Chính biến tại Ai Cập: Vì đâu nên nỗi?

14:41 | 04/07/2013

568 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 3/7, quân đội Ai Cập đã lật đổ Tổng thống Morsi và thông báo tiến trình chuyển tiếp chính trị. Vì sao một Tổng thống dân cử của Ai Cập lại bị chính vị tướng do mình đề bạt lật đổ?

>> Tổng thống Ai Cập bị quân đội lật đổ

Tướng al-Sisi tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng trước Tổng thống Mohammed Morsi, ngày 12/8/2012

Gần một tuần qua, hàng triệu người xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Morsi thuộc phe Hồi giáo cực đoan từ chức. Đâu rồi tính chính đáng của một vị Tổng thống Ai Cập được hơn 13 triệu dân bầu lên cách đây một năm?

Theo giới phân tích, phe Huynh đệ Hồi giáo cầm quyền đang trả giá cho sự bất tài của họ trong việc mở rộng xã hội. Sự quá tự tin là có quyền hành hợp pháp, hành động thậm thụt dù đã là đảng cầm quyền, và việc không biết mở rộng tầm mắt nhìn nhận sự lan rộng của mâu thuẫn xã hội chính là những yếu tố đã dẫn đến những thất bại ngày hôm nay của phe Huynh đệ Hồi giáo.

Dưới góc độ nội chính và kinh tế, các nhà quan sát nhận định Ai Cập đang chìm đắm trong khủng hoảng chính trị. Bởi vì, ngay sau khi hay tin 16 người biểu tình thiệt mạng trong đợt xuống đường hôm 30/6, bốn vị bộ trưởng Du lịch, Môi trường, Tư pháp và Viễn thông đã từ chức.

Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Các nhà đầu tư căng thẳng, lãi suất vay tăng vọt đến mức chưa từng thấy. Thị trường chứng khoán tụt giảm thê thảm. Đồng livre Ai Cập mất giá đến 12% tính từ tháng 12 năm rồi đến nay. Khả năng thanh khoản trong mậu dịch cũng không còn do nhiều nhà đầu tư rút lui hay hụt lượng khách du lịch. Đó là chưa kể đến đời sống thường nhật của dân cũng bị đảo lộn do mất điện nước.

Trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ai Cập, hai nhân vật được cho là trung tâm của mọi sự chú ý. Đó là Tổng thống Mohammed Morsi và Bộ trưởng Quốc phòng Abdul Fattah Khali al-Sisi, Tư lệnh Quân đội Ai Cập. Chính tướng Abdul Fattah Khali al-Sisi là người tuyên bố truất phế Tổng thống Morsi tiếp theo những cuộc biểu tình khổng lồ của dân chúng.

Nếu chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011 sụp đổ qua gần 3 tuần lễ biểu tình chống đối của quần chúng thì cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Morsi diễn ra chỉ trong 4 ngày.

Tướng al-Sisi khi tuyên bố bãi chức Tổng thống Morsi và đưa Chánh Thẩm Tòa án Hiến pháp Tối cao lên làm Tổng thống lâm thời, nói rằng quân đội hành động theo nguyện vọng của dân chúng. Ông cũng khẳng định rằng quân đội không can thiệp vào chính trị và Ai Cập cuộc bầu cử Tổng thống chính thức sẽ sớm được tổ chức.

Như vậy phải chăng có thể gọi đây là cuộc cách mạng thứ nhì tại Ai Cập trong vòng hai năm? Bởi vì dù muốn dù không, người ta phải nhìn nhận thực tế mà theo lời ông Morsi là một cuộc đảo chính quân sự trái với sinh hoạt dân chủ, và do đó ông cương quyết xác định mình vẫn là Tổng thống. Tình thế Ai Cập do đó sẽ còn diễn biến rất phức tạp với sự hiện hữu của nhiều phe phái chính trị đối nghịch. Người ta lo ngại sẽ có những cuộc xung đột đổ máu khi phe Huynh đệ Hồi giáo và những đảng Hồi giáo khác đã nguyện sẽ tranh đấu bảo vệ thể chế dân chủ.

Chỉ sau 5 tháng nhậm chức, Tổng thống Mohammed Morsi đã gặp sự chống đối mạnh mẽ từ năm ngoái, khi ông dựa vào thế đa số Hồi giáo ở Quốc hội để sửa Hiến pháp dành cho cá nhân ông những quyền hành tuyệt đối. Thêm nữa trong tình thế phân cực chính trị và tranh chấp gay gắt, chính quyền ông không giải quyết được những khó khăn về kinh tế xã hội khiến người dân Ai Cập có lý lẽ để thất vọng với kết quả của cuộc cách mạng lật đổ chế độ Mubarak.

Ông Mohammed Morsi, 61 tuổi, đã theo học các trường tiểu, trung, và đại học tại Cairo, Ai Cập, sau đó tốt nghiệp tiến sĩ Đại học USC, Mỹ, ngành điện và làm giáo sư phụ giảng đại học CSU Northridge từ 1982 đến 1985 trước khi trở về nước làm khoa trưởng phân khoa kỹ thuật đại học Zagazig, Cairo. Ông tham gia chính trị, là một lãnh đạo cao cấp của đảng Hồi giáo và trở thành Dân biểu Quốc hội từ 2000 đến 2005.

Người lật đổ ông, tướng Abdul Fattah Khali al-Sisi, chính là người đã được ông đưa vào chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 8 năm ngoái, sự chọn lựa mà theo các quan sát viên am hiểu nhằm củng cố thế lực của ông trong phe quân sự, thành phần quyền lực rất quan trọng trong thực trạng chính trị Ai Cập.

Tướng lục quân al-Sisi, 59 tuổi, đã qua khóa đào tạo tại trường chỉ huy tham mưu của Anh và học viện chiến tranh Mỹ ở Pennsylvnia. Là vị tướng trẻ nhất trong Hội đồng Quân lực Tối cao 19 thành viên, hầu hết là cao tuổi, khi được cử thay thế Thống chế Hussein Tantawi, 77 tuổi, tướng al-Sisi được thăng ngay lên hai cấp.

Trước kia ông al-Sisi chưa được dân chúng biết đến nhiều, mặc dù đã từng giữ một nhiệm vụ then chốt là chỉ huy trưởng tình báo quân đội. Theo nhật báo The Guardian của Anh thì al-Sisi là người sùng đạo, thân thiện với Huynh đệ Hồi giáo, vợ ông thường mang mạng che mặt. Ông cũng được mô tả là có những mối quan hệ chặt chẽ với giới quân sự Mỹ và Arập Xêút, nơi ông đã từng làm tùy viên quân sự. Một tuần trước khi xảy ra những cuộc biểu tình mạnh mẽ của quần chúng ngày 30/6, tướng al-Sisi đã cảnh báo quân đội có thể can thiệp nếu tình thế chính trị không được ổn định trở lại.

H.Phan (Tổng hợp)