Bóng đá & Môi trường thân thiện

09:12 | 25/07/2018

394 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - World Cup 2018 ở Nga vừa kết thúc với việc đội tuyển Pháp giành cúp vô địch. Giờ đây là lúc người ta tìm hiểu về vấn đề tác động của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh này tới môi trường. Câu hỏi đặt ra: Bóng đá liệu có những tác động xấu tới môi trường hay không?  

Công nghệ trồng cỏ mới

Đối với một sân vận động bóng đá, sân cỏ chắc chắn là yếu tố tiêu hao nhiều năng lượng nhất. Thực vậy, công tác bảo trì các sân vận động được thực hiện rất nghiêm ngặt và tỉ mỉ trước khi những trận cầu diễn ra. Sân vận động đạt chuẩn là yếu tố tiên quyết giúp các trận đấu diễn ra một cách suôn sẻ.

bong da moi truong than thien
Việc chăm sóc các sân cỏ tốn rất nhiều năng lượng

Tuy nhiên, chi phí phải trả cho công tác kiểm tra, bảo trì sân cỏ rất tốn kém. Đó là còn chưa kể đến các tác động tới môi trường. Khi các sân bóng đá được đưa vào sử dụng, các chi phí dành cho tưới tiêu, xử lý thuốc trừ sâu, ô nhiễm đất và phát thải khí nhà kính rất lớn.

May mắn thay, ngày nay, các giải pháp thân thiện với môi trường hơn đang dần chiếm ưu thế. Trong khâu cắt cỏ, một số chuyên gia đã chế tạo ra những chiếc máy cắt cỏ thế hệ mới có khả năng làm giảm chi phí năng lượng. Ví dụ như chi phí năng lượng của máy cắt Bigmow giảm xuống 3 lần so với các máy cắt cỏ trước đây, tiết kiệm chi phí 500-1.000 euro mỗi năm.

Ngoài ra, nhờ vào công nghệ của AirForce, các chuyên gia đã phát triển một loại sân cỏ tự nhiên mới. Công nghệ này đòi hỏi cỏ phải bắt rễ sâu xuống bề mặt đất tự nhiên, giúp hàm lượng carbon có trong đất được lưu trữ trong một khoảng thời gian dài. Cỏ trồng bằng công nghệ này có khả năng giữ và duy trì lượng nước lâu hơn, có sức đề kháng tốt hơn. Với tất cả ưu điểm của công nghệ trồng cỏ mới, có thể tiết kiệm được đáng kể nguồn nước dành cho tưới tiêu.

Hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng

Các công nghệ mới tiết kiệm năng lượng đang dần được phát triển, đặc biệt là ở Nigeria, nơi Tập đoàn Shell đã triển khai một hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng lấy từ chính những bước chuyển động trên sân của các cầu thủ.

Đây là công nghệ lần đầu tiên được triển khai ở châu Phi, mặc dù trước đó hệ thống chiếu sáng này đã được thử nghiệm trên một sân bóng đá ở khu ổ chuột của thành phố Rio de Janeiro, Brazil. 90 tấm điện tử đã được lắp đặt dưới bề mặt sân cỏ. Mỗi lần một cầu thủ chạy qua và giẫm lên 1 tấm điện tử thì sẽ tạo ra 7W điện, sau đó được lưu trữ trong một hệ thống pin. Nguồn điện này có thể cung cấp đủ năng lượng chiếu sáng cho 6 đèn LED có mức tiêu thụ điện năng thấp. Laurence Kemball-Cook, một kỹ sư trẻ người Anh, là cha đẻ của công nghệ mới này. Ngoài ra, các tấm pin quang điện mặt trời cũng được lắp đặt trên mái sân vận động.

World Cup 2018 và vấn đề năng lượng

Những tác động đến môi trường của World Cup 2018 ở Nga thậm chí còn lớn hơn các sự kiện bóng đá tương tự trước đây.

Về chi phí năng lượng, yếu tố đầu tiên cần được kể đến chính là nhu cầu đi lại của du khách. World Cup 2018 thu hút hàng nghìn người đến xem tận mắt các trận đấu. Ngoài ra cũng phải tính đến nhu cầu di chuyển của các cầu thủ, nhân viên, nhà báo... Ước tính tất cả các chuyến đi khứ hồi này thải ra khoảng 1,6 triệu tấn khí CO2. World Cup 2014 tổ chức tại Brazil đã thải ra 2,8 triệu tấn CO2.

Mặc dù FIFA đặt mục tiêu bảo vệ môi trường ở Rio de Janeiro cao hơn so với World Cup 2006 tại Đức. Nhưng World Cup diễn ra ở Đức lại có mức độ ô nhiễm không khí ít hơn tới 8 lần. Điều này được giải thích bởi các cuộc thi đấu diễn ra ở châu Âu và có nhiều nước châu Âu tham gia. Do đó, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ít hơn năm 2006.

Một vấn đề lớn khác: Việc xử lý rác thải của các cổ động viên. FIFA đã không có bất kỳ biện pháp nào để tạo điều kiện cho tái chế và hạn chế rác thải hay thậm chí rất hiếm các biện pháp đã được thực thi để đáp ứng các mục tiêu này. Ngay cả khi FIFA tỏ rõ mong muốn thực hiện được nhiều hoạt động thân thiện với môi trường, nhưng đó lại là một thất bại về năng lượng vào năm 2018. Trong khi các sân vận động của World Cup 2014 tại Brazil được trang bị các tấm pin mặt trời thì ở Nga lại không có. Ngoài ra, không có loại hình năng lượng tái tạo nào được dùng để cung cấp cho World Cup 2018. Tuy nhiên, các sáng kiến như tái sử dụng nước mưa hoặc sử dụng bóng đèn LED lại được thiết lập tại các sân vận động ở Nga.

Ước tính tất cả các chuyến đi khứ hồi của cổ động viên, cầu thủ, nhà báo… tại World Cup 2018 thải ra khoảng 1,6 triệu tấn khí CO2. World Cup 2014 tổ chức tại Brazil đã thải ra 2,8 triệu tấn CO2.

Hình mẫu bảo vệ môi trường

Ở Anh, Câu lạc bộ Forest Green Rovers là một hình mẫu về phát triển bền vững vì họ quyết định chuyển sang sử dụng những nguồn năng lượng xanh thân thiện với môi trường. Cụ thể, 180 tấm pin mặt trời đã được lắp đặt trên mái của sân vận động, một hệ thống thoát nước mưa được hình thành và một sân cỏ 100% được trồng bằng phương pháp tự nhiên không dùng đến phân hóa học. Để phục vụ cho công tác chăm sóc và duy trì sân cỏ, thuốc trừ sâu được thay thế bằng… phân bò. Câu lạc bộ cho thấy họ có thể làm giảm tác động của bóng đá lên môi trường.

Ở Pháp có rất ít sáng kiến như vậy được triển khai. Hiện chỉ có một số tấm pin mặt trời được lắp đặt trên sân vận động của Câu lạc bộ AS Saint-Etienne. Ngay cả một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp như Paris Saint-Germain vốn đang thực hiện hình thức đi chung xe để tiết kiệm nhiên liệu nhưng sáng kiến lắp pin mặt trời tại sân vận động không thực hiện được. Tại Câu lạc bộ Olympique Marseille, cứ mỗi một bàn thắng được ghi thì họ trồng thêm cây xanh, nhưng điều đó chỉ kéo dài hai năm.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc