Brussels muốn rút EU khỏi Hiệp ước Hiến chương năng lượng

15:17 | 09/07/2023

372 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vào hôm 7/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị thực hiện công tác phối hợp nhằm rút EU và 27 quốc gia thành viên khỏi Hiệp ước Hiến chương năng lượng - một hiệp ước quốc tế được cho là đã bảo vệ quá đà hoạt động đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Nhiều quốc gia EU đã thể hiện nguyện vọng rút khỏi hiệp ước.
Brussels muốn rút EU khỏi Hiệp ước Hiến chương năng lượng
Biểu tượng phản đối Hiệp ước Hiến chương năng lượng

"Hiệp ước lỗi thời này không phù hợp với những cam kết về khí hậu của chúng tôi (...) Đã đến lúc châu Âu phải rút lui, tập trung vào việc xây dựng một hệ thống năng lượng hiệu quả nhằm thúc đẩy và bảo vệ các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo", theo lời của ông Frans Timmermans - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

EC muốn EU, cùng với tất cả những quốc gia thành viên và Tổ chức hạt nhân dân sự châu Âu (Euratom) "rút khỏi Hiệp ước một cách có phối hợp và trật tự, để đảm bảo đối xử bình đẳng với các nhà đầu tư trên khắp EU và hơn thế nữa".

Hai mươi bảy quốc gia thành viên sẽ bỏ phiếu về đề xuất này.

Hiệp ước Hiến chương Năng lượng (ECT) được ký kết vào năm 1994, vào cuối Chiến tranh Lạnh, nhằm đảm bảo quyền lợi cho những nhà đầu tư ở những quốc gia Đông Âu và Liên Xô cũ.

Với sự tham gia của Liên minh Châu Âu và khoảng 50 quốc gia khác, ECT tạo điều kiện cho các công ty mở tòa án trọng tài tư nhân để yêu cầu nhà nước bồi thường trong trường hợp lợi nhuận của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi những quyết định và quy định môi trường do nhà nước ban hành, bao gồm cả những chính sách ủng hộ khí hậu.

Trường hợp tiêu biểu: Vào năm 2022, chính phủ Ý phải bồi thường khoảng 200 triệu euro cho công ty dầu mỏ Rockhopper của Anh vì đã từ chối cấp giấy phép khoan dầu khí ngoài khơi. Công ty năng lượng RWE (Đức) cũng đã yêu cầu Den Haag bồi thường 1,4 tỷ euro tiền bù đắp thiệt hại, vì quy định cấm sử dụng than của Hà Lan đã gây ảnh hưởng đến một nhà máy nhiệt điện của RWE.

Đối mặt với số vụ kiện tụng ngày càng gia tăng, thoạt đầu, châu Âu đã cố gắng hiện đại hóa ECT để loại bỏ những kẽ hở. Họ cũng dần dần loại bỏ những điều khoản về đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Dù vậy, vào mùa thu năm 2022, EU đã không đạt được thỏa hiệp.

Sau khi Ý rút khỏi ECT vào năm 2015, nhiều quốc gia EU đã theo chân Ý vào cuối năm 2022 (Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Luxembourg, Ba Lan, v.v.).

Tuy nhiên, lo ngại vẫn còn ở đó, vì những nước đã rút khỏi ECT phải tiếp tục tuân thủ Hiệp ước trong vòng 20 năm tới.

Nhiều luật sư và tổ chức phi chính phủ tin rằng, nếu cả EU đồng lòng rút lui, một vài điều khoản của ECT sẽ không còn hiệu lực tại EU.

Một số quốc gia, bao gồm cả Hungary, đã kiến nghị được tiếp tục làm thành viên của một ECT "hiện đại hơn", nhưng đối với Ủy ban châu Âu, quyết định rút lui tập thể của EU "là lối tiếp cận phù hợp nhất về mặt pháp lý và chính trị".

Đức rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượngĐức rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng
Theo chân Hà Lan, Pháp rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượngTheo chân Hà Lan, Pháp rút khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng

Ngọc Duyên

AFP