Nghệ thuật truyền thống

Bảo tồn giá trị nguyên bản hay chiều công chúng?

10:17 | 01/11/2017

1,656 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vài năm trở lại đây, không ít chuyên gia và nhà quản lý văn hóa đề xuất gìn giữ nghệ thuật truyền thống nguyên gốc hoặc vừa phục dựng lại theo đúng nguyên bản, vừa cách tân, cải biên như một liệu pháp “chữa trị” cho căn bệnh thiếu khán giả của sân khấu truyền thống. Nhưng để làm tốt cả 2 điều này không hề dễ dàng.

Cách tân như thế nào?

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của việc cách tân không thành công là do sân khấu truyền thống bây giờ ít người tài. Không khó lý giải khi nhiều người không còn tự tin với chính loại hình nghệ thuật mình đang theo đuổi. Điều này được chứng minh qua việc các nghệ sĩ chuyển sang làm các nghề khác hoặc chạy sô nhiều hơn là chuyên tâm vào nghề. Nhưng hãy khoan bàn đến yếu tố con người, chúng ta cần phân tích rõ ràng khái niệm cách tân trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

Cách tân không phải là phép cộng đơn thuần giữa yếu tố truyền thống với nét hiện đại. Làm như vậy chỉ khiến nghệ thuật truyền thống thành thứ nghệ thuật hỗn tạp, thiếu bản sắc. Nói cách khác, bảo tồn là giữ nguyên vẹn giá trị, nguyên gốc của nó mà không thay đổi một phần nào. Còn phát triển để bảo tồn là phát huy những cái phụ, bồi đắp thêm một số yếu tố mới trên nền tảng bản chất cốt lõi đó, không làm méo mó các giá trị truyền thống.

bao ton gia tri nguyen ban hay chieu cong chung
Bảo tồn giá trị nguyên bản hay chiều công chúng?

Có thể nói xu hướng cách tân nghệ thuật truyền thống đang lan rộng, đặc biệt là ở Huế - mảnh đất lưu giữ nhiều môn nghệ thuật lâu đời. Nhưng dễ dàng nhận thấy thời gian qua, để nghệ thuật truyền thống gần hơn với khán giả thì các tiết mục biểu diễn ở đây đã có nhiều thay đổi về hình thức cũng như tiết tấu.

Điển hình như ca Huế, tiết tấu, hòa âm được thay đổi, các nghệ sĩ không hát một bài riêng lẻ mà kết hợp ba đoạn của ba bài khác nhau để tạo nên sự đa dạng, thú vị với người xem. Từ chậm sang nhanh rồi trở lại chậm, nhiều cao trào mới phù hợp với thị hiếu số đông, không gây nhàm chán như trước. Với múa “Lục cúng hoa đăng”, trước đây, chỉ có 16, 32 hoặc 64 nghệ sĩ biểu diễn chính giữa sân khấu, nay tăng thêm số lượng nghệ sĩ múa phụ họa xung quanh, điều này làm tôn thêm cho phần cốt chính ở giữa, tăng tính hấp dẫn của bài múa. Hay bài “Hò giã gạo”, trên bản chất giai điệu của bài hò nay được kết hợp, tăng cường phần bè, phần đệm với những loại nhạc cụ hiện đại, có độ rung, phần bass, ngoài ra có phần múa phụ họa diễn tả đời sống sinh hoạt của người dân, các nghệ sĩ làm chủ được sân khấu, có những tiết mục hấp dẫn hơn…

Tuy nhiên, có một vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu và quản lý nghệ thuật đều thống nhất, dù việc phát triển, cách tân là con đường hiệu quả để bảo tồn và đến với công chúng, nhưng không phải loại hình nào cũng nên cách tân. Chẳng hạn như Nhã nhạc Cung đình Huế, chỉ phù hợp với những không gian trang nghiêm, hay biểu diễn trong những ngày đại lễ. Bởi vậy, môn nghệ thuật này cần được bảo tồn nguyên gốc.

Tôn trọng giá trị nguyên bản

Trong một lần tới Việt Nam để dựng vở kịch kinh điển “Vòng phấn Kavkaz”, đạo diễn người Đức Dominik Guenther cho biết, cách tân của ông trong vở kịch cũng gặp phải không ít sự phản ứng của người xem. Tuy nhiên, việc làm mới những vở kịch kinh điển tại Đức cũng đã có bề dày phát triển. Và tại đất nước này có hai hệ thống nhà hát kịch, một dành cho những khán giả muốn xem kịch nguyên gốc và một dành cho đối tượng sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Có lẽ đây cũng là một gợi ý hay cho chúng ta.

Tại Việt Nam, từ khi nhu cầu cách tân nghệ thuật truyền thống bắt đầu nhen nhóm, đã có không ít ý kiến của các nhà quản lý, những chuyên gia văn hóa đề xuất gìn giữ nghệ thuật truyền thống nguyên gốc. Nghĩa là, phục dựng lại những môn nghệ thuật truyền thống và tiếp tục lưu truyền theo đúng nguyên bản. Dẫu vậy, người trong cuộc vẫn không tránh khỏi những trăn trở, lo lắng. Không lo lắng sao được khi mà vấn đề toàn cầu hóa đang đặt ra những thách thức lớn đối với yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, một bộ phận không nhỏ, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên đã có những biểu hiện coi nhẹ hoặc không quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chạy theo những môn nghệ thuật mới mẻ, lạ lẫm với con người và văn hóa Việt Nam. Điều nguy hiểm là trào lưu "sính ngoại" đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của nghệ thuật truyền thống.

Muốn bảo tồn được nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, múa rối... thì trước tiên những môn nghệ thuật này phải “sống được”. Vì thế, yếu tố tự thân luôn khiến người làm nghề phải thay đổi, tìm hướng ra, tìm đất diễn, khán giả. Và chính quá trình làm thế nào để “sống được” ấy đã góp phần vào việc bảo tồn và cách tân các giá trị truyền thống của các loại hình nghệ thuật dân tộc.

Nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng, khó mà “đóng khung” những gì được định danh là truyền thống hay kinh điển, phủ nhận sức sáng tạo của các thế hệ sau. Khái niệm cách tân nghệ thuật truyền thống không còn xa lạ, nhưng cách tân thế nào mà vẫn giữ được bản sắc lại là việc rất khó!

Bảo tồn là giữ nguyên vẹn giá trị, nguyên gốc của nó mà không thay đổi một phần nào. Còn phát triển để bảo tồn là phát huy những cái phụ, bồi đắp thêm một số yếu tố mới trên nền tảng bản chất cốt lõi đó, không làm méo mó các giá trị truyền thống.

Tùng Lâm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.