Cảm xúc trong trường ca "Biển"

08:54 | 23/02/2018

1,274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, nhiều lần qua khu Bốn, vượt đèo Ngang, Hữu Thỉnh đã viết nhiều thơ về biển. “Đường tới thành phố” - Trường ca về Chiến dịch Hồ Chí Minh, anh đã dành phần Hồi âm - Kết thúc với gần 70 câu thơ về biển, đảo.

Đồng thời với Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng tư lệnh đã điều một đoàn tàu ra giải phóng các đảo. Cuộc chiến tranh giải phóng chỉ trọn vẹn khi cùng với đất liền là giải phóng được các đảo, giang sơn thu về một mối. Chính vì thế, Hữu Thỉnh đã để một kết thúc mở cho “Đường tới thành phố”.

cam xuc trong truong ca bien

Hữu Thỉnh đã đi đến một số tuyến đảo phía Bắc và đã viết một chùm thơ: “Gửi từ đảo nhỏ”, “Tiếng gà trên đảo”, “Biển, nỗi nhớ và em”… “Phan Thiết có anh tôi” là một trong những bài thơ hay nhất của anh. Những câu thơ về biển rung động và đi xa:

Biển ùa ra xoắn lấy mọi người

Vì yêu biển mà họ thành sơ hở

Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ

Mặt anh còn cách nước một vài gang.

Những bài thơ đó là sự chuẩn bị để anh viết trường ca “Biển”.

Viết về biển là một hợp âm với điệp trùng sóng vỡ, đa thanh, đa sắc sống động, một vệt chói sáng trong hành trình thơ của anh.

Hữu Thỉnh là người viết về biển sớm (không nói là sớm nhất) và có nhiều thành tựu. Trường ca “Biển” được Giải Nhất Bộ Quốc phòng năm 1994 và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Chương mở đầu “Dốc biển” là cuộc đối thoại giữa một bên là người lính, một bên là biển. Đấy là cuộc đối thoại giữa dân tộc Việt Nam sau chiến thắng với vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Những suy tư được đặt ra, những hiện thực được lý giải, những bài học được đúc kết sau cơn say chiến thắng. Đó là những thách thức mà dân tộc phải đối diện, không kém phần khốc liệt như bất cứ một thứ “dốc” nào đã trải qua trong quá khứ trên đất liền. Cũng chính từ đó giúp chúng ta bình tĩnh lại sau những khó khăn chồng chất thời kỳ hậu chiến để kịp thời đề ra những đối sách thích hợp vượt qua thách thức:

Mẹ dặn tôi: Ra sông lấy sóng mà yêu

Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin

Tôi đã tin và chưa hề bị ngã

Biển nói:

- Không ngã chưa chắc đã khỏi chìm

Người lính nói:

- Có bí quyết gì sau lớp sóng kia chăng?

Biển nói:

- Sống với nước hãy bắt đầu từ nước.

“Sống với nước hãy bắt đầu từ nước” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một triết luận mà dân tộc đã trải qua trên con đường vươn ra biển lớn.

Ở chương mang tên “Cát”, cát được nhân cách hóa thành người đồng hành cùng người lính đảo với những thử thách và sức chịu đựng phi thường. Những nghiền ngẫm thế cuộc sâu sắc và thấm đẫm: “Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình/Đảo có lính cát non thành Tổ quốc”.

Người lính đảo thời bình còn phải “gồng mình” trước khoảng trống mênh mông của biển cả; trước những réo sôi đến lặng người của sóng và cả những yên tĩnh trống không ngay trong chính lòng mình:

Chúng tôi là lính đảo thời bình

Phải gồng mình cả khi yên tĩnh nhất

Để chống lại cái khoảng trống kia

Chực len vào giữa bạn và tôi

Cái khoảng trống lạnh tanh vô nghĩa

Có ngay trong chính bản thân mình.

“Cát ở đây là tất cả”, cát hiển hiện trong không cùng, trong số phận người lính: “Không có chỗ nào không có cát/ Không có điều gì không có cát”, “Chúng tôi vốc cát lên/ Chúng tôi nghe cát nói”... Người lính sống cùng cát, ăn nằm cùng cát, lấp đầy cùng cát, ngào trộn vào nhau, làm nên gương mặt đảo.

Chương thơ mang tên “Đất này” là câu chuyện mở cõi, tiếp đất ra đảo, xây chắn “phên dậu”, định dạng hình hài Tổ quốc:

Đất đi qua biển thì mau

Người đi qua nỗi khổ đau thì dài.

Đảo không đơn độc, đất liền với đảo là một. Trường ca “Biển” bung tỏa sang một chiều cảm nhận khác. Đó là công cuộc củng cố bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc mà “Không có đất không thể nào sống được” và định hình như một chân lý khi đến với đảo:

Đất đi đến đâu quê hương theo đến đấy

Quê hương đi đến đâu máu đi theo đến đấy

Máu chẳng bao giờ cũ

Cuốc cuốc cứ kêu hoài.

Chương thơ “Hóa thạch những dòng sông” chất chứa nhiều quan sát và suy ngẫm với nhiều chiều kích, biến hóa trong tự tại, có nhiều cách nói mới lạ. Viết về sông mà như viết về một đời người: “Những dòng sông quờ quạng tìm nhau/Dưới đáy biển/ Những dòng sông chết/Biển âm u đáy huyệt/ Hồn sông đi lang thang”, “Sông góp củi cho nồi cơm lớn/ Lòng vị tha là người khách sau cùng”, “Sông đi sông đi vật vờ sông đi/ Tìm lại mình trong biển/ Biển nói bằng muối chát/ Sông không nghe được gì”… Sông có tất thuộc về con người, sông như con người.

cam xuc trong truong ca bien

Nhìn ra biển để thấu hiểu tận cùng sông cũng là cách nhìn vào nguồn cội của dân tộc mà hiểu tận cùng số phận từng con dân vô danh, đó cũng là cách như sông trao mình cho mênh mông biển:

Sông trao mình cho biển

Như cây trao bóng cho rừng

Về biển thì hết sông

Không về thì không được.

Đó cũng là cách ứng xử đối với biển đảo như cách ứng xử với độc lập, tự do của dân tộc Việt.

Hữu Thỉnh đã kết lại trường ca “Biển” với giọng thơ bi tráng, khí phách:

Bao hiểm nguy con xin lại bắt đầu

Con xin lại bắt đầu từ lời ru trong suốt

Ra sông lấy sóng mà yêu

Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin

Con lại lao ra biển

Một chiếc phao thoi thóp bơi đi…

Và ấn tượng kết lại của trường ca “Biển” chính là những khúc hát ru. Những khúc hát ru bát ngát được mở ra với những âm hưởng khác nhau: Ru cho vong hồn những người lính đã chết và ru cho cả số phận những người lính đang sống. Ru cho người lính xa nhà và cho cả những người ở hậu phương. Ru cho hữu hạn. Ru cho vô hình… Như ngàn lớp sóng vỗ đập vào vách đảo ngân vang bao số phận cùng chung số phận với dân tộc.

Lê Quang Sinh