Các nước chống khủng hoảng giá dầu bằng cách nào?

07:00 | 20/05/2016

484 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lúc dầu mỏ giá cao, lợi nhuận thu được thường trích một phần lập quỹ. Quỹ này có nhiệm vụ chống khủng hoảng khi dầu mất giá. Trên thế giới đã có rất nhiều mô hình như vậy hoạt động hiệu quả.
cac nuoc chong khung hoang gia dau bang cach nao

Ở Na Uy, ngành dầu khí đóng góp tới 1/4 ngân sách nhà nước. Nước này sở hữu Quỹ lợi ích quốc gia (sovereign wealth fund) lớn nhất thế giới quản lý khối tài sản 870 tỷ USD. Số tiền trên phần lớn được trích từ tiền bán dầu. Quỹ này không nằm chết mà đóng góp cổ phần trong 9.000 công ty trên toàn thế giới. Ngoài ra, trong vốn tài sản của Quỹ có trái phiếu quốc gia của Mỹ, Đức và Nhật Bản. Nhiều chuyên gia lưu ý rằng, Quỹ của Na Uy công khai thông tin tài chính và hoạt động theo các quy tắc rõ ràng và minh bạch.

Bang Alaska của Mỹ cũng có Quỹ Dầu mỏ, được thành lập vào năm 1976. Đây là loại quỹ với thời gian tồn tại vĩnh viễn. Bây giờ khối tài sản của nó vượt quá 53 tỷ USD. Cơ quan chính quyền địa phương chuyển cho quỹ 25% phần vốn góp từ các công ty dầu mỏ, và một phần vốn phục vụ nhu cầu của cư dân Alaska. Quỹ Dầu mỏ của Alaska cũng sở hữu cổ phiếu của các công ty Mỹ, trái phiếu của Mỹ và một số quốc gia khác, bất động sản và những tài sản khác.

Kuwait, một trong những nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã tài trợ cho việc tái thiết đất nước sau chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên bằng các khoản đầu tư lấy từ Quỹ Dự trữ Ngân sách và Quỹ dự trữ cho các thế hệ tương lai. Chính phủ đóng góp vào Quỹ cho các thế hệ tương lai 10% tổng thu nhập quốc gia (không phụ thuộc vào nguồn gốc và mức giá dầu). Sau đó đầu tư vào chứng khoán của các nước phát triển cao.

Trong một thời gian dài ở Arập Xê-út, nước có sản lượng dầu lớn nhất thế giới, đã không có quỹ dầu mỏ riêng. Tuy nhiên, khi giá dầu sụt giảm trong thời gian dài, gia đình hoàng gia cầm quyền phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp. Hoàng tử Muhammed bin Salman tuyên bố rằng, vương quốc đang chuẩn bị lập quỹ đầu tư quốc gia 2.000 tỷ USD để thoát phụ thuộc dầu mỏ.

Tuy nhiên không phải quỹ cứu nguy dầu mỏ nào cũng hoạt động thành công. Oman đã lập Quỹ dự trữ nhà nước vào năm 1980, và Quỹ Dầu mỏ vào năm 1993. Đáng tiếc, cả hai quỹ đã chịu thất bại, bởi vì quốc gia này  liên tục cố gắng khắc phục thâm hụt ngân sách. Tại Venezuela đã có hai quỹ dự trữ. Nhưng, nước này đã tiêu hết số tiền tiết kiệm, và bây giờ cả hai quỹ đều hết tiền. Tình hình ở Nigeria cũng tương tự như vậy. Vào năm 2004,  Quỹ dự trữ của nước này đã sở hữu 50% siêu lợi nhuận từ việc bán dầu thô trong năm 2003. Tuy nhiên, những khoản tiền lớn đã được rút ra để bù đắp cho người tiêu dùng chênh lệch giá xăng dầu. Trên thực tế, đã từ lâu Quỹ không còn hoạt động.

Năm 2004, Chính phủ Nga đã lập ra Quỹ Ổn định. Những khoản tiền đóng góp vào quỹ là số tiền thuế xuất khẩu dầu mỏ và nhiên liệu hydrocarbon. Quỹ Ổn định đã đầu tư vào việc mua ngoại tệ và nợ xấu nước ngoài. Những khoản vốn của Quỹ đã được sử dụng để thanh toán nợ nước ngoài. Đến năm 2008, Quỹ Ổn định đã sở hữu hơn 157 tỷ USD. Ngày 1/2/2008, Quỹ Ổn định đã được chia thành hai phần: Quỹ Dự trữ và Quỹ Phúc lợi Quốc gia. Quỹ Phúc lợi Quốc gia bổ sung nguồn tiền đảm bảo Quỹ bảo hiểm hưu trí.

Vào ngày 1/5/2016, Quỹ Dự trữ của LB Nga có số vốn khoảng 45 tỷ USD, Quỹ Phúc lợi Quốc gia, khoảng 74 tỷ USD. 

H.Phan

Sputniknews.