Ai bảo kê cho “cát tặc”?

06:00 | 19/03/2014

1,939 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có câu “Thủy, Hỏa, Đạo, Tặc” dùng để nói về 4 đại họa trong cuộc sống, có tính chất tàn phá mạnh mẽ, đáng quan ngại và cũng là khó phòng tránh. Lũ lụt, hỏa hoạn, trộm cắp thì đã rõ nhưng “tặc” là cái giống gì?

Năng lượng Mới số 305

Tặc là giặc dã (chiến tranh...) hay cũng có thể là nạn cướp phá. Đã có những loại “tặc” được tính sổ như đạo tặc, ác tặc, dâm tặc và gần đây hơn là lâm tặc rồi mới đây nảy nòi ra cát tặc. Nước ta lắm sông nhiều ngòi, đâu đâu cũng có cát, lại trong thời phát triển nên nhu cầu cát xây dựng cao lắm. Thế là thiên hạ đua nhau khai thác cát và nạn cát tặc ra đời. Bọn này cứ như Phạm Nhan, chặt đầu này lại mọc ngay đầu khác. Mở báo ra thấy khắp các tỉnh, thành, nơi nào cũng có cát tặc hoành hành. Chính quyền địa phương cũng có ra quân nhưng cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Quây khúc sông này chúng dạt sang đoạn khác. Máy lại nổ, gầu lại xúc, móc cát sát chân cầu, chân đê và xe chở cát chạy rầm rập suốt ngày đêm. Vậy mà vẫn có quan chức, chính quyền địa phương báo cáo là không biết.

Không phải vậy. Họ biết và họ làm ngơ, bảo kê cho cát tặc vì lợi ích nhóm. Xin dẫn chứng:

Tại huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) không thể đếm được số lượng tàu hút cát trên khúc sông này là bao nhiêu. Dưới lòng sông cạn kiệt, “quái vật sắt” lầm lì tiến vào ven bờ, vét cật lực những đụn cát cuối cùng.

Đêm đêm, những cát tặc ém quân bên kia bờ sông rầm rập kéo về phía bờ bên này xúc cát bởi chính quyền xã làm ngơ. Quan xã thanh minh rằng, do hạn chế cả về người cũng như quyền hạn nên không sao dẹp nổi nạn “cát tặc”. Mặt khác, vì cát tặc rất manh động, sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả nên cũng chấp nhận bó tay.

Người dân cho biết, trên dọc tuyến đoạn qua địa bàn huyện Sông Lô có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi nhưng thực tế đối tượng khai thác cát trái phép còn nhiều gấp đôi, gấp ba con số trên.

Người dân đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột giữa “cát tặc” và những người giữ đất khiến cơ quan công an phải vào cuộc.

Lực lượng cảnh sát C45 (Bộ Công an) đã phối hợp với chính quyền địa phương trấn áp cát tặc, phát hiện và thu giữ được 3 khẩu súng, trong đó có một súng bắn đạn hoa cải, một khẩu dạng bút máy và một súng colt quay.

Khám xét nơi cư trú của nhóm “cát tặc”, cơ quan chức năng phát hiện nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát của Công ty CP Đầu tư Trường Sơn (có trụ sở tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).

Khi tranh chấp vùng khai thác, các đối tượng sẵn sàng sử dụng hung khí, súng tự chế, vũ khí quân dụng, huy động đông người xông lên các tàu khảo sát, khai thác cát, bao vây, uy hiếp, đe dọa. Thậm chí chúng hành hung, cướp hoặc hủy hoại tài sản của những cá nhân, đơn vị khác đang khảo sát, khai thác cát ở đây. Có lần, các đối tượng còn dùng súng bắn vào người dân địa phương nếu họ muốn ngăn cản quá trình khai thác cát trái phép của chúng.

Tại xã Bạch Lựu, sau chuyên án lập lại kỷ cương trên địa bàn tuyến sông Lô này, nhiều người dân bức xúc vì sự lộng hành của bọn “cát tặc” suốt thời gian dài mà chính quyền địa phương không thể dẹp nổi, phải nhờ đến sự ra tay của Bộ Công an tình hình mới yên trở lại. Nhiều người bày tỏ nghi hoặc đến việc đã có sự bảo kê cho những đối tượng này.

Hẳn là được bảo kê nên Công ty CP Đầu tư Trường Sơn lại tự cho mình cái quyền thành lập “Ban quản lý khai thác mỏ cát, sỏi” ở đây và giao cho những đối tượng tiền án, tiền sự làm “quản lý”. Nhận quyết định, các đối tượng này trang bị “hàng nóng”, đưa quân vào khai thác trái phép, thực chất chiếm mỏ của doanh nghiệp đang hoạt động. Hành vi này đã diễn ra trong một thời gian dài mà không hề bị các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc xử lý.

Sau khi Bộ Công an vào cuộc dẹp loạn, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc mới vội vàng vào cuộc, xử lý, 2 chiến sĩ công an huyện Sông Lô bị đình chỉ công tác, trong khi UBND huyện Sông Lô lại “bình an vô sự”.

Đây là cát tặc sông Lô, còn trên sông Tiền, lần đầu tiên trong cuộc chiến chống cát tặc bảo vệ tài nguyên và môi trường ở nước ta, cả một bộ sậu quan chức bị ra tòa vì tội bảo kê “cát tặc”. Bọn này gồm nguyên Bí thư Huyện ủy; nguyên Chủ tịch, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường…

Lãnh đạo huyện Hồng Ngự biết rõ giấy phép khai thác cát tại bãi bồi Thường Thới Tiền của Công ty Ngự Bình do huyện ủy quản lý đã hết hạn, nhưng vẫn cho công ty này khoán gọn cho 3 phương tiện sà lan, xáng cạp khai thác với giá 30 triệu đồng/tháng/phương tiện và bán cát cho các cá nhân tự dùng phương tiện bơm hút cát. Số tiền “bán cát” được để ngoài sổ sách chi theo chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy. Tuy nhiên, phiên tòa đã tạm hoãn nên chưa có thông tin về vụ xét xử đặc biệt này.

Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Cát tặc hoành hành là bởi chính quyền làm ngơ và bảo kê! Xử lý quan chức sẽ dẹp được cát tặc!

Bảo Dân