Luật tài sản

Bảo vệ quyền tài sản của người dân như thế nào?

19:51 | 03/07/2018

490 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để xây dựng luật tài sản, một vấn đề tiên quyết là phải luật hóa được quyền lợi của người dân đối với tài sản, ngay cả khi tài sản đó chưa được hợp thức hóa.

Tại Hội thảo Luật tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam, ông Trần Như Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty TR2 International đặt vấn đề: Luật tài sản nhằm đánh thuế vào những cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng đất và bất động sản nhưng chưa đề cập đến bảo vệ lợi ích của những người sở hữu bất động sản.

bao ve quyen tai san cua nguoi dan nhu the nao
Ông Trần Như Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty TR2 International phát biểu tại Hội thảo về Thuế tài sản.

Là một doanh nghiệp chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư khai thác về bất động sản nên ông Trần Như Trung cho rằng, khi yêu cầu đóng thuế, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ hỏi ngay rằng: Họ sẽ có lợi ích gì? Bởi vậy hãy tiếp cận vấn đề khi coi việc thu thuế của Nhà nước và việc đóng thuế là một cuộc chơi công bằng, người chủ sở hữu tài sản sẽ sẵn sàng đóng thuế vì tài sản của họ được pháp luật bảo vệ. Đặc biệt là tài sản của người dân dù đang trong quá trình cấp quyền sử dụng đất cũng phải được bảo vệ.

Bên lề cuộc hội thảo, phóng viên Petrotimes đã trao đổi cùng ông Trần Như Trung để làm rõ hơn về quyền được bảo vệ tài sản, đặc biệt là về bất động sản và quyền sử dụng đất. Ông Trần Như Trung cho rằng, với một một tài sản như đất đai, kể cả chưa được cấp quyền sử dụng đất nhưng người dân đã đóng phí sử dụng đất thì họ có quyền được sử dụng miễn không phạm pháp.

Nhưng trong thực tế, rất nhiều thành phố khi mở rộng địa giới thì nhiều thửa đất đã từ đất nông nghiệp chuyển sang đất đô thị. Khi người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất, xin phép được xây dựng nhà cửa thì đều bị chính quyền địa phương từ chối cấp phép hoặc kéo dài trong nhiều năm.

Trong khi nhu cầu về nhà ở, đầu tư bất động sản của người dân là có thật, nhưng do chưa được cấp quyền sử dụng đất nên nếu người dân "làm liều" xây nhà thì vi phạm về luật xây dựng. Hậu quả là thửa đất đó tiếp tục bị kéo dài thời hạn cấp quyền sử dụng đất. Nhức nhối nhất là các quy hoạch treo, dự án treo khiến không chỉ hàng trăm thửa đất thuộc vùng ven đô, ngay tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng có hàng chục khu đất vàng, bị bỏ hoang hàng chục năm trời.

Ở đây xin không cần tranh luận rằng về việc phải có quyền sử dụng đất mới được xây dựng nhà cửa hay chỉ có thể xây dựng nhà cửa trước khi có quyền sử dụng đất. Bởi vì nếu nói về vấn đề này sẽ trở thành câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”.

Cần nhấn mạnh rằng tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước thì tình trạng các địa phương chậm cấp quyền sử dụng đất cho người dân khá phổ biến, thậm chí nhiều thành phố lớn đang “nợ” dân sổ đỏ trong hàng chục năm.

Đơn cử như TP Hồ Chí Minh còn hơn 100 nghìn hồ sơ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Trong số đó có nhiều hồ sơ tồn đọng nhiều năm liền nhưng chưa tìm ra được giải pháp để cấp sổ.

Còn tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng phải nhìn nhận rằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vấn đề nảy sinh nhiều trường hợp khiếu kiện nhất trên địa bàn thành phố.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng việc chậm cấp quyền sử dụng đất cho người dân đã gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân. Nhìn từ khía cạnh khác thì đây cũng là vấn nạn vừa khiến nhà nước thất thu về thuế, lãng phí vô cùng lớn tài nguyên quốc gia, vừa là kẻ hở pháp luật để một số cán bộ thoái hóa biến chất "bắt tay" cùng kẻ gian lợi dụng hòng trục lợi, nhũng nhiễu nhân dân.

Bùi Công