Cần tái định vị nền giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế

07:21 | 03/03/2012

1,241 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Nền giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều quốc gia và do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta không thuần túy mang một màu sắc rõ rệt nào.

Đó là nhận định của TS. Lê Đông Phương (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) về nền giáo dục của Việt Nam trong hội thảo “Định vị nền Giáo dục Việt Nam” tại Trung tâm Văn hóa Pháp vào ngày 1/3.

TS. Lê Đông Phương là người đã có 25 năm nghiên cứu nền giáo dục Việt Nam, bản thân ông cũng từng đứng trên bục giảng nên ông có những nhận xét và cái nhìn rất khách quan về cách dạy và học của nước ta.

TS. Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Nền giáo dục Việt Nam không có màu sắc rõ rệt

Có thể khẳng định nền giáo dục Việt Nam không mang thuần túy một màu sắc hay bản sắc rõ rệt nào, bởi nó có sự pha trộn của khá nhiều nền giáo dục khác nhau. Đó là nền giáo dục phương Bắc trong thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, chúng ta sử dụng tiếng Hán, chữ Hán làm ngôn ngữ chính trong giảng dạy, thi cử và hành chính. Kể cả trong chế độ phong kiến, chữ Hán cũng được sử dụng trong các văn kiện chính thức và là thứ ngôn ngữ của vua, quan lại và quý tộc. Thế kỷ 13, chữ Nôm (một dạng chữ phỏng theo chữ Hán) mới xuất hiện nhưng cũng không thể thay thế cho chữ Hán và những ảnh hưởng của Nho giáo phương Bắc. Ngay cả cách thức thi cử qua 3 vòng (thi Hương, thi Hội, thi Đình) và chỉ gói gọn trong việc bình thơ, luận văn cũng thể hiện sự ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc. Lúc này, các nho sĩ Việt Nam chỉ chú trọng tới thơ văn chứ ít quan tâm tới khoa học và kỹ thuật.

Đó là ảnh hưởng của nước Pháp, nền văn hóa và giáo dục Tây học khi thực dân Pháp đặt nền đô hộ lên đất nước ta từ năm 1858. Lúc này, người Việt không còn sử dụng chữ Hán để bình thơ, luận văn hay ca ngợi công đức của nhà vua mà dùng tiếng Pháp để làm việc và “ca ngợi công cuộc khai hóa của mẫu quốc”. Người Pháp đã mang vào Việt Nam các môn khoa học Toán, Lý, Hóa, Triết … bằng tiếng Pháp nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc đào tạo những thứ họ cần như thông ngôn, hành chính, kỹ nghệ, y tế. Bằng chính sách cai trị “ngu dân”, thực dân Pháp đã khiến cho 90% dân số Việt Nam chìm trong cảnh mù chữ, đồng thời “đầu độc dân ta bằng rượu cồn và thuốc phiện”.

Sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ba mục tiêu “chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm” và “việc học chữ Quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người”. Phong trào bình dân học vụ được phát động, sau 1 năm đã có 75.000 lớp với hơn 96.000 giáo viên (người biết chữ dạy cho người không biết) và giúp cho 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ. 3 nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục Dân tộc, Khoa học và Đại chúng. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục chia 3 cấp, phân chia các trường Trung cấp chuyên nghiệp, Đại học … vẫn thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc của hệ thống giáo dục thời Pháp và sau này là nền giáo dục của Liên Xô cũ và Bắc Mỹ.

Có thể khẳng định, nền giáo dục Việt Nam không có một màu sắc cụ thể mà là sự pha trộn của nhiều nền giáo dục khác nhau như Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Liên Xô cũ và tạo nên hệ thống giáo dục Việt Nam như hiện nay.

Trong lịch sử, người Việt Nam cũng đã chấp nhận nền “giáo dục tư nhân”, là các trường học do tư nhân chứ không phải do nhà nước mở ra, phục vụ nhu cầu dạy và học cho người dân. Các trường thuộc nền “giáo dục tư nhân” này xuất hiện từ thời Pháp thuộc. Khi đó, thực dân Pháp mở quá ít trường học, một số tư nhân đã đứng ra thành lập trường học, mời thầy giáo và cho ra đời rất nhiều trường tư thục. Sau này, hình thức trường tư thục vẫn tồn tại nhưng lại chịu ảnh hưởng và sự quản lý của Nhà nước.

Hết cải cách rồi đổi mới

Ở Việt Nam, từ năm 1945 đến nay, nước ta đã trải qua 3 lần cải cách giáo dục vào những năm 1945, 1960 và 1979 tùy theo điều kiện hoàn cảnh của nền giáo dục nước nhà.

Chỉ có 5% sinh viên theo học các ngành khoa học xã hội, nông nghiệp

Năm 1945, mục tiêu của cải cách giáo dục lần 1 là “chống giặc dốt”. Chính sách giáo dục khi đó là tập trung xoá nạn mù chữ, dùng tiếng Việt dạy và học ở tất cả các bậc học, duy trì và phát triển giáo dục. Năm 1950, cải tổ hệ thống giáo dục thành hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm.

Năm 1960, Việt Nam tiến hành cải cách giáo dục lần 2 nhằm phát triển mạnh mẽ quy mô giáo dục, xây dựng một nền giáo dục phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng Miền Bắc, thống nhất nước nhà). Hệ giáo dục phổ thông được cải tổ lại thành hệ 10 năm, hệ giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp cũng mở rộng, đặc biệt mạng lưới các trường sư phạm mở rộng nhanh.

Đến năm 1979, Việt Nam lại tiến hành cải cách giáo dục lần 3 nhằm từng bước thực hiện sự thống nhất hai hệ thống giáo dục, đẩy mạnh việc phát triển giáo dục ở các tỉnh phía nam và miền núi.

Trong thời kì đổi mới (từ sau 1986), cải cách giáo dục bắt đầu điều chỉnh với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đa dạng hoá các hình thức giáo dục, đào tạo; đa phương hoá các nguồn kinh phí cho giáo dục, tập trung hoàn thành công cuộc xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; chuyển cấp I thành bậc tiểu học, chuyển cấp II thành cấp trung học cơ sở; cấp III thành trung học phổ thông, tổ chức lại các trường đại học.

Bắt đầu từ năm 1981 – 1982, việc đổi mới sách giáo khoa được thực hiện và tới năm 1996 mới hoàn thành. Lúc này, các nhà làm giáo dục Việt Nam mong muốn phát triển theo quy mô lớn, muốn bao cấp về giáo dục cho mọi đối tượng, trong khi đó lại thiếu sự chuẩn bị về nguồn lực tài chính và nhân sự do ảnh hưởng của chiến tranh biên giới và kinh tế suy thoái. Về mặt quan niệm, tư tưởng bao cấp nặng nề, coi giáo dục là “phúc lợi xã hội” đã cản trở sự phát triển của giáo dục. Người dân không muốn trả tiền cho việc học của con em mình, nghiễm nhiên coi đó là sự bao cấp của chính quyền. Sự ỉ lại này đã ảnh hưởng rất lớn tới nền giáo dục Việt Nam, trường ít, tài chính không có mà ai cũng muốn đi học.

Đại hội lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1986) đã quyết định chuyển cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. Định hướng giáo dục được đổi mới: xã hội hóa, dân chủ hóa, đa dạng hóa, hiện đại hóa, phối hợp gia đình và nhà trường trong việc chăm lo cho thế hệ trẻ. Sau này, chúng ta không có những cuộc cải cách giáo dục nào mà chỉ dừng lại ở việc đổi mới giáo dục ở các lĩnh vực, khía cạnh như sách giáo khoa, cách dạy, cách học …

Tuy nhiên, cải cách và đổi mới rất nhiều, thường xuyên song chất lượng của những lần cải cách đó không thực sự phát huy tác dụng. Nền giáo dục Việt Nam còn thiên nhiều về lý thuyết, sinh bằng cấp, sính ngoại. Nói như GS Hoàng Tụy, đó là sự “đại chúng hóa” đại học và “thị trường hóa” giáo dục!”.

Giáo dục Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới?

Hiện nay, chúng ta đã có một hệ thống giáo dục khá đồ sộ với trên 400 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng; 200 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; 300 cơ sở đào tạo nghề dài hạn. Các cơ sở giáo dục thường xuyên phát triển đến tận xã, phường.

Việt Nam chúng ta cũng được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Centre for Global of Competitiveness and Performance, 2011) xếp vào nhóm các nước phát triển nhờ vào các nhân tố có sẵn, nghĩa là hiện nay chúng ta chỉ khai thác tài nguyên có sẵn, các nguyên liệu thô chứ không chú trọng vào việc “tinh chế”.

Về dân số, chúng ta đứng thứ 13 trên thế giới, về ngôn ngữ, và cũng đứng thứ 16 trên thế giới về số người nói tiếng Việt, thế nhưng, dựa vào chỉ số phát triển con người (HDI), Việt Nam vẫn chỉ đứng trong hàng cuối của thế giới. Một phần do những bất cập trong công tác đào tạo của nước ta.

Tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" đã quá quen với nền giáo dục Việt Nam

Nhìn vào hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam, quy mô đào tạo tăng lên nhanh chóng nhưng chất lượng không đồng đều và cũng không theo kịp với yêu cầu của thực tế, bên cạnh đó, cũng tồn tại việc phân bố bất hợp lý về ngành học và địa phương.

Có thể dễ dàng nhận thấy, hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp … đều nằm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Huế, Đà Nẵng … khiến dân số phân bố không đồng đều, gây áp lực nặng nề lên các đô thị. Các địa phương mặc dù vẫn có trường, nhưng số lượng người theo học rất ít, kéo theo đó là chất lượng giáo dục không cao.

Về việc chọn ngành, chọn trường, cho đến nay, người Việt Nam vẫn tồn tại quan niệm “trọng thầy, khinh thợ” rất nặng nề. Lựa chọn số 1 là Đại học, sau đó mới là Cao đẳng, Trung cấp, học nghề. Thêm vào đó, việc chọn ngành cũng có dấu hiệu “vênh” với thực tiễn. Ở một quốc gia có thu nhập bình quân trên đầu người hơn 1000 USD trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn mà có tới 30% lượng sinh viên lựa chọn các ngành kế toán, tài chính, ngân hàng và chỉ vỏn vẹn 5% theo học các ngành liên quan tới nông nghiệp, khoa học xã hội hay nghệ thuật.

Đào tạo trong trường và yêu cầu thực tiễn của công việc có sự chênh lệch đáng kể, bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp và địa phương không đầu tư nhiều cho giáo dục nhưng lại có thái độ phàn nàn về chất lượng đầu ra của sinh viên, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo. TS. Lê Đông Phương cảnh báo: “Đừng bị ru ngủ trong thành tựu thực – ảo, nếu không sẽ bị đẩy ra lề của văn minh thế giới”.

Nền giáo dục của Việt Nam có bề dày lịch sử từ năm 1076 khi thành lập trường Đại học đầu tiên – Quốc Tử Giám Thăng Long; tuy nhiên, quốc tế đánh giá nền giáo dục của Việt Nam không cao bởi những bất cập chưa thể giải quyết trong việc dạy và học.

Với những bất cập như vậy, TS. Lê Đông Phương cho rằng cần phải tự thay đổi bản thân trước khi yêu cầu cả hệ thống phải thay đổi. Bản thân mỗi sinh viên cần tự hoàn thiện việc học của mình, bởi thực tiễn phát triển hàng ngày, hàng giờ trong khi lý thuyết mà nhà trường cung cấp không có được sự cập nhật ấy. Trong thời đại công nghệ tri thức, TS cho rằng với tài liệu sẵn có và mạng Internet, sinh viên hoàn toàn có thể tự bổ sung cho mình nhiều kiến thức không có trong sách vở; tuy vậy, hiện nay hầu hết các sinh viên đều tiếp thu kiến thức rất thụ động, không chịu mở mang, tìm tòi, suy nghĩ.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiêm nghiệm những bước thăng trầm của quốc gia, dân tộc Việt Nam nhận thức được rằng “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí/Đại học giáo hóa chi bản nguyên”. Xin tạm dịch: Hiền tài là nguyên khí quốc gia; học tập là gốc rễ của giáo hóa”. Giáo dục là mấu chốt biến con người thành viên ngọc sáng. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, nền giáo dục còn tồn tại nhiều bất cập, khiến ngọc được mài nhưng không đủ sáng, gây tổn hại cho đất nước. Giáo dục Việt Nam có những yếu tố rất quý báu làm nền tảng cho việc phát triển theo hướng tích cực như ý chí, sự cần cù… song những yếu tố này hiện đang bị lãng phí, bỏ quên. Cần thay đổi từ suy nghĩ của mỗi người dạy, người học để có thể thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, từ đó mới hi vọng đưa Việt Nam sánh ngang tầm các cường quốc trên thế giới. Như chí sĩ Phan Chu Trinh đã từng đưa ra khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Vương Tâm