Bùng nổ mua sắm vũ khí trên thế giới

06:40 | 20/01/2014

4,577 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giới phân tích cho rằng, bất ổn tại Trung Đông, Bắc Phi cùng những tranh chấp ảnh hưởng giữa các nước Đông Á và sự thay đổi thế cân bằng về quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương là những lý do dẫn tới sự sôi động của thị trường vũ khí trong năm 2013. Và cuộc chạy đua vũ trang sẽ ngày càng gay gắt hơn trong thời gian tới. Điều đáng nói là trong khi nền kinh tế toàn cầu chưa khởi sắc thì thị trường vũ khí thế giới lại thu hoạch lớn và các nhà sản xuất vũ khí đang vớ bẫm bằng những hợp đồng ngày càng khổng lồ.

 

Những con số biết nói

2013 là năm mua sắm vũ khí đạt kim ngạch cao nhất, đạt kỷ lục kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay. Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí quốc tế (TSAMTO), hợp đồng nhập khẩu vũ khí thông thường và công nghệ quân sự được ký trong năm 2013 trên thế giới khoảng 50,837 tỉ USD. Top 3 quốc gia xuất khẩu vũ khí trong năm 2012 là Mỹ, Nga và Pháp, theo sau là Đức, Anh, Israel. Trung Quốc là nước châu Á duy nhất góp mặt trong top 10 với vị trí thứ 8.

Theo Tạp chí Aviation Week, Mỹ là nhà cung cấp máy bay quân sự hàng đầu thế giới cho các đối tác và đồng minh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với trị giá khoảng 79,2 tỉ USD. Italia đứng thứ hai trong danh sách này với khoảng 48,7 tỉ USD. Ấn Độ xếp vị trí thứ 3, còn Trung Quốc đứng thứ 8 với tổng trị giá chỉ đạt 6,5 tỉ USD.

Giới chuyên gia Nga cũng vừa công bố 10 vị trí nhập khẩu vũ khí đứng đầu năm 2013. Đó là, Arập Xêút (10,526 tỉ USD, chiếm 20,7% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí trên thế giới), Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (5,655 tỉ USD, chiếm 11,1%), Ấn Độ (3,754 tỉ USD, chiếm 7,4%).

Tên lửa phòng không S-300 của Nga

Ngày 4/1/2014, Hãng Kyodo News của Nhật Bản cho biết, công nghệ động cơ của Hãng Mitsubishi Heavy Industries trang bị cho xe tăng Type-10 mà lục quân Nhật Bản đang sử dụng đã nhận được sự quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã bàn với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vấn đề hợp tác sản xuất động cơ xe tăng nhân chuyến thăm chính thức Tokyo (từ 6 đến 8/1/2014).

Tờ Telegraph của Anh cho biết (17/7/2013), London đã cấp hơn 3.000 giấy phép xuất khẩu các trang thiết bị quân sự và tình báo với tổng trị giá lên đến 12,3 tỉ bảng (khoảng 19,6 tỉ USD). Israel và Palestine là những nước nhập khẩu nhiều nhất trang thiết bị vũ khí từ Anh với tổng chi phí lên đến 7,8 tỉ bảng (hơn 12 tỉ USD).

Nhận định khác nhau

Phó giám đốc Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga Konstantin Biryulin khẳng định (28/8/2013), kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu trang thiết bị kỹ thuật quân sự sẽ được hoàn thành đúng thời hạn. Bởi Nga đã bán cho các đối tác nước ngoài thiết bị kỹ thuật quân sự trị giá gần 9 tỉ USD và dự kiến con số này sẽ được nâng lên hơn 15 tỉ USD trong cả năm 2013.

Ngày 24/11/2013, ông Mikhail Zavaly, Trưởng đoàn đại biểu Công ty xuất khẩu Quốc phòng Nga (Rosoboronexport) tại Triển lãm hàng không Dubai (Dubai Airshow) cho biết, máy bay trực thăng Nga đã thống trị cuộc triển lãm này. Bởi Rosoboronexport đã ký hợp đồng bán máy bay trực thăng trị giá hơn 5 tỉ USD (chưa tính các chi phí phát sinh) với các khách hàng Trung Đông và Bắc Phi.

Trước đó (20/10/2013), Tư lệnh Không quân Nga, Trung tướng Viktor Bondarev đã đến Tehran và trong cuộc hội đàm với Tư lệnh Không quân Iran, Chuẩn tướng Hassan Shahsafi, ông đã thương đàm về hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Tehran.

Ngày 18/12/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Celso Amorim cho biết, nước này sẽ mua 36 máy bay Gripen NG của Hãng Saab (Thụy Điển) để đổi mới phi đội máy bay chiến đấu nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ biên giới cũng như các mỏ dầu khổng lồ ngoài biển. Đây được coi là hợp đồng quân sự lớn nhất trong lịch sử Brazil bởi có giá trị ước tính 4,5 tỉ USD. Ít người biết rằng, Thụy Điển nổi tiếng yên bình ở Bắc Âu, nhưng lại là một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu vũ khí.

Theo tổ chức hòa bình Thụy Điển SPAS, doanh thu xuất khẩu vũ khí của nước này năm 2011 đạt trung bình 73,134USD/người dân, cao nhất thế giới và gấp đôi mức 32,384USD/người dân của Mỹ - nước xuất khẩu vũ khí đứng đầu thế giới. Cuối tháng 2/2013, tờ Defence News dẫn báo cáo từ ISP, cơ quan kiểm soát xuất khẩu vũ khí Thụy Điển, cho biết doanh thu xuất khẩu vũ khí của nước này đạt 1,53 tỉ USD trong năm 2012, giảm 30% so với năm 2011.

Động thái của các nước châu Á

Ngày 2/1/2014, Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm vũ khí Hàn Quốc (DAPA) cho biết, giá trị xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 3,4 tỷ USD trong năm 2013 với việc tăng mạnh xuất khẩu máy bay và tàu chiến nội địa. Theo DAPA, tổng số tiền xuất khẩu vũ khí trong năm 2013 cao hơn 1 tỉ USD so với năm 2012, gấp 14 lần so với năm 2006 và sản phẩm đang xâm nhập vào các quốc gia mới nổi ở Mỹ Latinh và Trung Đông.

Trong tháng 12/2013, Tập đoàn sản xuất máy bay Hàn Quốc Korea Aerospace Industries (KAI), đã ký hợp đồng trị giá 1,1 tỉ USD xuất khẩu 24 máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 cho Iraq, đánh dấu việc bắt đầu đặt chân vào thị trường vũ khí Trung Đông.

Cũng trong tháng 12/2013, Tập đoàn đóng tàu STX của Hàn Quốc, đã ký hợp đồng trị giá 71,3 triệu USD với Peru để chế tạo 5 tàu tuần tra. Giới quân sự cho rằng, có thể Hàn Quốc sẽ trở thành “ông lớn” trên thị trường buôn bán vũ khí thời gian tới. Tại Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Hải quân Quốc tế được tổ chức ở thành phố cảng Budan (từ 22 đến 25/10/2013 với sự tham gia của 1.590 công ty đến từ 55 quốc gia với 2.420 gian hàng), Hàn Quốc cũng giới thiệu các sản phẩm vũ khí mới.

Theo báo cáo của tổ chức phân tích hải quân AMI International có trụ sở tại Bremerton, Washington, châu Á sẽ chi gần 200 tỉ USD cho hải quân và an ninh hàng hải trong vòng 20 năm tới, chiếm 26% chi tiêu trong lĩnh vực này của toàn cầu. Ngày 15/4/2013, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo, theo đó chi tiêu cho quốc phòng trên thế giới trong năm 2012 giảm 0,5% còn 1.753 tỉ USD, tương đương với 2,5% tổng sản phẩm kinh tế toàn cầu.

Đây là lần đầu tiên mức chi quốc phòng giảm kể từ năm 1998. Nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mức đầu tư cho quốc phòng - là nước đứng đầu về chi tiêu quân sự tại châu Á. Năm 2012, Trung Quốc đã chi 166 tỉ USD cho quốc phòng, tăng khoảng 7,8% so với năm 2011 và tăng 175% so với năm 2003.

Tại phiên họp ngày 3/6/2013 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, các nước thành viên lần lượt ký thông qua Hiệp ước buôn bán vũ khí (ATT) quy định việc kiểm soát hoạt động buôn bán trên toàn cầu đối với các loại vũ khí thông thường, từ xe tăng, tàu chiến và máy bay chiến đấu cho tới các loại súng trường và đạn.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, năm 2011, tổng chi tiêu cho mua sắm vũ khí của thế giới đạt hơn 1,7 nghìn tỉ USD. Và với mức chi tiêu hơn 72 tỉ USD, Nga chính thức vượt Anh và Pháp thành nước mua sắm vũ khí nhiều thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Cũng theo báo cáo kể trên, Châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 44% tổng lượng nhập khẩu vũ khí thông thường của thế giới trong giai đoạn 2007-2011.

Cạnh tranh không công bằng

Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới Nga cho rằng, xuất khẩu xe tăng chiến đấu trên thế giới giai đoạn 2013-2016, Nga, Mỹ và Đức đứng vững ở top 3 trên thị trường thế giới, còn Trung Quốc xếp thứ tư. Nga đứng đầu về xuất khẩu xe tăng trên thị trường thế giới chủ yếu dựa vào xe tăng T-90S bán cho Ấn Độ. Bởi ngày 13/9/2013, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã phê chuẩn chương trình mua sắm vũ khí với tổng trị giá 2,37 tỉ USD.

Năm 2011, xe tăng T-90C của Nga đã thất bại trước xe tăng VT1A của Trung Quốc ở thị trường Morocco, cho dù xe tăng VT1A là phiên bản sao chép của xe tăng T-72. Mặc dù xuất khẩu vũ khí của Nga tăng nhanh (năm 2013 ở mức đột phá 13 tỉ USD), nhưng sức ép cạnh tranh đến từ Trung Quốc đang ngày càng tăng. Tờ Daily Mail của Anh từng cho biết (31/3/2013), mãi đến năm 2001, 90% vũ khí trang bị của Trung Quốc vẫn còn có nguồn gốc từ Nga.

Nguyệt san “Quốc phòng” Mỹ cho rằng, ngành sản xuất vũ khí Mỹ giống như “con tinh tinh” khổng lồ trên thị trường vũ khí thế giới. Và các doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong cạnh tranh một số hệ thống tiên tiến, như máy bay quân sự công nghệ cao và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Mỹ vẫn là quốc gia xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, chiếm tới 30% doanh số mua bán vũ khí toàn cầu với ước tính vào khoảng 90 tỉ USD. Giới quân sự cho rằng, Trung Quốc đang từng bước phát triển thành nước xuất khẩu vũ khí lớn cho dù thị trường vũ khí thế giới vốn do Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Israel lũng đoạn, độc quyền. Bởi Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí giá rẻ và đã được xếp thứ 5 trong số những nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới.

Trung Quốc đã hướng tới các nước Nam Á, châu Phi và bắt đầu xâm nhập thị trường Mỹ Latinh và Trung Đông. Hợp tác mua bán vũ khí giữa các nước Trung Đông với Trung Quốc được tiến hành từ năm 1988 và khi đó Arập Xêút đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa tương đối sơ cấp của Bắc Kinh.

Vì không muốn mất thị trường Mỹ Latinh nên Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thăm Brazil và Peru (từ 14 đến 17/10/2013) để đẩy nhanh việc ký kết với các nước này những hợp đồng cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 1,7 tỉ USD. Có người nói rằng, Trung Quốc bán vũ khí lấy quan hệ bởi với những hợp đồng vũ khí giá rẻ, Bắc Kinh đang dần tiếp cận và tăng cường sự hiện diện ở khu vực Trung Đông và Nam Á một cách âm thầm.

Theo giới chuyên môn, tham vọng soán ngôi của Mỹ về lĩnh vực vũ khí quốc phòng đang được châu Âu triển khai mạnh với sự sáp nhập BAE-EADS. Tập đoàn BAE Systems của Anh và công ty mẹ của Airbus là EADS đã lên kế hoạch sáp nhập thành một tập đoàn công nghệ quốc phòng và hàng không vũ trụ với trị giá 48 tỉ USD có khả năng vượt Boeing cũng như vượt qua làn sóng cắt giảm chi phí quốc phòng tại châu Âu và Mỹ.

Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành công ty con tại Mỹ của ông trùm vũ khí Pháp SAFRAN là Peter Nicolas Rengier cho biết, trong tương lai, các công ty Mỹ chỉ dựa vào ưu thế công nghệ có thể khó giành được đơn đặt hàng quốc tế.

 

Quốc Tuấn - Khắc Dũng