Buôn bán, vận chuyển sừng tê giác từ châu Phi về Việt Nam (Phần 1)

08:00 | 04/02/2019

1,134 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại Nam Phi, hiện có khoảng 22.000 con tê giác trắng và đen sống tại các khu bảo tồn Nam Phi, chiếm 93% tổng số tê giác trên toàn thế giới, được xem là một trong những quần thể tê giác cuối cùng trên thế giới, song tình trạng tê giác bị săn bắt và giết hại đang ngày càng trầm trọng hơn tại đây.

Trong những năm gần đây, tình hình săn bắt các loài tê giác để lấy sừng vận chuyển về một số nước châu Á ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Để ngăn chặn các hoạt động săn bắt, buôn bán, vận chuyển đã có rất nhiều các cơ quan chức năng tham gia. Nhiều các chiến dịch vận động quần chúng nhân dân không dùng sừng tê giác vì các mục đích khác nhau. Tuy nhiên, vì lợi nhuận bọn tội phạm vẫn lén lút săn lùng tê giác để lấy sừng.

buon ban van chuyen sung te giac tu chau phi ve viet nam phan 1

Tê giác trắng ở Nam Phi

Điển hình, tại Nam Phi, hiện có khoảng 22.000 con tê giác trắng và đen sống tại các khu bảo tồn Nam Phi, chiếm 93% tổng số tê giác trên toàn thế giới, được xem là một trong những quần thể tê giác cuối cùng trên thế giới, song tình trạng tê giác bị săn bắt và giết hại đang ngày càng trầm trọng hơn tại đây.

Theo báo cáo của Traffic (mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã), 448 cá thể tê giác đã bị giết hại tại Nam Phi năm 2011 và 281 con tê giác bị giết nửa đầu năm 2012. Lợi nhuận nó mang lại còn cao hơn cả buôn bán vận chuyển heroin hay buôn bán người. Chính vì vậy số lượng tê giác bị săn bắt, giết hại ngày càng gia tăng. Đường dây săn bắt và buôn bán sừng tê giác vô cùng phức tạp vì việc săn bắn thì diễn ra ở châu Phi trong khi đó thị trường tiêu thụ bất hợp pháp lại ở châu Á, đặc biệt ở Việt Nam và Trung Quốc.

Các đối tượng tham gia săn bắt, vận chuyển sừng tê giác không chỉ người bản địa mà cả người Trung Quốc và Việt Nam. Từ đầu năm 2011 đến nay, cảnh sát Nam Phi đã bắt giữ 164 nghi phạm chuyên săn trộm, vận chuyển và buôn bán sừng tê giác. Trong số 43 đối tượng người châu Á bị bắt vì buôn bán động vật hoang dã, thì có đến 24 người có quốc tịch Việt Nam. Nhiều trường hợp các đối tượng là cán bộ của một số cơ quan nhà nước lợi dụng việc đi công tác nước ngoài đặc biệt là tại các nước có nhiều nguồn cung cấp các sản phẩm từ động thực vật hoang dã quý hiếm (chủ yếu là sừng tê giác, xương hổ…) để buôn bán, vận chuyển trái phép về Việt Nam.

Địa bàn các nước “xuất khẩu” sừng tê giác thường là những khu vực có nhiều rừng nguyên sinh, dân cư ít hoặc những khu vực đang phát triển ở Châu Phi (chủ yếu là từ Nam Phi, Tanzania…). Các nước “nhập khẩu” chính là những nước Đông Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Một số nước thuộc khu vực Trung Đông, Đông Âu hoặc châu Á (trong đó có Việt Nam) cũng đóng vai trò là địa bàn trung chuyển trong các đường dây buôn bán trái phép các loại động, thực vật quý hiếm xuyên quốc gia trong đó có sừng tê giác. Các loài động thực vật quý hiếm được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không.

Trên đường bộ, sừng tê giác được vận chuyển từ Lào qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) hoặc cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) đi Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh), sau đó đưa sang Trung Quốc để tiêu thụ hoặc đưa tiếp sang các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo đường biển sừng tê giác được vận chuyển trái phép từ các nước châu Phi (Tanzania, Nam Phi) đến cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh sau đó đưa sang Trung Quốc. Đường hàng không được coi là con đường chính để vận chuyển trái phép sừng tê giác. Sừng tê giác được đưa từ Singapore sang Malaysia, Hongkong sau đó đưa về Việt Nam qua sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

Đặc biệt mấy năm gần đây, sừng tê giác được vận chuyển chủ yếu bằng đường hàng không từ Nam Phi, Tanzania về Hongkong sau đó về Việt Nam (chủ yếu là qua sân bay Nội Bài). Phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường núp dưới bóng các công ty, tổ chức có chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa, các công ty du lịch… để vận chuyển trái phép các loại động thực vật hoang dã quý hiếm. Khi vận chuyển “hàng hóa” chúng thường cất giấu rất kỹ trong các loại thùng hai đáy, trong các container có chứa những mặt hàng không bị cấm như trong các thùng ướp đá chở cá, container chứa quần áo, giầy dép... Khi nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng, các đối tượng phạm tội thường khai báo sai số lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… thậm chí làm giả những loại giấy tờ cần thiết để chứng minh số hàng này để trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Khi vận chuyển qua khu vực kiểm tra an ninh, các đối tượng vận chuyển thường dùng loại giấy dán có thể chống lại máy quét an ninh bọc kiện hàng sừng tê giác, thậm chí còn bỏ thêm một số gia vị (tỏi, tiêu…) vào kiện hàng để giấu mùi của sừng tê giác.

buon ban van chuyen sung te giac tu chau phi ve viet nam phan 1

Nhân viên tổ chức bảo vệ động vật hoang dã gắn chip lên sừng tê giác để bảo vệ chúng

Để ngăn chặn tình trạng trên, giới chức Nam Phi không ngừng đưa ra các biện pháp như triển khai quân đội tuần tra, cài chíp vào thân tê giác để theo dõi, nhưng kết quả cũng không mấy khả quan, do những kẻ săn trộm luôn đối phó bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và phương tiện hiện đại. Ở Nam Phi, nhiều đơn vị đặc nhiệm bao gồm cảnh sát, hải quan, nhân viên của các bảo tàng tự nhiên tham gia đấu tranh với những đối tượng chuyên săn bắt tê giác và một số loại động vật quý hiếm khác. Qua kênh hợp tác Interpol, từ năm 2000 đến nay, cảnh sát Việt Nam nhận được 25 đề nghị, trong đó có 07 đề nghị xác minh thông tin liên đến việc vận chuyển trái phép sừng tê giác của cảnh sát Nam Phi.

(Còn tiếp)

Hòa Thu