Cần xem báo chí là "thanh gươm" chống tham nhũng

16:56 | 09/11/2012

760 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Thực tế cho thấy, số lượng vụ án tham nhũng được phát hiện ở nơi làm việc còn quá thấp nếu so với địa phương hoặc báo chí cung cấp. Bởi vậy, đa số Đại biểu quyết liệt cho rằng, những gì đang phát huy tác dụng, cần được quy định rõ hơn trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi lần này.

Theo Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa – Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, báo chí không có chức năng giám sát, tuy nhiên báo chí luôn thông tin đầy đủ, kịp thời hoạt động giám sát như đã, đang và sẽ làm. “Hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo chương trình kế hoạch hàng năm, hàng quý được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Các hoạt động này bao gồm nhiều công đoạn từ chuẩn bị nội dung chương trình, kế hoạch, văn bản tài liên quan đến việc tiến hành giám sát tại đơn vị, nghe báo cáo, trao đổi thảo luận, kết luận hay tiến hành chất vấn…”.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, cho đến thời điểm hiện tại, báo chí mới là kênh phòng chống tham nhũng có hiệu quả. Bởi vậy, Đại biểu đề xuất Luật PCTN sửa đổi lần này cần quy định rõ nét hơn vai trò của báo chí, phạm vi hoạt động của phóng viên, nhà báo phải được mở rộng hơn để cùng cả hệ thống chính trị phòng, chống tham nhũng. 

Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội trường

 

Theo đánh giá của Chính phủ thì công tác PCTN chưa đạt yêu cầu và mục tiêu là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội, là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý Nhà nước. 

Ủy ban Tư pháp nhất trí với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng trong năm 2012. Tuy nhiên, báo cáo chưa nêu rõ được các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt hoặc chưa làm tốt công tác PCTN; những lĩnh vực, ngành nào còn để xảy ra nhiều tham nhũng, nguyên nhân để xảy ra tham nhũng và phương hướng phòng, chống, các giải pháp có tính đột phá để tăng cường hiệu quả công tác PCTN. 

Về công khai bản kê khai tài sản, đa số các đại biểu tán thành, trong điều kiện hiện nay, chỉ nên công khai tại nơi công tác. Về lâu dài, khi có đủ năng lực quản lý, có thể mở rộng phạm vi công khai, bởi thực tế cho thấy, hầu hết các vụ việc tham nhũng hiện nay đều do quần chúng nhân dân phát hiện, nên càng công khai để dân biết thì càng dễ phát hiện tham nhũng hơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, việc công khai ở nơi cư trú cần có lộ trình, thời gian để triển khai, nếu làm không cẩn thận có khi mang lại tác dụng ngược. Ngoài ra, việc thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về tài sản của người kê khai cũng cần xem xét, nghiên cứu kỹ. Nhiều ý kiến đại biểu không nhất trí quy định của dự thảo Luật, đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập vì hiện nay quy định này thực hiện chưa có hiệu quả nên việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai vẫn mang tính hình thức và không khả thi.

Ngoài quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai như dự thảo Luật thì đề nghị bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là Đảng viên giữ chức vụ trong các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội – nghề nghiệp; bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột của người phải kê khai tài sản, thu nhập.

Liên quan đến nội dung chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, viên chức khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, đa số đại biểu tán thành việc tạm đình chỉ công tác, nhưng không nhất trí việc điều chuyển, vì như vậy khiến dân bức xúc và là kẽ hở để tránh bị xử lý. Một số ý kiến khác đề nghị quy định chặt chẽ, tránh việc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác, đình chỉ công tác của người có dấu hiệu tham nhũng để trù dập cấp dưới.

Xung quanh đề xuất Quốc hội nên thành lập một cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập với Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) băn khoăn Ban Chỉ đạo có rồi thì phải có người làm. Cơ quan chống tham nhũng phải là Nhà nước, cơ quan giám sát công tác chống tham nhũng phải là Quốc hội. Vậy thì Quốc hội có cần phải có một Ủy ban chống tham nhũng bên cạnh Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật hay không? Cơ quan chống tham nhũng có cần thiết phải là cơ quan độc lập và có quyền lực đủ mạnh, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương và sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội hay không?

Bên cạnh các vấn đề trên, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị phải có cơ chế tịch thu phần tài sản “vọt xà” so với kê khai, nếu quan chức không chứng thực được nguồn gốc. “Công khai tài sản nên được tiến hành tại 2 nơi: cư trú và cơ quan. Thực chất là để mọi người hiểu trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đến đâu nếu ngay ở việc yêu cầu cấp dưới kê khai tài sản cũng không hoàn thành!” Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đóng góp.

 

L.T