Chất cấm trong chăn nuôi: “Không thể đổ lỗi cho Bộ Y tế”

15:16 | 27/10/2015

306 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên quan đến chất cấm trong chăn nuôi Salbutamol được nhập khẩu, Cục trưởng Cục ATTP, Nguyễn Thanh Phong cho rằng: Đây là sản phẩm hữu dụng đối với ngành y tế…!

Liên quan tới việc có chất tồn dư kháng sinh, chất tạo nạc trong thịt lợn, chất vàng ô quét lên da gà, vịt, TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) khẳng định: Việc kháng sinh dùng cho người và cho động vật là khác nhau. Và việc nhập khẩu các chất này không ảnh hưởng tới chăn nuôi.

Các chất cấm trong chăn nuôi như Salbutamol lại được sử dụng trong Y tế. Như vậy, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu cấm nhập khẩu loại kháng sinh này là không hợp lý.

chat cam trong chan nuoi khong the do loi cho bo y te
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Trong khi đó, việc người chăn nuôi sử dụng chất kháng sinh dành cho người trong chăn nuôi thì trách nhiệm phải thuộc về ngành nông nghiệp.

“Do vậy không thể đổ lỗi tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi là trách nhiệm của Bộ Y tế đã không kiểm soát được lượng kháng sinh bán ra”- Ông Phong khẳng định.

Được biết, đối với kháng sinh dùng cho người, Bộ Y tế đã có các quy định về quản lý, sử dụng hết sức nghiêm ngặt đối với các loại kháng sinh dùng cho người được lưu hành ở Việt Nam. Tất cả các loại này đều phải được Bộ Y tế cấp phép.

Đối với các loại kháng sinh dành cho động vật, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có các thông tư quy định về quản lý vật tư nông nghiệp: Thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh...

Do vậy để xảy ra việc tồn dư chất cấm thì ngành nông nghiệp cần tập trung giám sát, kiểm tra tất cả những cơ sở chăn nuôi và cơ sở bán các loại thuốc kháng sinh dùng trong chăn nuôi.

chat cam trong chan nuoi khong the do loi cho bo y te
Một trong những sản phẩm chứa chất cấm trong chăn nuôi

Về việc Bộ Y tế cho nhập Salbutamol, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng cung cấp thêm: Theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), thì từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Y tế cho phép nhập 3,5 tấn Salbutamol, chỉ những công ty có đăng ký đối với các sản phẩm nêu trên mới được phép nhập vào Việt Nam.

"Không hề có chuyện Bộ Y tế cho phép nhập khẩu 68 tấn Salbutamol như thông tin các báo đã đưa trước đó", ông Phong khẳng định.

Riêng đối với Salmonella, trong những năm gần đây không có doanh nghiệp nào được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, sự việc tồn dư Salmonella trong các sản phẩm động vật hiện nay vẫn xảy ra.

Từ đây, Cục Trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong kiến nghị: Các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các ban ngành có chức năng phòng chống buôn lậu... cần có biện pháp để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân nhập lậu các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Từ đó mới có thể bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng trong cả nước.

Huy An