vụ tại châu Phi chỉ là một phần nhỏ trong lợi ích quốc gia thực sự của Đức và Đức nên lo lắng hơn về việc tái cân bằng quan hệ với châu Á, nơi vì lý do kinh tế gần đây đã ủng hộ Trung Quốc trong khi bỏ qua Đông Nam Á và Nhật Bản. Ngoài ra nước này nên buộc EU phải đưa ra một lập trường thống nhất đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Mặc dù vậy, những tín hiệu mới từ Chính phủ Đức cho thấy một sự thay đổi đáng kể. Chúng được dựa trên quan niệm cho rằng Mỹ không thể hoặc sẽ không tham gia giải quyết các vấn đề của châu Âu trong tương lai như trước đây. Kể từ khi vụ nghe lén của Mỹ vào Đức bị phanh phui - với phát hiện mới nhất là Mỹ nghe trộm không chỉ điện thoại bà Merkel mà còn của ông Schrôder từ năm 2002 - sự tin tưởng vào người bảo hộ này đã bị xói mòn, mặc dù ông Steinmeier và bà Von der Leyen đều mong muốn hạn chế rạn nứt. Khái quát hơn, các cuộc tranh luận trên cho thấy sự tự tin mới của Đức. Sau khi chuộc lỗi của mình cho 69 năm, Đức hiện nay là "một nước Đức tốt, tốt nhất chúng ta từng biết", theo lời ông Gauck.

Trở ngại lớn nhất vẫn là dư luận trong nước. Một cuộc thăm dò mới cho thấy, 62% người Đức phản đối ý tưởng của bà Von der Leyen về việc tăng cường sự chủ động của quân đội Đức ở nước ngoài. Do đó, ông Steinmeier đề ra kế hoạch thực hiện các chuyến đi trong năm nay không chỉ trên phạm vi thế giới mà ngay cả trong lòng nước Đức để thuyết phục cử tri rằng, đã đến lúc phải xem xét lại chủ nghĩa hòa bình của mình. "Trong khi vẫn tồn tại những người theo chủ nghĩa hòa bình thứ thiệt ở Đức, có những người sử dụng cảm giác tội lỗi trong quá khứ của Đức như một lá chắn cho sự lười biếng hoặc mong muốn rút ra khỏi thế giới", ông Gauck cho biết tại Munich. Thậm chí ở trong cánh tả, nơi vẫn có vẻ ngờ vực tại NATO và đôi khi EU, thái độ như vậy đang ngày càng trở nên khó chấp nhận.

Phúc Lê