Afghanistan: Mỹ “lao ra”, Ấn Độ “nhào vào”

09:42 | 06/10/2011

852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mười năm sau khi vội vàng phát động cuộc chiến tranh tại Afghanistan, Mỹ hiện đang tìm cách thoát khỏi vũng lầy này trong danh dự. Trong khi Ấn Độ, do lo ngại về sự trở lại của một chế độ Hồi giáo ở Kabul nên đang ra sức tăng cường ảnh hưởng tại Afghanistan.

Một số nhà phân tích cho rằng việc Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn ở Afghanistan có thể dẫn tới "một cuộc chiến tranh ủy nhiệm” căng thẳng và nguy hiểm hơn giữa nước này và Pakistan.

Mỹ muốn rút

Chỉ vài tuần sau khi xảy ra các cuộc tấn công ngày 11/9/2001 tại Mỹ, ngày 7/10/2001, lực lượng Mỹ đã tiến vào Afghanistan với chiến dịch mang tên "Tự do bền vững” nhằm lật đổ chế độ Taliban, vốn bị nghi là che giấu ban lãnh đạo của mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Mỹ và các đồng minh đã thành công khi nhanh chóng đánh bật các phần tử Hồi giáo Taliban ra khỏi thủ đô Kabul của Afghanistan.

Quân đội Mỹ

Tuy nhiên, sau đó Taliban lại có thể tái hợp và cải tổ nhờ có những nơi ẩn náu an toàn tại các khu vực biên giới của Pakistan và tiếp tục duy trì phong trào nổi dậy. Từ năm 2002-2005, Taliban đã dùng tiền thu được từ buôn bán ma túy, tiền ‘từ thiện’ của các nhà tài trợ ở các nước vùng Vịnh và với sự hỗ trợ của al-Qaeda… để tái hợp lực lượng. Tại những nơi ẩn náu ở Pakistan, Taliban có thể tái trang bị vũ khí, chấn chỉnh và đào tạo lại lực lượng. Sau năm 2005, khi tình hình tại Afghanistan bắt đầu xấu đi, trong khi Mỹ vẫn đang phải đối mặt với những rắc rối lớn nảy sinh ở Iraq.

Mặc dù một chính phủ Afghanistan đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hamid Karzai, nhưng điều này vẫn không ngăn được cuộc nổi dậy của Taliban.

Nhà phân tích Seth Jones cho biết sẽ là không thực tế nếu hy vọng bất kỳ chính phủ trung ương nào thiết lập được trật tự khắp Afghanistan. Trước thực trạng này, chính quyền của Tổng thống B.Obama đã công bố kế hoạch bắt đầu rút khoảng 100.000 quân Mỹ trong tổng số 140.000 quân quốc tế tại Afghanistan và hoàn tất việc rút quân vào năm 2014.

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, chiến lược này mang lại nhiều rủi ro. Trung tướng nghỉ hưu David Barno, từng chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan từ năm 2003-2005, cho rằng chính ý định rút quân của Mỹ khiến cho Afghanistan khó có thể ổn định. Mỹ đang đứng trước thách thức là "làm thế nào để rút quân khỏi Afghanistan và khỏi khu vực mà không để đất nước và khu vực này trở nên bất ổn
và rơi vào nội chiến”.

Ấn Độ muốn vào

Trong lúc Mỹ đang tìm cách ‘chạy” khỏi cuộc chiến này, thì ngày 4/10, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Ấn Độ, một động thái chắc chắn sẽ khiến cho nước láng giềng Pakistan phải nghi ngại trong bối cảnh các liên minh tại khu vực Nam Á bất ổn này đang có sự thay đổi.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ký hiệp định đối tác chiến lược giữa hai nước

Quan hệ giữa Afghanistan và Pakistan, từ lâu đã khá mong manh, nay lại càng xấu đi do những cáo buộc rằng Islamabad ngầm tài trợ cho các nhóm phiến quân thực hiện các cuộc tấn công vào nước láng giềng Afghanistan. Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ở New Dehli, ông Karzai một lần nữa nhấn mạnh rằng "chủ nghĩa khủng bố” đang được lợi dụng như "một công cụ chính trị nhằm chống lại nhân dân hai nước chúng ta”, rõ ràng ám chỉ tới Pakistan.

"Thỏa thuận đối tác chiến lược” được ký với Ấn Độ – hiệp định đầu tiên kiểu này của Afghanistan với một nước khác – sẽ củng cố thêm mối quan hệ thân thiết vốn có giữa hai nước và thúc đẩy các mối quan hệ thương mại, an ninh và văn hóa giữa hai bên. Thủ tướng Singh phát biểu rằng hiệp ước "tạo ra một khung thể chế cho sự hợp tác tương lai của hai nước”, đồng thời nói rằng các hiệp định riêng lẻ về năng lượng và khai khoáng "mở rộng quy mô cho quan hệ kinh tế hai nước”. Ông khẳng định: "Ấn Độ sẽ sát cánh cùng nhân dân Afghanistan khi họ chuẩn bị đảm đương trách nhiệm điều hành và đảm bảo an ninh của mình sau khi các lực lượng quốc tế rút lui vào năm 2014″.

Chuyến thăm Ấn Độ, chuyến thăm lần thứ hai trong năm nay, của Tổng thống Afghanistan diễn ra sau vụ ám sát cựu tổng thống và đại sứ hòa bình Burhanuddin Rabbani hồi tháng trước.
Theo văn phòng Tổng thống Karzai, ông này đã bị một người Pakistan ám sát. Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Afghanistan Mohammad Yasin Zia ngày 4/10 đã tố cáo Pakistan từ chối hợp tác điều tra vụ ám sát ở Kabul. Tuy nhiên, Islamabad đã phủ nhận cáo buộc này.

Nhà phân tích chính trị Ấn Độ Subhash Agrawal, Giám đốc trung tâm tư vấn tư nhân "India Focus”, cho rằng cuộc hội đàm giữa ông Singh và ông Karzai "có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Afghanistan cáo buộc Pakistan dính líu tới vụ ám sát ông Rabbani”. Ông Agrawal nói: "Chuyến thăm này tạo cơ hội để Ấn Độ có được một vai trò chắc chắn ở Afghanistan sau năm 2014″.

Và hệ luỵ

Các nhà phân tích dự đoán rằng ông Karzai, do bực mình với Pakistan và lo lắng về việc Mỹ rút quân vào năm 2014, sẽ tìm cách nâng cao vai trò của Ấn Độ trong việc bình ổn đất nước Afghanistan bị chiến tranh tàn phá.

Tuy nhiên, sự can dự của Ấn Độ vào Afghanistan là vấn đề hết sức nhạy cảm do những cuộc chiến quyền lực tinh vi và thường gây chết người ở khu vực Nam Á, trong đó Pakistan ra sức chống lại sự can thiệp của kẻ thù không đội trời chung (Ấn Độ) vào nơi mà nước này tự coi là "sân sau” của mình.

Một số nhà phân tích bày tỏ quan ngại rằng việc Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn ở Afghanistan có thể dẫn tới "một cuộc chiến tranh ủy nhiệm” căng thẳng và nguy hiểm hơn giữa nước này và Pakistan – được trang bị vũ khí hạt nhân – về vấn đề lãnh thổ Afghanistan, với những hậu quả khôn lường.

Nhà nghiên cứu C. Raja Mohan thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Dehli nói: "Ấn Độ và Afghanistan đủ thực tế để hiểu rằng sẽ không thể có hòa bình ở Afghanistan nếu không có sự giúp đỡ của Pakistan”.

Kiến Văn