Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai và những nỗ lực gìn giữ nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư

09:52 | 05/05/2023

412 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với truyền thống và bản sắc độc đáo riêng. Đây là loại hình nghệ thuật ẩn chứa nhiều nét đẹp văn hóa phản ánh chân thực đời sống giản dị của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và người dân Kinh Bắc nói riêng.
Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai và những nỗ lực gìn giữ nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Biểu diễn rối nước tại Trung tâm bảo tồn văn hoá dân gia Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh

Phường rối nước Luy Lâu, Đồng Ngư đã đi biểu diễn khắp nơi, mang theo bản sắc quê hương đến mọi miền, quảng bá và lan tỏa dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đó là sự khẳng định về sức sống lâu bền của loại hình nghệ thuật độc đáo và đây cũng là niềm tự hào của các thế hệ nghệ sĩ rối nước Đồng Ngư.

Để có thể hiểu hơn về nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư và quá trình nỗ lực gìn giữ và phát huy nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc này, phóng viên đã có cơ hội trò chuyện với Giám đốc Khu bảo tồn văn hoá dân gian Luy Lâu, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai.

Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai và những nỗ lực gìn giữ nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Giám đốc Khu bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu, Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai (Ảnh: NVCC)

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giám đốc, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai đã tham gia phỏng vấn. Được biết đến nay nghệ thuật rối nước của làng Đồng Ngư vẫn là một trong 14 phường rối dân gian trong cả nước còn hoạt động. Thưa Giám đốc, không biết rối nước Đồng Ngư có những nét đặc trưng và độc nhất nào so với các phường rối khác?

Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai: Rối nước của Đồng Ngư nói riêng cũng như của Bắc Ninh nói chung có nét đặc thù rất độc đáo. Ví dụ các phường rối khác trong cả nước phụ hoạ bằng chèo. Ở Bắc Ninh ngoài phụ họa bằng chèo còn phụ hoạ bằng Quan họ. Tất cả lời thoại, lời hát quan họ, các tích trò gắn liền với tranh dân gian Đông Hồ.

Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai và những nỗ lực gìn giữ nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư
Sự kết hợp giữa các làn điệu Quan họ trong biểu diễn rối nước

PV: Thưa nghệ nhân Nguyễn Thành Lai, nghề múa rối nước đã có từ rất lâu đời, để phát triển như ngày hôm nay không biết phường rối đã trải qua những khó khăn như thế nào trong quá trình khôi phục và bảo tồn nét đẹp văn hóa này?

Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai: Khó khăn trước khi chưa được các nhà tổ chức, các ban, các đơn vị quản lý văn hoá quan tâm đến như không có địa điểm biểu diễn, không có ao biểu diễn, hay sân khấu thủy đình linh động để đi biểu diễn đến những nơi không có sân khấu sẵn. Khó khăn đó dần dần từng bước được khắc phục bằng cách tự đào ao, tự xây dựng thuỷ đình, thiết kế thuỷ đình lưu động. Nhiều tích trò cổ bị mai một rồi, phải đi điều tra, hỏi han các cụ cao tuổi có những tích trò như thế nào. Tìm hiểu mỗi người đóng góp một ít, trao đổi dần dần khôi phục lại các tích trò cổ cũng như để biểu diễn.

PV: Theo ông, thành tựu lớn nhất mà phường rối nước Luy Lâu đạt được trong việc giữ gìn và phát triển loại hình nghệ thuật này là gì? Và trong tương lai, còn có những kế hoạch hay mục tiêu phát triển lớn hơn không?

Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai: Thành tựu đạt được của Rối nước Đồng Ngư đến ngày hôm nay, trước thời điểm đại dịch diễn ra, Luy Lâu là một trong những phường rối biểu diễn nhiều nhất cả nước, vì mỗi một năm có thể biểu diễn bảy, tám đến mười nghìn ca diễn. So với Nhà hát múa rối Thăng Long biểu diễn nhiều như mình, gần như không có đơn vị nào. Đặc biệt, trước đây một đoàn rối đi biểu diễn đã khó, đi đến ngày hôm nay phường rối Luy Lâu có ba đoàn rối có biểu diễn được và có thể có 3 bộ con rối để đi biểu diễn 3 chương trình trùng nhau cùng một lúc. Được sự quan tâm của tỉnh, huyện; được Bộ công nhận, được bằng khen của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về vấn đề bảo tồn văn hoá dân gian, bằng khen của tỉnh về tích cực hoạt động văn hoá. Đó là những điều mà trước đây mình mơ cũng không nghĩ tới.

Về hướng phát triển của đơn vị, phường rối Luy Lâu cùng anh em nghệ sĩ đã và đang xây dựng Khu bảo tồn văn hoá dân gian Luy Lâu. Khu bảo tồn sẽ mở cửa vào các ngày cuối tuần để anh em nghệ sĩ biểu diễn múa rối nước và hát quan họ, ngoài ra còn tổ chức các hoạt động khác nữa và mở cửa đón khách tới tham quan.

PV: Không biết nghệ nhân Nguyễn Thành Lai và các nghệ nhân khác đã truyền đam mê của mình với nghệ thuật rối nước cho các thế hệ sau như thế nào để tiếp tục phát triển và đưa rối nước Đồng Ngư tới đông đảo công chúng?

Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai: Đó không những là suy nghĩ về vấn đề kế cận của các nghệ nhân, nghệ sĩ rối nước Luy Lâu mà còn của các nhà quản lý. Hai năm vừa qua thì được Sở văn hóa tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ mỗi 1 năm mở 1 lớp đào tạo cho các cháu học sinh trong địa phương và cả các nơi khác. Đưa giáo viên, giảng viên đến hướng dẫn dạy dỗ. Người giỏi về lý thuyết thì dạy về lý thuyết, người giỏi chuyên môn thì dạy thực hành. Tôi đã mở được hai lớp do sở văn hoá hỗ trợ tài chính và tất nhiên cũng đã thành công trong việc đấy.

PV: Xin cảm ơn Giám đốc, nghệ nhân Nguyễn Thành Lai đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn và đã có những chia sẻ bổ ích về nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư.

Múa rối nước - Loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam

Múa rối nước - Loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam

Múa rối nước (hay còn gọi là trò rối nước) là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, ra đời chừng hơn 10 thế kỷ trước từ nền văn hóa lúa nước ở vùng châu thổ sông Hồng.

Nguyễn Ngân