Anh - người tử tế!

07:10 | 04/11/2014

1,712 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Không phải là ngôi sao màn bạc hay người nổi tiếng trong giới nghệ thuật, không phải là quan chức... Ấy vậy mà, ngày anh được về nghỉ theo chế độ đã có rất nhiều nhà báo và cả người dân đến với anh.

Năng lượng Mới số 371

Trên hàng loạt các tờ báo điện tử, rất nhiều lời lẽ tốt đẹp được dành cho anh. Trên mạng xã hội, rất nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ, cảm phục và đồng cảm với công việc của anh... Tình cảm này không phải ai cũng có được.

Vâng! Mọi người yêu quý anh vì một lẽ đơn giản: Anh là người tử tế!

Thượng tá Lê Đức Đoàn, sinh năm 1959 tại Ý Yên, Nam Định. Trước khi tham gia vào lực lượng Công an nhân dân anh đã có một thời gian được đào tạo tại Trường Cảnh sát Liên Xô (cũ). Từ khi trở về đến nay, anh đã có 40 năm gắn bó với lực lượng cảnh sát giao thông, trong đó có tới 20 năm giữ nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên cầu Chương Dương.

Cả đời làm việc trong lực lượng công an, Thượng tá Lê Đức Đoàn đã được phong tặng rất nhiều danh hiệu cao quý, trong đó vinh dự nhất đó là danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú (năm 2012), được Thủ tướng trao tặng Bằng khen (năm 2013) và Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Chiến công (năm 2014).

Thượng tá Lê Đức Đoàn trong ca trực cuối cùng

Biết tin ngày 31/10 là ngày làm việc cuối cùng của Thượng tá Lê Đức Đoàn, rất nhiều người đã đến chào tạm biệt, trong đó có rất đông anh em phóng viên. Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội đã có mặt từ sáng sớm tại nút Nam cầu Chương Dương, tặng hoa, chúc mừng đồng đội.

Không chỉ có vậy, nhiều người dân thường xuyên di chuyển qua cầu Chương Dương khi biết tin anh nghỉ hưu đều bày tỏ sự luyến tiếc, họ luyến tiếc vì rồi đây sẽ thiếu vắng một cảnh sát giao thông tận tụy, hết lòng vì công việc, hết mình vì cộng đồng.

Chia sẻ với phóng viên, Thiếu úy Phạm Gia Hợp, một cán bộ cảnh sát trẻ thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 1 nói: “Chú Đoàn dù tuổi đã cao nhưng vẫn vô cùng tâm huyết với nghề, trong mỗi tình huống xảy ra trên cầu, chú luôn là người tiên phong giải quyết dù là việc nhỏ như đưa người già, trẻ em qua đường hay việc lớn như xe ôtô chết máy, gây ùn tắc trên cầu, va chạm giao thông hay thậm chí chú còn cứu giúp rất nhiều người có ý định tự tử trên cầu. Đó là trong công việc, còn với các đồng nghiệp chú luôn là người hòa đồng, tận tụy chỉ bảo cho những chiến sĩ trẻ”.

Trong suốt 20 năm công tác tại nút giao thông Nam Chương Dương, ngoài công việc chính là điều tiết giao thông, Thượng tá Đoàn đã thuyết phục và cứu được gần 40 người có ý định nhảy cầu tự vẫn, cứu giúp vô số những người bị tai nạn giao thông, trong đó có cả những nhà báo...

Hạnh phúc của anh chính là khi những người được anh cứu giúp mỗi khi đi qua chốt lại niềm nở chào vị ân nhân.

Thượng tá Đoàn ngậm ngùi: “Khi biết tin hôm nay là ngày làm việc cuối cùng, có rất nhiều người đến hỏi thăm, từ sáng đến đầu giờ chiều đã có hơn 100 tin nhắn và cuộc điện thoại. Đó thực sự là một niềm tự hào nghề nghiệp mà không phải người nào cũng có được”.

Trong ngày cuối trước khi được nghỉ hưu theo chế độ, Thượng tá Lê Đức Đoàn vẫn hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm với công việc tới khi hết ca trực. Những động tác phân luồng, điều khiển giao thông vô cùng dứt khoát, linh hoạt, người cảnh sát giao thông này đã cùng đồng đội giúp cho nút giao thông huyết mạch này luôn đảm bảo thông thoáng, không xảy ra sự cố.

Anh xúc động nói với đôi mắt ươn ướt: “Đến giờ phút này tôi không còn tiếc nuối bất cứ điều gì, tuy có một chút buồn và hụt hẫng vì 20 năm là quãng thời gian gắn bó không hề ngắn với công việc này. Nhưng những gì tôi cống hiến trong suốt những tháng ngày công tác khiến tôi cảm thấy vô cùng hài lòng và mãn nguyện. Giờ tuổi cao sức yếu, tôi muốn dành vị trí này cho những cán bộ cảnh sát trẻ...”.

Anh cũng hy vọng những cán bộ, chiến sĩ trẻ sẽ cống hiến hết mình để xứng đáng với hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân. Còn anh, cả cuộc đời cống hiến cho xã hội, giờ là lúc anh dành thời gian chăm sóc cho gia đình, vui vầy bên vợ con và đứa cháu nội 2 tuổi của mình. Nói đến đây ánh mắt người cán bộ già ánh lên vẻ mãn nguyện và hạnh phúc.

Cuối ca trực, người thượng tá già tận tụy đứng nhìn một lần nữa chốt giao thông quen thuộc của mình. Dòng người vẫn tấp nập ngược xuôi. Mắt anh ươn ướt.

***

Mọi người yêu quý anh không phải vì những danh hiệu, những phần thưởng anh được trao tặng, mà chính vì sự bình dị, mộc mạc trong con người anh. Mọi việc anh làm đều xuất phát từ trách nhiệm của người chiến sĩ công an nhân dân và cao hơn nữa là từ cái tâm của mình. Và ở đời, những việc làm xuất phát từ cái tâm bao giờ cũng được trân trọng.

Thực ra, những người như anh Đoàn ở xã hội chúng ta không phải là hiếm. Có rất nhiều người tốt, việc tốt, họ đang ngày đêm giúp đỡ cộng đồng hoặc trong lao động sản xuất. Đa phần những người này chẳng cần báo chí tuyên truyền. Họ lặng lẽ làm như thể đó là bổn phận của mình. Chỉ có điều, thật tiếc, những người tử tế trong xã hội chúng ta hiện nay ít được những người làm báo chú trọng phát hiện và tôn vinh.

Đại tá Đào Vịnh Thắng (thứ 2 bên trái sang) tặng hoa Thượng tá Lê Đức Đoàn

Bấy lâu nay, các cơ quan quản lý báo chí luôn luôn nhắc nhở rằng, báo chí phải tăng cường tuyên truyền các yếu tố tích cực, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Nhưng thật tiếc, không phải cơ quan báo chí nào cũng thực hiện được một cách sinh động chỉ đạo này.

Xã hội chúng ta đang có một phần u ám bởi chính những loại báo 3S (sốc - sex - sến) và báo 4T (tình - tiền - tù - tội). Chính vì vậy, những người như anh Đoàn hoặc rất nhiều người khác nữa chưa được tôn vinh đúng mức và lấy đó làm tấm gương cho mọi người noi theo.

Trách nhiệm đó đúng là thuộc về báo chí!

Có một câu chuyện, tôi thấy vẫn cần phải nhắc lại. Ấy là hơn chục năm trước, chúng tôi sang Pháp học một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ở Trường L’ile de France. Một buổi sáng, giáo viên bày ra trên mặt bàn mấy chục tờ báo, trong đó có đến 4-5 tờ báo của Việt Nam và yêu cầu học viên nhận xét trang bìa. Chúng tôi nhìn nhau, rồi nhận xét theo kiểu cách trình bày của tờ báo này hiện đại, tờ báo kia cổ điển, rồi bài này chữ tít to quá, bài kia ảnh không đẹp. Cuối cùng, ông thầy giáo đọc những tít bài trên báo ta và báo Tây (dĩ nhiên là có phiên dịch), rồi nhận xét rằng: báo chí Việt Nam đã vẽ ra hình ảnh một đất nước quá u ám ngay trên trang nhất. Có những tờ báo mà đến 4-5 tít bài về giết, cướp, tham nhũng. Nghe ông nói vậy, tất cả học viên chúng tôi thấy xấu hổ muốn độn thổ.

Ông nói thêm rằng: Đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực của xã hội là một nhiệm vụ của báo chí, nhưng đó không phải là nhiệm vụ duy nhất. Nhiệm vụ duy nhất của báo chí là để cho người dân thấy rằng, họ đang sống trong một chế độ đáng sống và xung quanh họ là những người tốt.

Càng ngẫm càng thấy những điều mà ông thầy giáo Pháp nói chính xác làm sao.

Xã hội chúng ta có rất nhiều người tử tế như anh Lê Đức Đoàn. Nếu không để hình ảnh những người tử tế in trong tâm khảm của người dân thì đó là lỗi của truyền thông, mà trong đó có lỗi của những người làm báo.

Kim Triêu