Afghanistan: Quân đội Mỹ rút, những gì còn lại?

07:07 | 18/01/2015

3,593 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quân đội Mỹ và đồng minh đã chính thức rút khỏi Afghanistan ngày 28/12/2014, kết thúc 13 năm cát cứ kể từ năm 2001. Nhiều bề bộn ngổn ngang vẫn chưa được giải quyết...

Năng lượng Mới số 390

Ai đứng sau việc canh tác thuốc phiện?

Ngậm xìgà Cuba, ngồi trên chiếc ghế da trong văn phòng tại Jalalabad, Nanghyal 38 tuổi trông như một ông trùm thế giới giang hồ, dù đã “giải nghệ” sau 15 năm tham gia buôn lậu thuốc phiện. Nanghyal không muốn dính vào thế giới tội phạm nguy hiểm rình rập. Thời hoàng kim, Nanghyal được chia 50-50 cho hoạt động kinh doanh thuốc phiện tại tỉnh Nangarhar, khi làm ăn với Phó tổng thống Hajji Abdul Qadir (bị ám sát thượng tuần tháng 7/2002). Hiện tại, doanh nghiệp thuốc phiện nằm trong tay Hazrat Ali (đối thủ chính trị và là một trong những người bị tình nghi ám sát Haji Abdul Qadir). Nanghyal biết rằng mình không thể tiếp tục sống bằng nghề kinh doanh ma túy, một khi người đỡ đầu Hajji Abdul Qadir không còn. Gương mặt mới hầu hết là sĩ quan quân đội thân thiện với lính Mỹ - Nanghyal cho biết…

Quân đội và cảnh sát Afghanistan chưa đủ sức tự gánh vác an ninh quốc gia

Từ khi rơi vào cuộc nội chiến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước đến nay, Afghanistan vẫn là nhà sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Trừ thời gian ngắn ngủi năm 2000, khi Taliban cấm sản xuất thuốc phiện, Afghanistan luôn là trung tâm cung cấp thuốc phiện lớn nhất toàn cầu. Việc sản xuất cũng như phân phối thuốc phiện Afghanistan hiện nằm trong tay các tướng tá địa phương - hầu hết đều thân sĩ quan Mỹ. (Cựu) Tổng thống Hamid Karzai gần như hoàn toàn bất lực trước nạn ma túy tại nước mình. Ít nhất hai nhân vật nổi tiếng hiện được chú ý: Gul Agha Sherazai và Hazrat Ali. Gul Agha Sherazai là thống đốc Kandahar kiêm giám sát ba tỉnh lân cận (tất cả đều là “ổ” sản xuất thuốc phiện).

Theo Ahad 28 tuổi, nguyên là tay súng Taliban và hiện tham gia đường dây ma túy Afghanistan, những viên chức cấp cao như Gul Agha Sherazai hoặc Hazrat Ali đều điều khiển trực tiếp hoặc được đút lót để làm ngơ. Các chuyến hàng 50-70 xe thuốc phiện luôn được cảnh sát hoặc lính tráng hộ tống. Tất nhiên Gul Agha Sherazai và Hazrat Ali không thừa nhận dính dáng doanh nghiệp ma túy nhưng vài viên chức ngoại giao phương Tây làm việc tại Afghanistan đều biết rõ sự ăn chia ít nhiều của họ. Vài nông dân trồng thuốc phiện không dám hé môi nhưng nhiều người khác sẵn sàng tiết lộ bằng chứng cụ thể. Nông dân Ghulam Shah 35 tuổi tỉnh bơ nói rằng chính nhờ Thượng đế và Hazrat Ali nên gia đình ông mới có thể sống khỏe. Nhà Ghulam Shah sống bằng nghề cạo mủ quả cây anh túc (thuốc phiện), bán 25kg mủ anh túc với giá khoảng 9.000USD cho sĩ quan đàn em Hazrat Ali. Thu nhập từ thuốc phiện năm ngoái đã giúp Ghulam Shah trả hết nợ và trang trải viện phí ca mổ thận tại Pakistan cho đứa con gái. Ghulam Shah nói thêm, Hazrat Ali thậm chí đưa mình khẩu AK-47 để “hỗ trợ việc đồng áng”.

Thế giới của các lãnh chúa

Một viên chức cấp cao địa phương tại Nangarhar cho biết thêm Gul Agha Sherazai, hồi còn làm thống đốc (từ chức năm 2013 để ra tranh cử tổng thống 2014), “tự tin” đến mức cho phép đoàn xe Land Cruiser chứa đầy thuốc phiện đậu ngay trụ sở văn phòng thống đốc để nghỉ xả hơi giữa chặng trước khi lên đường đến biên giới Iran. Trong khi đó, hoạt động chống phá Chính phủ Hamid Karzai và quân đội Mỹ đóng tại Afghanistan của Taliban ngày càng bành trướng, đặc biệt tại Zabol, Uruzgan, Kandahar và Helmand (tất cả đều là vùng sản xuất thuốc phiện). Khảo sát 208 làng tại 42 quận nổi tiếng sản xuất thuốc phiện tại Nam và Đông Afghanistan, Cơ quan Chương trình kiểm soát ma túy Liên Hiệp Quốc (UNDCP) nghi rằng bọn buôn lậu thuốc phiện đang tài trợ cho tàn dư Taliban trong chiến dịch khủng bố chính quyền địa phương tại những vùng canh tác thuốc phiện với mục đích làm chính quyền sở tại không dám mạnh tay tung cuộc chiến bài trừ ma túy.

Liên Hiệp Quốc cho biết, tướng Mohammad Daud (cai quản khu vực Bắc Afghanistan) hiện cai quản vài “phòng thí nghiệm” bào chế hêrôin với trợ giúp của chuyên gia ma túy thuộc bộ tộc Wa thuê từ Myanmar (nguồn cung cấp thuốc phiện hàng thứ hai thế giới). Mohammad Daud xuất khẩu hêrôin và thuốc phiện thô sang Tajikistan, nơi các đường dây ma túy Nga và Trung Á chờ sẵn để chuyển tiếp vào châu Âu.

Ngày 24/11/2002 tại Moskva, Hội đồng Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng ký hiệp ước chống ma túy đa phương và thành lập văn phòng hoạt động tại Bishkek (thủ đô Kyrgyzstan). Thành viên SCO gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Nga. Tuy nhiên, vài thành viên từng ký trong Bản tuyên bố Kabul về quan hệ thân thiện láng giềng lẫn SCO đều không tuân thủ cam kết trong việc phòng chống buôn lậu ma túy. Tajikistan và Kyrgyzstan vẫn là vài trong số những điểm nóng, nhận chuyển tiếp các chuyến hàng ma túy từ Afghanistan ra khắp Nam Á và từ đó được tung vào châu Âu và Mỹ.

Tại sao Chính phủ Kabul bất lực?

Một trong những nguyên nhân là Chính phủ Afghanistan không được tôn trọng tại chính trường Afghanistan. Tướng lĩnh Liên minh phương Bắc cho rằng, Hamid Karzai là bù nhìn Mỹ dựng nên và không có công trạng trong chiến dịch quân sự lật đổ chế độ Taliban. Trong khi đó, tướng lĩnh Liên minh phương Bắc - thành phần như Mohammed Fahim, Atta Mohammed, Ismail Khan, Abdul Rashid Dostum, Gul Agha Sherzai - lại là những người có quyền lực rất lớn, tự chia lãnh địa và thậm chí có bộ máy quân đội riêng (dù Karzai từng ra lệnh giải giáp đơn vị quân đội địa phương từ cuối năm 2002).

7,6 tỉ USD đã được chi ra nhưng cuộc chiến chống thuốc phiện tại Afghanistan vẫn thất bại

Cụ thể, Ismail Khan thống trị Herat; Abdul Rashid Dostum cai quản phía bắc; và Gul Agha Sherzai cát cứ miền Nam. Sự lục đục nội bộ cùng sự phân chia quyền lực khiến Hamid Karzai trở thành “lãnh tụ tinh thần” hơn là nhà lãnh đạo có thực quyền chèo chống sinh mạng đất nước 28 triệu dân. Người kế nhiệm Karzai, Ashraf Ghani Ahmadzai (đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 9/2014), cũng lâm vào thế tương tự. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tình hình Afghanistan tiếp tục rối ren, với các vụ khủng bố nhằm vào binh lính gìn giữ hòa bình quốc tế và cả những vụ ám sát chính trường mà không bao giờ thủ phạm có thể tìm ra. Ngày 14/2/2002, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Hàng không Abdul Rahman bị ám sát. Ai gây ra? Ngày 6/7/2002, Phó tổng thống Hajji Abdul Qadir bị khử. Ai gây ra? Ngày 8/7/2003, Tòa Đại sứ Pakistan tại Kabul bị tấn công. Ai gây ra?… Hơn một thập niên sau, những câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ.

Sẽ không bao giờ có câu trả lời chính xác, chừng nào chính trường Afghanistan tiếp tục nằm ở thế phân quyền và bị giằng co bởi các cuộc đấm đá nội bộ tranh giành quyền lợi. Và như vậy, sẽ không ai có thể đụng đến nguồn lợi từ ma túy và thuốc phiện của các lãnh chúa Afghanistan và thậm chí ma túy và thuốc phiện tiếp tục là nguồn thu chủ yếu sau khi bất kỳ một chính phủ mới nào hình thành mà không giải quyết nổi được tình trạng “loạn các tướng quân”.

Cần nói thêm, Mỹ chưa thể rút hẳn khỏi Afghanistan. Từ hơn 100.000 quân vào giai đoạn đỉnh điểm chiến tranh, Mỹ hiện duy trì 10.800 quân và sẽ rút hoàn toàn vào cuối năm 2016, trừ biệt đội bảo vệ Tòa Đại sứ Mỹ. Trước mắt, khoảng 4.000 biệt kích vẫn được lưu lại để tiểu trừ tàn dư Al-Qaeda. Trong thực tế, không chỉ thuốc phiện, nhiều vấn đề tồn đọng khác tiếp tục gây nhức đầu.

6 tỉ USD - một số tiền khổng lồ - đã được chi cho chương trình đào tạo lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan (ANP) nhưng kết quả “khiêm tốn” quá mức. Đến nay, những tay súng ANP vẫn chưa biết bắn thế nào cho trúng đích và thậm chí còn chưa rành sử dụng “đồ nghề”. Đại úy Mohammad Moqim ngao ngán thở dài nhìn lính mình “vật lộn” với khẩu AK-47 khi họ xoay sở ngắm trúng mục tiêu to bằng hình người ở cự ly chỉ 50m! Hầu hết thậm chí tỏ ra gặp khó khăn trong việc lắp băng đạn! “Chúng tôi vẫn ở con số không” - Đại úy Moqim nói về tiến trình đào tạo lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan - “Họ không biết tuân lời, vô kỷ luật và chẳng bao giờ có thể trở thành cảnh sát thực thụ”.

Được Bộ Ngoại giao Mỹ giao khoán cho Công ty An ninh tư nhân DynCorp, chương trình huấn luyện lực lượng an ninh nội địa Afghanistan, như một phần trong kế hoạch “Afghanistan hóa” chiến tranh của Mỹ đang lâm vào ngõ cụt. Một cựu viên chức DynCorp giấu tên cho biết trong số khoảng 170.000 người được đào tạo cho chương trình cảnh sát từ khi Mỹ có mặt tại Afghanistan, nay chỉ còn lại chừng 30.000 “nòng cốt”. Một trong những lý do khiến chương trình đào tạo ANP thất bại là người ta tập trung tăng cường quân số một cách cấp bách, khiến công tác huấn luyện trở nên sơ sài và kém hiệu quả.

Tướng Larry Nicholson, nguyên chỉ huy trưởng lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Nam Afghanistan, cũng từng nói rằng “tôi thà có một cảnh sát được huấn luyện tốt còn hơn 10 tay súng “gà mờ”. Một báo cáo độc lập do Ủy ban Liên minh châu Âu yêu cầu thực hiện công bố cuối năm 2009 cho biết hầu hết những người đảm bảo an ninh nội địa cho tương lai bình ổn.

Theo kế hoạch, giới chức quân sự Mỹ muốn tăng cường lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan lên 134.000 người vào năm 2011 và 160.000 vào năm 2013 (cùng lúc, lực lượng quân đội quốc gia Afghanistan tăng lên 134.000 vào cuối năm 2010 và 240.000 vào năm 2013). Vấn đề ở chỗ không phải quân số mà là chất lượng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hiện bị chỉ trích “bỏ thí” việc đào tạo an ninh Afghanistan cho DynCorp khi có rất ít người đại diện của mình tại Afghanistan để theo dõi và kiểm soát hợp đồng, khiến “tiền mất tật mang”…

Cao Minh