Gìn giữ, lan tỏa tinh hoa nhạc Việt

07:00 | 27/10/2018

527 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bấy lâu ý tưởng đem âm nhạc truyền thống đến gần với giới trẻ không còn là mới, nhưng dù đã có nhiều hoạt động, ý tưởng vẫn chỉ dừng ở… ý tưởng. Mới đây, một nhóm nghệ sĩ đã “quyết làm cho tới” khi thực hiện chuỗi chương trình “Tinh hoa nhạc Việt” phục vụ người trẻ.  Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với “người trong cuộc” và các nghệ sĩ để hiểu hơn về những hoạt động nhằm gìn giữ “tinh hoa” của nhạc Việt - “hồn cốt” dân tộc.  

Nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long, người khởi xướng chuỗi chương trình “Tinh hoa Nhạc Việt”: Hãy để nghệ thuật truyền thống được lan tỏa

PV: “Tinh hoa Nhạc Việt” đã có buổi ra mắt đầu tiên, tín hiệu thế nào thưa anh?

gin giu lan toa tinh hoa nhac viet

Nguyễn Quang Long: Tín hiệu khá khả quan, đã có khoảng hơn 200 khán giả tới rạp, dù chưa đầy rạp nhưng như thế cũng là rất tốt rồi. Khản giả phản hồi khá tốt về chất lượng chương trình.

PV: Ý tưởng này không mới, bởi đến với giới trẻ là mục tiêu của âm nhạc truyền thống từ lâu rồi, song đến bây giờ vẫn đầy khó khăn. Khó vậy, sao anh và ê-kíp vẫn lao vào?

Nguyễn Quang Long: Có làm thì mới biết được khó thế nào, chẳng lẽ cứ khó là mình không dám nhảy vào sao? Tôi làm việc này xuất phát từ thực tiễn nhiều năm đi làm nghề, tôi thấy phần lớn mọi người vẫn tiếp nhận các chương trình nghệ thuật truyền thống, nên tôi nghĩ âm nhạc truyền thống không phải đã lụi tàn trong nhu cầu thưởng thức của khán giả. Chẳng qua là chúng ta chưa tạo cơ hội để đưa nó đến gần với khán giả.

Hiện tại, khán giả thưởng thức nghệ thuật truyền thống chủ yếu qua kênh truyền hình, một cách tiếp cận thụ động, giới thiệu tác phẩm nào thì khán giả xem tác phẩm đó, thiếu đi sự tương tác, thiếu tính hấp dẫn. Vì thế, âm nhạc truyền thống dù đã trường tồn hàng trăm năm nay nhưng vẫn xa lạ, xa lạ hơn cả những dòng nhạc khác của thế giới du nhập vào Việt Nam.

Chuỗi chương trình “Tinh hoa nhạc Việt” được tổ chức tại Cung Thanh niên, là bức tranh đa màu sắc về âm nhạc dân tộc cổ truyền như: Hát xẩm, hát văn, ca trù và chèo, với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi: NSND Thanh Hoài, Mai Tuyết Hoa, Văn Phương, Phạm Đình Dũng, Xuân Hải... Số đầu tiên ngày 11/10 có nhiều hiệu ứng tích cực.

Từ đây, tôi tự hỏi tại sao mình không đưa âm nhạc truyền thống đến gần với khán giả hơn, để họ có thể chạm vào, tương tác, rồi sẽ yêu quý nó hơn? Chúng tôi thực hiện dự án này không tham vọng tất cả các khán giả sẽ đều yêu thích, bởi mỗi khán giả có một sở thích riêng. Có những người yêu nhạc trẻ, nhạc trữ tình, nhạc cách mạng… thì cũng có người thích nhạc truyền thống. Đó chính là đối tượng mục tiêu chúng tôi nhắm tới. Khi được tiếp xúc trực diện với âm nhạc truyền thống sẽ có người nhận ra rằng: “À! tôi yêu thích loại hình âm nhạc này”.

PV: Theo anh, những khó khăn đã được nhận diện và giải quyết như thế nào?

Nguyễn Quang Long: Đây chỉ là hoạt động của một nhóm nghệ sĩ. Hiện các hoạt động của Xẩm Hà Thành hay Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc… đều phải tự tìm kinh phí. Rất may mắn, dự án này tôi nhận được lời mời hợp tác từ Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Hà Nội, Phó giám đốc Cung Thanh niên Hà Nội - anh Trần Phúc Lộc. Anh Lộc cũng là một người yêu nghệ thuật và tâm huyết nên muốn đưa hoạt động này vào cung. Vậy nên, các hoạt động của “Tinh hoa nhạc Việt” đã được Cung Thanh niên hỗ trợ phần lớn rồi.

Còn trong quá trình thực hiện chương trình, bản thân tôi cũng như nhóm nghệ sĩ đã trải qua muôn vàn khó khăn, từ việc định hình nghệ thuật đến trang bị cho mình nền tảng kiến thức để có thể tự tin phụng sự nghệ thuật, làm nghệ thuật bài bản.

gin giu lan toa tinh hoa nhac viet
Minh Hiền trong “Tinh hoa nhạc Việt” số 1 (ảnh: Phạm Công Nghĩa)

Đến bây giờ, khát vọng đem âm nhạc truyền thống đến với người trẻ buộc chúng tôi phải nỗ lực đổi mới. Khó khăn nữa là làm sao để khán giả đến với mình thật nhiều. Việc biểu diễn ở Cung Thanh niên đã là thuận lợi nhưng có thể mở rộng hơn. Đơn cử như Xẩm Hà Thành từ khi thành lập năm 2009 đến nay đã đi quảng bá ở nước ngoài nhiều, thậm chí nhiều hơn trong nước. Nhóm đã đi giới thiệu nghệ thuật truyền thống Việt tới 10 trường đại học ở nước Mỹ, chưa kể Pháp, Đức… Xẩm Hà Thành đã biểu diễn trong không gian rộng có, nhỏ có, bàn luận về nhiều chủ đề xung quanh âm nhạc truyền thống. Đó là những điều mà chúng tôi đã vượt qua trong quá khứ.

PV: Những chuyến lưu diễn đó được khán giả hưởng ứng thế nào, thưa anh?

Nguyễn Quang Long: Khá tích cực. Đi lưu diễn nước ngoài, chúng tôi không chỉ phục vụ kiều bào mà còn cả những người nước ngoài. Người nước ngoài rất yêu thích khám phá các loại hình âm nhạc truyền thống. Tôi nhớ chuyến đi Pháp, lúc ấy chúng tôi biểu diễn ở ngoại ô Paris, khán giả đã giữ yên lặng tuyệt đối để lắng nghe. Cuối buổi biểu diễn, nhiều khán giả đã dành cho đoàn tình cảm trân trọng.

PV: Vậy ở trong nước, anh có nghĩ rằng âm nhạc truyền thống bị “lép vế” so với các loại hình âm nhạc khác vì không gian thưởng thức kiểu “làng xã” đã không còn?

Nguyễn Quang Long: Đó chỉ là một trong những lý do thôi. Lý do quan trọng nhất vẫn là chính sách, quan điểm phát triển văn hóa hiện nay của chúng ta. Trong nhiều thập niên, âm nhạc truyền thống gần như bị bỏ quên, tạo ra một lỗ hổng, để cho các dòng nhạc khác xâm nhập và gần như làm lu mờ các giá trị truyền thống.

gin giu lan toa tinh hoa nhac viet
Phạm Đình Ảnh và Bảo Trinh trong trích đoạn chèo “Xã trưởng - Mẹ Đốp” trong “Tinh hoa nhạc Việt” số 1

Nhưng trong điều kiện hiện nay, cần nhìn nhận lại để có những chính sách về giáo dục phù hợp, để mọi người tiếp nhận giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững, không phải dưới dạng bảo tồn, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập. Hãy nhìn rộng ra, khi âm nhạc phương Tây thống trị toàn thế giới, chúng ta vẫn thấy một nước Nhật Bản bảo tồn văn hóa, âm nhạc dân tộc rất tốt. Hay Hàn Quốc thậm chí còn Hàn hóa cả âm nhạc phương Tây… Vậy, chúng ta phải làm gì cho nghệ thuật truyền thống Việt?

PV: Điều gì ở âm nhạc truyền thống củng cố niềm tin để các anh nỗ lực thực hiện đến vậy?

Nguyễn Quang Long: Đó là giá trị nghệ thuật, tính thẩm mỹ trong âm nhạc truyền thống. Vì nó đã được tích tụ hàng trăm năm, sinh ra để phục vụ cho tâm hồn người Việt, nên không có cớ gì mà không đáp ứng được nhu cầu người Việt qua các thế hệ. Đó là điều khiến tôi tin tưởng. Thứ hai, âm nhạc dân gian trải qua một quá trình dài, mỗi người bồi đắp thêm một chút để có những tác phẩm sống mãi, muốn như vậy thì phải có lớp nghệ sĩ đủ tài năng để chuyển tải đến khán giả, như vậy giá trị âm nhạc truyền thống mới gieo được vào tâm hồn người nghe.

Khi âm nhạc phương Tây thống trị toàn thế giới, chúngt ta vẫn thấy một nước Nhật Bản bảo tồn văn hóa, âm nhạc dân tộc rất tốt. Hay Hàn Quốc thậm chí còn Hàn hóa cả âm nhạc phương Tây… Vậy, chúng ta phải làm gì cho nghệ thuật truyền thống Việt?

Với các tác phẩm âm nhạc truyền thống, nếu ai tiếp xúc và hiểu rồi sẽ thấy nó tinh tế tới từng chi tiết, từng thanh âm. Đồng thời phải lồng hơi thở đương đại vào âm nhạc cổ truyền để người nghe dễ dàng tiếp nhận hơn, ví dụ như những tác phẩm tôi đã sáng tác: “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Tứ vị Hà thành”, “Xẩm Trà đá”… Nhưng tất cả vẫn tuân thủ nguyên tắc là chạy trên “đường ray” truyền thống chứ không được lệch ra, tác phẩm âm nhạc mới phải được khai thác trên chất liệu dân gian.

PV: Nhưng vẫn có một bộ phận người trẻ đang xa rời, thậm chí không muốn tiếp cận âm nhạc truyền thống đấy thôi.

Nguyễn Quang Long: Vẫn phải quay về câu chuyện giáo dục. Chúng ta bỏ quên giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông suốt bao năm qua thì bảo làm sao giới trẻ không quay lưng với âm nhạc truyền thống Việt? Trách nhiệm này thuộc về người lớn. Chỉ khi được dạy cẩn thận, chúng ta mới có một thế hệ hiểu âm nhạc truyền thống ở mức độ thưởng thức chứ không phải bằng tâm thế bảo tồn.

Còn về đào tạo, ngày xưa không đào tạo âm nhạc ào ạt như bây giờ. Đơn cử, muốn học hát quan họ, phải sinh hoạt trong nhà chứa quan họ từ bé, ngồi nghe, trà nước, điếu đóm cho các anh chị, bà trùm rồi tập hát từ từ, tới khi nào các cụ thấy có thể ra hát được thì mới được phép hát…

PV: Vậy anh mong muốn gì từ sự chung tay của cộng đồng để “Tinh hoa nhạc Việt” được lan tỏa?

gin giu lan toa tinh hoa nhac viet
NSND Thanh Hoài trong “Tinh hoa nhạc Việt” số 1

Nguyễn Quang Long: Điều bạn nói không chỉ là mong muốn lớn nhất cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi, mà cả những ai đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc nghệ thuật truyền thống trên đất nước này. Những năm qua, Nhà nước đã có những chính sách đặc biệt cho phát triển âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên, kết quả chưa tương xứng với những gì bỏ ra, cách thực hiện cũng còn nhiều bất cập.

Trong khi đó, chưa có những chính sách quan tâm tới nghệ nhân đúng mức để người nghệ sĩ yên tâm làm nghề. Nên điều đầu tiên tôi mong muốn để “Tinh hoa nhạc Việt” được lan tỏa là sự ủng hộ từ khán giả. Sau nữa là sự đồng hành của các đơn vị tổ chức, hỗ trợ một phần kinh phí để duy trì hoạt động này. Đó là sự chung tay của những người cùng chung niềm đam mê, yêu nghệ thuật. Còn đối tượng chính là giới trẻ, tôi mong muốn các bạn hãy chủ động tiếp cận âm nhạc truyền thống. Bởi, âm nhạc truyền thống thực sự cần trân trọng, vì đó là cội nguồn, là hồn cốt dân tộc, có yêu gì thì cũng phải trân trọng những gì cha ông đã truyền lại cho chúng ta.

PV: Vâng, xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

gin giu lan toa tinh hoa nhac viet

NSND Thanh Ngoan: Nỗ lực lắm nhưng kết quả chưa hài lòng

Thời gian qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện các chương trình: “Tôi xê dịch”; “Chèo 48 giờ”… Tại Nhà hát Chèo cũng có lịch diễn thường kỳ. Nhưng lưu giữ nghệ thuật truyền thống nói chung và chèo nói riêng thì một mình Nhà hát Chèo làm không thể xuể. Tất cả các nhà hát truyền thống đều có tham vọng vun đắp, gìn giữ lửa nghệ thuật truyền thống nhưng nỗ lực rất nhiều, thành quả cũng có, nhưng chưa hài lòng, dù chất lượng không thấp.

Chúng tôi đã có những vở diễn khiến khán giả đến kín rạp, cũng có những tác phẩm dựng theo hướng hiện đại để đổi mới. Như vừa qua, nhà hát dựng vở “Rồng Phượng”, dàn dựng công phu, hoành tráng, khán giả xem rất thích. Điều mà chúng tôi đưa vào những vở mới là ứng dụng công nghệ nhưng lại kể một câu chuyện rất… chèo, khai thác từng khía cạnh để nghệ thuật chèo bắt nhịp với hơi thở đời sống đương đại. Thế nhưng, lượng khán giả đến nhà hát vẫn chưa được như kỳ vọng, một phần do thói quen ra rạp chưa có, hoặc ngày nay khán giả sẵn sàng bỏ tiền để mua vé chỉ để xem ngôi sao này, ngôi sao kia…

Sự tài trợ cũng vậy thôi, với các loại hình nghệ thuật khác, việc có nhà tài trợ đứng ra lo toan có thể dễ dàng, nhưng với nghệ thuật truyền thống thì không. Kinh phí chủ yếu trông vào Nhà nước và sự nỗ lực vào chính những người đang hoạt động nghệ thuật. Đó là những thiệt thòi của chúng tôi.

Bản thân Thanh Ngoan chỉ mong muốn công sức của nghệ sĩ bỏ ra được đền đáp xứng đáng, bằng cách kéo được khán giả đến rạp. Khán giả hãy thử cho mình và cũng là cho nghệ thuật truyền thống một cơ hội. Ai chưa đến rạp thì hãy thử đến, để cảm nhận hơi thở của nghệ thuật truyền thống và góp tấm lòng mình để nuôi dưỡng văn hóa Việt.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Tôi tin vào giá trị của âm nhạc truyền thống

gin giu lan toa tinh hoa nhac viet

Trước đây chúng tôi đã luôn nỗ lực tìm cách đưa âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ, nhưng với “Tinh hoa nhạc Việt”, chúng tôi muốn làm bài bản hơn. Biết là nhiều lắm những khó khăn nhưng anh, chị em nghệ sĩ vẫn cố gắng làm, có làm thì mới biết thực tế mình đi đến đâu, bằng một niềm tin vững chắc vào giá trị đích thực của nghệ thuật truyền thống Việt. Có thể, bây giờ người trẻ đang bị choáng ngợp bởi thứ hào nhoáng nào đó, nhưng rồi sẽ đến lúc họ lắng lại, âm nhạc truyền thống Việt sẽ giúp họ cảm nhận mà đam mê.

Tôi nghĩ giới trẻ sẽ luôn hướng tới sự sôi động, nhưng vẫn có một bộ phận chưa được tiếp cận với âm nhạc truyền thống vì nhiều lý do, có thể chưa được định hướng “gu” âm nhạc. Nên việc của “Tinh hoa nhạc Việt” là nhằm giới thiệu nghệ thuật truyền thống để họ cảm thụ được.

Bản thân những hội nhóm như Xẩm Hà Thành từ khi thành lập đến nay đều cố gắng duy trì các hoạt động đem âm nhạc truyền thống đến gần giới trẻ như biểu diễn hoặc tổ chức các khóa học online về nghệ thuật truyền thống để các bạn trẻ trên cả nước dễ dàng tiếp cận. Hình thức online vẫn đang chạy thử nghiệm nhưng tôi tin nó có đóng góp đến việc truyền dạy âm nhạc cho thế hệ trẻ. Ngày trước, tôi cũng ủng hộ các chương trình như: “Chèo 48 giờ”, “Tôi xê dịch”… Ở đó, có cái hay là nghệ nhân dạy cho các bạn sinh viên học và biểu diễn. Nhưng “Tinh hoa nhạc Việt” không giống như thế, nó mang tính chất giới thiệu chuyên sâu về các loại hình nghệ thuật, để mọi người hiểu hơn về diễn xướng, về không gian văn hóa của từng loại hình nghệ thuật.

Bản thân là người nghệ sĩ đã nhiều năm đeo đuổi đam mê nghệ thuật truyền thống, có những lúc tôi cũng chạnh lòng bởi để được đứng trên sân khấu, nghệ sĩ truyền thống phải qua đào tạo trường lớp, học tập rất vất vả… Thế nhưng, nhiều ca sĩ thị trường hiện nay không cần như vậy, họ chỉ cần có một chút năng khiếu, hát tốt một chút là đi kiếm tiền ầm ầm, giới trẻ lại thích. Nên điều tôi mong muốn ở những người trẻ là hãy giữ tinh túy của âm nhạc truyền thống. Các bạn trẻ, mỗi người hãy có trách nhiệm lưu giữ âm nhạc dân tộc, giữ gìn truyền thống của người Việt.

Huyền Anh

gin giu lan toa tinh hoa nhac viet Boléro ‘hồi sinh’ là bước thụt lùi của nhạc Việt?
gin giu lan toa tinh hoa nhac viet Ba cây đại thụ nhạc Việt hát về Thời thanh niên sôi nổi
gin giu lan toa tinh hoa nhac viet Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Âm nhạc Việt Nam có những chuyển động tích cực
gin giu lan toa tinh hoa nhac viet Ngô Hồng Quang: Kết nối hiện đại cho âm hưởng dân tộc
gin giu lan toa tinh hoa nhac viet Đem nhạc truyền thống vào giao hưởng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.