99% là gì?

08:09 | 21/12/2011

1,250 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối năm nghe con số 99% người ta thường liên hệ đến thành công và thắng lợi. Tuy nhiên, con số công bố mới đây của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, là có đến 99% dự án đều… chậm tiến độ thực sự gây sốc trong dư luận.

Tổng hội này đã nhìn nhận nếu không chậm bởi thủ tục kéo dài, giải phóng mặt bằng chậm… thì cũng là hệ quả tất yếu từ bất cập trong Luật Đấu thầu…

Trước đó, khi hàng loạt dự án điện của nhà thầu Trung Quốc chậm tiến độ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (EVA) đã phát đi thông điệp đề nghị sửa đổi luật đấu thầu, trong đó giá dự thầu không nên được xem là tiêu chí quyết định để lựa chọn hợp đồng thi công.

Qua đánh giá việc triển khai các dự án điện trong Quy hoạch Điện VI đã cho thấy, hầu hết các dự án bị chậm tiến độ từ 1 đến 3 năm hoặc dài hơn, thậm chí không triển khai được là do các nhà thầu năng lực yếu,kinh nghiệm kém, không thu xếp được tài chính, không thực hiện được các cam kết với chủ đầu tư.

Nhà ga Sân bay Quốc tế Đà Nẵng hoàn thành trước thời hạn nhờ "trảm" tướng

Điển hình là các dự án: Nhiệt điện Hải Phòng 1, Nhiệt điện Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1…

Theo EVA, cần phải bổ sung và sửa đổi một số quy định hiện hành về đấu thầu để cho phép các chủ đầu tư (đặc biệt là các chủ dự án có sử dụng nguồn vốn Nhà nước) lựa chọn các thiết bị chất lượng cao, các nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển như: G7, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Trong một số trường hợp đặc biệt, các chủ đầu tư được phép chỉ định trực tiếp nhà thiết kế chế tạo thiết bị, nhà thầu EPC và các tư vấn mà chủ đầu tư đã biết rõ năng lực kinh nghiệm và khả năng tài chính.

Nói cách khác, giá dự thầu không nên được xem là tiêu chí quyết định trong việc trao hợp đồng thi công xây dựng EPC – thay vào đó, các vấn đề như chất lượng, tiến độ, tổng chi phí (bao gồm dịch vụ sau bán hàng, mức độ tiên tiến của công nghệ và khả năng chuyển giao công nghệ cho lao động trong nước nên được ưu tiên và xem là các yếu tố quyết định).

Các cơ chế, chính sách ưu đãi cần được áp dụng để tạo cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở sản xuất, chế tạo thiết bị năng lượng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung ngay một số điều trong Luật Đấu thầu hiện nay, lấy các yêu cầu về năng lực của nhà thầu dựa trên cơ sở khoa học – công nghệ, năng lực sản xuất, năng lực tài chính mạnh, chất lượng thiết bị tốt chứ không phải lựa chọn hồ sơ “năng lực ảo” như trong thời gian qua. EVA khẳng định, nếu chúng ta không nhanh chóng sửa đổi Luật Đấu thầu, các doanh nghiệp trong nước, cùng với lực lượng kỹ sư, công nhân được đào tạo tay nghề cao của Việt Nam sẽ không thể có cơ hội phát triển, không có cơ hội được làm chủ công nghệ và quản lý dự án trong tương lai.

Xung quanh vấn đề này, ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, theo số liệu chúng tôi nhận được từ các bộ, ngành, địa phương, hầu hết các dự án thời gian đầu tư đều kéo dài và chậm tiến độ tính từ khi chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư, đưa vào sử dụng thì hầu hết các dự án đều bị kéo dài thời gian thực hiện.

Trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục đầu tư, đúng là do những hạn chế về thủ tục hành chính, chồng chéo trong những quy định của pháp luật khiến rất nhiều dự án có giai đoạn chuẩn bị đầu tư kéo dài 2-4 năm.

Trong giai đoạn này còn có điểm rất quan trọng nữa đó là công tác thẩm định, công tác quy hoạch. Chúng ta chưa phủ kín được quy hoạch kinh tế – xã hội, chưa phủ kín được quy hoạch chi tiết, quy hoạch vùng xây dựng cho nên phải thỏa thuận địa điểm, quy mô dẫn đến tình trạng thời gian kéo dài.

Trả lời báo giới về khâu nào khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ông Hùng khẳng định, đó là công tác giải phóng mặt bằng luôn luôn chậm. Có những dự án công tác giải phóng mặt bằng kéo dài 5 năm, 10 năm. Thậm chí như đường vành đai 1 của Hà Nội hơn 10 năm rồi chưa xong. Rất nhiều công trình từ công trình giao thông, công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp đều chậm trong giải phóng mặt bằng. Liên quan đến câu chuyện này chính là chính sách đền bù, tái định cư.

Nói về Luật Đấu thầu quá thiên về vấn đề giá rẻ dẫn đến nhà thầu (từ tư vấn khảo sát, thi công xây lắp đến cung cấp thiết bị) không đủ năng lực, kết quả là thời gian bị kéo dài.

Theo các chuyên gia, hiện có rất nhiều nhà thầu nhưng lực lượng còn rất hạn chế, đặc biệt là đội ngũ quản lý và thợ giỏi. Nhiều công trình thủy điện báo cáo rằng, thợ thủy động, thợ lắp máy… thiếu rất nhiều. Không chỉ yếu kém về trình độ, năng lực nhân công mà năng lực thiết bị cũng hạn chế làm mất cân đối giữa đầu tư và năng lực thực hiện.

Có câu “thủ tục đầu tiên” là nói về kinh phí. Quả thực hầu hết các công trình chậm tiến độ là do vốn không đảm bảo. Tình trạng đầu tư dàn trải đã làm phân tán nguồn lực, giật gấu vá vai, không tập trung vốn. Vậy nên, nếu được tập trung vốn thì công trình chỉ thi công trong 2 năm nhưng do thiếu vốn phải kéo dài đến 3 năm, 4 năm mới xong.

Để khắc phục những khiếm khuyết trên, theo các chuyên gia, có ba yếu tố rất quan trọng cần được tập trung giải quyết. Yếu tố thứ nhất là toàn bộ các công trình xây dựng, các dự án đều phải theo quy hoạch. Yếu tố thứ hai là nhà nước cần sửa đổi bổ sung, thậm chí xây dựng mới hàng loạt vấn đề liên quan đến luật pháp từ đấu thầu, quy hoạch, xây dựng, doanh nghiệp… Yếu tố thứ ba là chính sách, chế độ đối với ngành xây dựng để cho cán bộ, công nhân thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành.

Câu chuyện “trảm tướng, thêm quân” ở công trình Sân bay Quốc tế Đà Nẵng ở Bộ Giao thông Vận tải cho thấy vẫn mặt bằng ấy, nhà thầu ấy, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng cho thay người phụ trách và tạo đủ điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công, dự án đã về đích trước hạn. Nếu các “tư lệnh” khác cũng dám làm như vậy, chắc chắn sẽ không chậm tiến độ. Cũng theo các chuyên gia xây dựng là hiện nay chúng ta chưa coi trọng đúng mức lao động của ngành xây dựng. Hiện nay thu nhập của công nhân xây dựng bình quân 2,7-3 triệu đồng/tháng là quá thấp. Hiện tượng trộm cắp vật liệu xây dựng để “cải thiện” có lý do từ thu nhập thấp.

Trở lại câu chuyện giải phóng mặt bằng, theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Nhà nước không nên giao cho doanh nghiệp tự giải phóng mặt bằng mà Nhà nước đứng ra tổ chức giải phóng mặt bằng sạch, đầu tư hạ tầng. Sau đó Nhà nước tổ chức đấu thầu trên các mảnh đất đã giải phóng mặt bằng và có hạ tầng. Chênh lệch địa tô Nhà nước sẽ hưởng chứ không phải để các doanh nghiệp hưởng như hiện nay. Nút thắt đầu tiên được gỡ bỏ cùng với việc sửa đổi Luật Đấu thầu sẽ giảm thiểu nguy cơ 99% dự án chậm tiến độ!

Minh Nghĩa