“Cách chết cũng cần phải học”

17:26 | 03/10/2011

636 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là phát biểu của TS. Nguyễn Mạnh Hùng – giám đốc Công ty sách Thái Hà nói chuyện về cách học tập suốt đời tại Lễ khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” diễn ra sáng 2/10 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Học để làm gì? Lý giải câu hỏi này, tôi cho rằng trước tiên học để biết (Learn to Know). Có một thứ tài sản duy nhất, độc đáo nhất trên thế gian này mà cho mà không mất đi, không ai có thể lấy cắp được, đó là Kiến thức. Nếu con người có 1 triệu đô, kẻ trộm có thể khoắng hết, nếu ai đó có biệt thự, sau cơn động đất, sóng thần, nhà cũng tan. Ngày xưa ông nội tôi rất giàu có, nhưng sau khi đổi tiền thì khối tài sản ấy chỉ mua được… một chiếc lốp xe đạp.

Nhưng kiến thức thì mãi vững bền. Cơ thể tôi nặng 60 kg nhưng não chỉ nặng chừng 2 kg nhưng hoạt động như một nhà máy phân tích khổng lồ. Tri thức có thể bán đi, tiêu cả đời. Thậm chí một bác sinh năm 1925, bây giờ bác đi nói chuyện ở cơ quan, trường học, người ta vẫn trả thù lao cho bác vài triệu.

Thứ nữa, học để hành (Learn to Do). Hay nói cách khác là học để biết làm. Cái thứ ba là học để tồn tại (Learn to Be). Học để biết mình là ai, nhất là càng lớn lên thì càng phải khẳng định mình là ai. Tiếp theo là học để sống cùng mọi người (Learn to Live together). Làm sao để hòa đồng ta với mọi người? Nếu mà không học thì khó có thể hòa đồng với nhau.

Tôi nói thêm với các cụ, có một cái cần học nữa là học cách chết. Chết bình an cũng là cái học. Ngay như Trung Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, họ có môn học là Học để có một cái chết bình an. Trong cuộc đời con người, lúc chúng ta đau đớn nhất là lúc gần chết. Thân, tứ chi tan rã ra, hơi ấm, hơi thở không còn nữa, phần nước bị nguội lạnh đi, lúc đó, cơ thể vô cùng đau đớn, con người không chịu được. Vậy học như thế nào để có cái chết bình an.

Có một khía cạnh nữa của câu hỏi “Học để làm gì”. Đó là học để luyện trí nhớ.

Rất nhiều bạn trẻ bây giờ chủ quan cứ cho là mình nhớ tốt. Người già bây giờ cứ nói xong là quên, không biết mình đã nói gì. Thậm chí có nhiều người chừng 50 tuổi đã rơi vào trạng thái như người già. Chúng ta cần luyện trí nhớ để không bị lẩn thẩn, luyện trí nhớ để sống tốt cuộc đời này.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty sách Thái Hà.

Thế thì học từ tuổi nào? Bà Katherine Muller-Marin – Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nói một câu rất hay rằng: “Học từ 0 tuổi cho đến 100 tuổi và hơn thế nữa”. Chúng ta học từ lúc chúng ta chưa ra đời. Như vậy, muốn con cháu mình thông minh, khỏe mạnh, cần giáo dục cho đứa con từ lúc 0 tuổi và trước 0 tuổi. Tức là trước khi thụ thai, người bố và người mẹ phải được chuẩn bị tâm lý tốt nhất, chuẩn bị cả kiến thức nuôi dạy con. Và khi thụ thai thì hai người phải đạt được trí tuệ sáng suốt nhất.

Người Việt có quan niệm rất hay là cộng thêm tuổi sống trong bụng mẹ cho đứa con, tức là thừa nhận đứa con ấy sống được gần 1 tuổi trong bụng mẹ. Vậy 1 tuổi trong thai mẹ, cháu bé được học rất nhiều thứ. Khi tôi đến nhà Giáo sư Trần Văn Khê thì được ông tâm sự là khi chưa chào đời, mẹ và bà của ông đã cho ông nghe nhạc từ trong bụng mẹ. Từ đó, ông có được cảm âm và yêu âm nhạc và hiện nay trở thành một trong những giáo sư hàng đầu về âm nhạc dân gian Việt Nam. Theo một nghiên cứu mới đây thì có đến 90 – 95% trí thông minh của con người có được từ những độ tuổi trước khi đi học.

Công thức học thì chỉ có 4 chữ “H” thôi. Việc đầu tiên là Học. Học qua các giác quan: mắt, tai, mũi, tay chân, da…

Khâu thứ 2 là Hỏi. Đa phần học sinh, sinh viên Việt Nam trên lớp, giảng đường không biết hỏi gì, không có cái để hỏi. Hỏi để có thêm kiến thức và quan trọng là hỏi để tạo cảm hứng học.

Khâu thứ 3 là Hiểu. Nhiều người đang sai lầm là học một thứ gì xong là bắt đầu làm luôn. Phải trải qua một quá trình hiểu, thấm thông tin.

Khâu cuối là Hành. Hành để biết mình đã học đủ kiến thức chưa. Nếu chưa làm được, tức là quá trình học, hỏi, hiểu chưa được nhiều.

Đức Chính