Chạy sao kịp!

10:21 | 12/11/2011

707 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vì lợi ích cục bộ giữ nước chạy điện, người ta vẫn cứng nhắc quy định báo xả lũ trước chỉ 2 giờ. Hậu quả là người dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Hậu họa xả lũ cấp thời từng được bàn cãi nhiều và cư dân vùng hạ lưu đã chất vấn gay gắt ngành Điện về quy trình xả lũ. Vấn đề đặt ra là cần một thời gian thích hợp để người dân chạy lũ. Các địa phương đều biết rõ “quy trình xả lũ” của thủy điện, từ khi thông báo chính thức đến khi người dân nhận được tin dữ và chính quyền tổ chức di dân, huy động lực lượng cứu hộ… mất rất nhiều thời gian. Vậy mà vì lợi ích cục bộ giữ nước chạy điện, người ta vẫn cứng nhắc quy định báo trước chỉ 2 giờ. Hậu quả là người dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Tại khu vực miền Trung, hồ Thủy điện Sông Ba Hạ có diện tích lưu vực khoảng 11.115km2, dung tích hồ chứa khoảng 350 triệu m3 cũng chỉ thông báo trước 2 giờ theo quy trình vận hành liên hồ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu thấy thời gian này không hợp lý thì địa phương báo cáo lên Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên – Môi trường để trình Thủ tướng điều chỉnh. Về phía công ty, trong trường hợp lũ về đột ngột trong ngày nghỉ thì ngoài thực hiện các chế độ báo cáo bằng fax, điện thoại cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCLB-TKCN từ tỉnh đến xã. Nhiều vùng hạ du Phú Yên đã chìm trong nước khi thủy điện xả lũ trên 10.000m3/giây.

Lý thuyết là vậy nhưng trong thực tế mới đây, đợt lũ ngày 31/7/2011, dù Thủy điện Sông Ba Hạ đã thông báo cho Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, nhưng thông tin này không đến được người dân, vì đợt xả lũ trúng vào ngày… Chủ nhật. Hậu quả, nhiều người dân sản xuất ở các doi cát trên sông Ba đã không kịp trở tay, bị cuốn trôi tài sản, thậm chí một nông dân còn suýt chết trong đợt xả lũ này. Bà con trong vùng khẳng định: "Nếu thông báo trước 2 giờ xả lũ, người dân không kịp trở tay, vì còn phải chuẩn bị phương tiện và huy động người mới ứng cứu được tài sản”.

Ông Trần Trọng Kỳ – Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên khẳng định: “Việc thực hiện thông báo trước khi xả lũ 2 giờ là quá ít, nhiều địa phương ở vùng hạ du không kịp trở tay. Do đó chúng tôi đề nghị thông báo trước khi xả lũ từ 4-6 giờ”. Lãnh đạo sở Công Thương tỉnh Phú Yên cũng cho rằng: “Thông báo trước khi xả lũ của các thủy điện được quy định ít nhất 2 giờ thì việc di dời dân phòng tránh lũ tại các địa phương vùng hạ du bị ngập là quá ngắn. Đúc kết từ thực tiễn trong những năm qua, chúng tôi đã kiến nghị lên Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tăng thời gian lên 4 giờ để các địa phương chủ động trong việc di dời dân khỏi vùng ngập lụt”.

Ông Lê Văn Trúc – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCBL-TKCN Phú Yên, thừa nhận, trong đợt xả lũ cuối năm 2010, Thủy điện Sông Ba Hạ thông báo đúng quy định, nhưng các địa phương vẫn trở tay không kịp vì thời gian quá ngắn, đặc biệt là những vùng trũng. Phát hiện sự bất cập này, UBND tỉnh Phú Yên đã báo cáo và đề nghị các bộ liên quan trình Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh giờ xả lũ thông báo trước từ 4-6 giờ trong quy chế vận hành liên hồ trên sông Ba nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh.

Trước đó, Thủy điện An Khê – Ka Nak (một thủy điện trong hệ thống thủy điện trên sông Ba) xả lũ đột ngột đã gây thiệt hại nặng cho nông dân ở huyện KBang và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Dù chúng tôi đã đề nghị nhiều lần nhưng Ban Quản lý thủy điện 7, Cơ quan Quản lý Thủy điện An Khê – Ka Nak, vẫn chưa ban hành quy trình vận hành hồ chứa. Chúng tôi cũng khuyến cáo cần cắm những mốc có thể nguy hiểm đến tính mạng, tài sản người dân khi xả lũ nhưng đến nay vẫn chưa có. Nếu thủy điện xả lũ, nhiều người dân đi làm rẫy ở vùng bán ngập sẽ rất nguy hiểm vì trở tay không kịp”.

Vào những ngày này, khi lũ các sông ở miền Trung lên cao, việc xả lũ ở hệ thống hồ thủy điện là khó tránh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong tình hình dự báo lũ lụt khá tốt và kịp thời. Các hồ thủy điện không thể đổ thừa vì lũ đột xuất, bất ngờ… để né tránh trách nhiệm chung tay chống lũ với nông dân. Điều dễ hiểu là do các nhà máy muốn tích nước tối đa để dự phòng cho nhu cầu phát điện. Đến lúc "quá mù ra mưa” sợ không giữ nổi đập họ mới xả lũ cấp tập. Vì vậy, điều dễ hiểu là họ vẫn cò kè giữ thêm một, hai giờ nữa. Giữ được mức nước cao ở hồ thủy điện thì nhà máy có lợi, trong khi thiệt hại của nông dân thì không phải đền bù. Lỗi hệ thống này lý giải việc vì sao dân cần nghiên cứu báo xả lũ dài hơn mà chậm được chấp nhận!

Bảo Dân