Bộ Y tế khuyến cáo không tích trữ lương thực

06:42 | 06/02/2020

1,074 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các biện pháp kiểm soát đang rất chặt, Việt Nam tự tin chống được dịch virus corona, người dân không nên quá lo lắng và không nên tích trữ lương thực, đại diện Bộ Y tế nói. 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế, trong cuộc họp chiều 5/2 nói rằng người dân cần bình tĩnh tuân thủ các hướng dẫn về y tế, không hoang mang theo các thông tin đồn thổi để chung sức chống dịch bệnh.

"Có các thông tin như kêu gọi tích trữ lương thực thậm chí cả vàng, những điều đó là không đúng đắn", ông Long nói. "Chúng ta đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống còn mạnh hơn thời dịch SARS năm 2003. "Chúng ta sẽ cố gắng kiểm soát được coronavirus", ông Long nhấn mạnh.

Thứ trưởng Y tế đồng thời giải đáp các thắc mắc mọi mặt về dịch bệnh.

Việt Nam áp dụng nhiều vòng cách ly. Bất kỳ người nào từ vùng dịch trở về Việt Nam phải cách ly. Vùng dịch gồm 31 tỉnh thành của đại lục Trung Quốc. Kể từ khi lệnh cách ly được ban hành, chưa có công dân Trung Quốc nào nhập cảnh Việt Nam. Hôm nay có khoảng 900 người đang cách ly tại các tỉnh biên giới, hầu hết là công dân Việt Nam.

"Kiểm soát người đi từ vùng dịch đến là quan trọng nhất trong việc kiểm soát dịch bệnh", ông Long nói.

Những người về được cách ly theo 3 cấp độ. Cấp độ 1: Nghi bệnh, lập tức cách ly tại cơ sở y tế tuyệt đối. Cấp 2: Đối với cá nhân đi từ Hồ Bắc về (17 điểm có dịch, điểm lớn nhất là Vũ Hán), những người này phải cách ly tập trung, số này ít, nằm rải rác các địa phương. Cấp 3: Tiếp xúc hoặc đi từ Trung Quốc về, phải cách ly tại gia đình dưới sự giám sát quản lý của chính quyền các cấp và y tế, không đi ra khỏi nhà.

Hiện tại với các ca ở tỉnh Vĩnh Phúc, ngành y tế đang áp dụng bốn vòng cách ly, vòng mới nhất là khoanh vùng những người tiếp xúc với người tiếp xúc với người nghi nhiễm.

Sử dụng khẩu trang phòng bệnh không nên tràn lan, ông Long khuyến cáo. Người dân có thể sử dụng các loại khẩu trang khác nhau, không nhất thiết là khẩu trang y tế nếu ở trong môi trường thông thường. Dùng khẩu trang khi ở nơi đông người như bến tàu, xe... là thích đáng, tuy nhiên ở các nơi khác, có thể tận dụng nhiệt độ và gió trong tự nhiên để chống virus.

"Virus corona sợ nắng gió, sợ môi trường thoáng khí, do đó nên mở cửa sổ thoáng, tận dụng điều kiện tự nhiên để diệt virus", ông Long nói.

Đối với học sinh, nhà trường cần hướng dẫn các em dùng khẩu trang đúng cách, đi kèm với vệ sinh môi trường và chuẩn bị tâm thế cho học sinh khi đi học trở lại. Tùy tình hình, giới chức sẽ có khuyến cáo sau về việc đi học của học sinh, thứ trưởng cho biết.

Hiện không có thuốc điều trị dự phòng và đặc hiệu với virus corona mới. Phác đồ điều trị dựa trên ba nguyên tắc cơ bản là điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng và cân bằng nước và điện giải nhờ ăn uống đầy đủ; theo dõi thật sát độ bão hòa oxy trong máu. Nếu có suy giảm oxy thì can thiệp theo các mức: thở oxy, thở hỗ trợ, thở máy. "Không phải cứ ai nhiễm virus là dùng thở máy", ông nói.

Theo diễn biến dịch tại Trung Quốc, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do nCoV là 1,8%. Các dịch trước đó là SARS hơn 10%, MERS 34,5%.

Việt Nam đang sử dụng phác đồ của mình nhưng vẫn cởi mở với các phương pháp điều trị mới của quốc tế, chẳng hạn cách thức áp dụng hai thuốc (kháng HIV và chống cúm) như Trung Quốc sử dụng.

"Phác đồ của Việt Nam tiệm cận với thế giới", ông Long nhấn mạnh. "Bài học từ chống dịch SARS là không cứ phải phương pháp cao siêu. Kinh nghiệm chống SARS của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chính là mở cửa thông thoáng".

Với 10 ca nhiễm nCoV ở Việt Nam, có 3 ca đã khỏi bệnh, các ca còn lại đều có tiến triển tốt, kể cả ca bệnh người Trung Quốc ở Bệnh viện Chợ Rẫy, 66 tuổi và có nhiều bệnh nền. Hiện có 409 ca nghi ngờ nhiễm nCoV, trong đó 347 đã loại trừ (xét nghiệm âm tính với nCoV), 52 ca cách ly, 349 ca đang theo dõi do tiếp xúc gần với người bệnh.

43.467 cuộc gọi đến đường dây nóng, tỷ lệ kết nối thành công gần 97%. Có những thời điểm như 19h ngày 2/2 có 2.700 cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế. Hầu hết cuộc gọi liên quan đến cách sử dụng khẩu trang, nước rửa tay, dấu hiệu mắc nCoV.

Ngành y tế đã chuẩn bị đầy đủ cho tình huống dịch xấu nhất, bằng các bệnh viện ở địa phương và trung ương, chưa có kế hoạch xây bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện tuyến cuối sẵn sàng 3.000 giường, ở địa phương như Hà Nội chuẩn bị 2.000 giường. "Mọi địa phương đều đã chuẩn bị phương án phù hợp nhất".

Về xét nghiệm tìm nCoV, phương pháp hiện nay toàn bộ quy trình thấp nhất là 5,5 giờ đến 9,8 giờ mới có kết quả. Ông Long cho biết Bộ Y tế đang hối thúc các viện ứng dụng sinh phẩm chẩn đoán nhanh. Tuy nhiên hiện các nước cũng vẫn chưa có sinh phẩm nào cho kết quả nhanh hơn được, trong khi các phòng xét nghiệm đang làm việc hết công suất.

Các cán bộ địa phương có cửa khẩu sẽ được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, sao cho địa phương có thể làm xét nghiệm sàng lọc.

Các bộ test của Việt Nam có từ nhiều nguồn: xin các labo, từ CDC Mỹ, và nhờ năng lực tự sản xuất trong nước. Ông Long cho biết hiện có hai công ty đã đủ năng lực và sinh phẩm để sản xuất kit.

Ông Long cho rằng hiện còn quá sớm để nhận định, đánh giá tình hình dịch sắp tới, nhưng khẳng định Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt. "Ngành y tế Việt Nam có đủ khả năng điều trị bệnh viêm phổi do virus corona. Có bình tĩnh mới chiến thắng được dịch", ông nói.

Theo VnExpress