3 thách thức với thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc

10:33 | 16/11/2012

1,759 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đại hội Đảng lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu sự khởi đầu cho một thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng như những thách thức lớn trong cải cách toàn diện xã hội Trung Quốc.

>> Ông Tập Cận Bình làm Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy

>> "Một chân dung chính trị" và "con người của sự đồng thuận"

>> Gia đình ông Tập Cận Bình đã từng bị bức bại trong Đại cách mạng văn hóa như thế nào?

Ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ XVIII diễn ra khi cả nền kinh tế Trung Quốc và kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn. Sự tăng trưởng chậm diễn ra ở nền kinh tế các nước phát triển khó có thể chấm dứt nhanh chóng. “Vách đá tài khóa” tại Mỹ, nợ công ngày càng tăng tại Nhật Bản và suy thoái kéo dài ở châu Âu đưa đến những nguy cơ cho kinh tế thế giới. Điều này có thể khiến thế giới các nước phát triển mất hàng thập kỷ hoặc lâu hơn nữa để đưa nền kinh tế về đúng quỹ đạo.

Đối mặt với bối cảnh này, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gặp phải khó khăn trong xuất khẩu, lực lượng chính của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Đồng thời, Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm ở xung quanh mức 10%/năm đã kéo dài nhiều năm qua. Đóng góp của xuất khẩu với tỷ lệ tăng trưởng Trung Quốc là khoảng 3% trong thập kỷ qua và có nhiều khả năng sẽ rơi xuống 1% trong thập kỷ tới. Với tình trạng này, Trung Quốc cần tìm ra giải pháp mới để củng cố tăng trưởng.

Tiếp tục cải cách thể chế và kinh tế là một trong những cách Trung Quốc thực hiện để duy trì tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Trong vòng 30 năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến 3 giai đoạn của tiến trình phát triển. Thập niên 1980 là sự bắt đầu của kỷ nguyên cải cách. Giai đoạn 2 diễn ra trong khoảng 1993-2002, khi những cải cách mau lẹ diễn ra ở khu vực thành thị. Những cải cách này đã cải thiện hiệu quả nền kinh tế Trung Quốc nhưng cũng để lại sự chia cắt trong mạng lưới an sinh xã hội với hàng triệu công nhân thất nghiệp.

Giai đoạn 3 mang dấu ẩn của ban lãnh đạo chính quyền hiện đang sắp mãn nhiệm. Một trong những thành tựu của thế hệ chính quyền này là tái xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở cả thành thị và nông thôn. Thêm vào đó, chính sách phân biệt với lao động di cư cũng dần bị thủ tiêu. Tất nhiên mức độ can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế ngày rất lớn và do vậy tốc độ cải cách đã chậm lại một cách đáng kể.

Tiếp tục kế thừa những thành tựu về mọi mặt mà các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã xây dựng được trong nhiều thập kỷ qua, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc phải tiếp tục tiến hành đổi mới nhiều vấn đề kinh tế - xã hội để phù hợp với những đòi hỏi của thực tế, tuy nhiên quá trình cải cách này đặt ra những trở ngại không nhỏ.

Thách thức về cải cách

Những đòi hỏi về cải cách lớn hơn ở Trung Quốc xuất phát từ chính những động lực từ bên trong và được nhận thức bởi cả quan chức và giới truyền thông nước này. Câu hỏi vẫn được đặt ra là cải cách cái gì và cải cách như thế nào. Từ những gì đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc, lãnh đạo Trung Quốc xác định 3 vấn đề cấp thiết cần được cải cách cho tăng trưởng bền vững và công bằng cho 10 năm tới.

Cải cách hộ khẩu

Chính quyền trung ương đã tuyên bố chính sách hộ khẩu mới cho phép lao động di cư đang sống ở những thành phố nhỏ được cấp hộ khẩu nếu họ có công việc ổn định và nơi ở (bao gồm cả nhà đi thuê). Cải cách này không chỉ mang lại công bằng xã hội và cũng đem lại sự khỏe mạnh hơn cho kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt là, điều này tác động mạnh tới tiêu dùng nội địa. Hiện tại, dân di cư từ nông thôn tiết kiệm phần lớn thu nhập để gửi tiền về quê nhà. Việc cho phép họ cư trú lâu dài tại thành phố sẽ giúp họ thỏa mãn kỳ vọng và khiến họ tiêu dùng nhiều hơn.

Điều này cũng phù hợp với việc mục của Trung Quốc xây dựng nền kinh tế tăng trưởng dựa trên sức tiêu dùng của hơn 1,3 tỷ dân, giảm dần phụ thuộc vào xuất khẩu. Thêm vào đó, cải cách hộ khẩu làm tăng tốc độ đô thị hóa, điều này đồng thời thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ. Đóng góp của lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu suy giảm từ năm 2020 và lĩnh vực dịch vụ cần phải lấp đầy khoảng trống này.

Cải cách tài chính

Hệ thống tài chính Trung Quốc đã không mở cửa hết cỡ với luồng vốn nội địa, ví dụ như nhà đầu tư tư nhân không thể mở ngân hàng thương mại, mặc dù hệ thống này đã mở cửa với luồng vốn từ bên ngoài. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc tìm kiếm nguồn vốn để tái sản xuất và mở rộng kinh doanh và các nguồn “tín dụng đen” vô tình trở thành chỗ cứu cánh cho các doanh nghiệp thiếu vốn.

Để khắc phục tình hình, ngày 28/3/2012 Bắc Kinh quyết định chọn Ôn Châu làm địa phương đầu tiên để thử nghiệm những cải cách tài chính, trong đó có việc hợp pháp hóa hoạt động “tín dụng đen”. Đây được coi như một “liều thuốc kích thích” cho thành phố này và rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã hào hứng chuẩn bị để được thành lập ngân hàng và các công ty cho vay.

Do vậy, Chính phủ Trung Quốc cần nhân rộng thử nghiệm của Ôn Châu và tiến hành một kế hoạch cải cách cụ thể. Hệ thống tài chính què quặt là một trong những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc tích trữ một lượng thặng dư ngân sách khổng lồ, trong khi tiết kiệm nội địa không mang lại nhiều hiệu quả vậy nên Trung Quốc phải thúc đẩy xuất khẩu tư bản sang nước khác để thu lượng giá trị gia tăng lớn hơn.

Cắt giảm hỗ trợ cho các nhà sản xuất

 Chính phủ Trung Quốc trợ giá cho các nhà sản xuất rất lớn bằng loại bỏ chi phí đầu vào và cung cấp chính sách tiền tệ nới lỏng với cách ngành công nghiệp được lựa chọn để ưu tiên. Ví dụ, tỷ lệ lãi suất được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo vốn vay cho các doanh nghiệp và nhà nước đảm bảo khung lãi suất phù hợp cho các ngân hàng cho vay. Đồng thời, luật bảo vệ môi trường được nới lỏng nên các công ty giảm chi phí trong xử lý chất thải.

Theo như Yiping Huang, giáo sư làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc của Đại học Bắc Kinh cho biết, hỗ trợ giá đầu vào sản xuất chiếm tới 10% GDP của Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc chuyển dịch thu nhập từ những người dân sang các nhà tư bản. Nó cũng giải thích cho việc tại sao đóng góp của hộ gia đình đối với thu nhập quốc nội Trung Quốc ngày càng giảm và sự phân chia thu nhập xã hội ngày càng tồi tệ hơn.

Tất cả các cải cách trên đều không dễ dàng thực hiện. Cải cách hội khẩu gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cả chính quyền nơi có người di cư và chính quyền nơi có người nhập cư. Chính quyền có người di cư phàn nàn rằng người di cư mang theo phần tài chính đóng góp cho địa phương họ; trong khi chính quyền tiếp nhận người nhập cư cho rằng người nhập cư làm giảm tỷ lệ việc làm và cơ hội giáo dục.

Cùng với vấn đề đó, các nhóm lợi ích sẽ phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động cắt giảm hộ trợ nào của chính phủ mà họ đang được hưởng. Đồng thời, vẫn còn nhiều người tin rằng hỗ trợ chính phủ là cần thiết để đẩy mạnh sự phát triển của Trung Quốc. Trong khi cải cách tài chính có thể chứa đựng ít hơn những xung đột giữa các nhóm trong xã hội nhưng những bất ổn do việc mở rộng hơn hệ thống tài chính có thể là một trở ngại lớn ngăn bước tiến trình cải cách.

Cải cách sẽ cần những nỗ lực vĩ đại và sự khôn ngoan chính trị của thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có những lý do để tiếp tục hi vọng vì chính quyền trung ương Trung Quốc đã phê chuẩn từng phần của 3 cải cách này và vấn đề hiện tại chỉ là việc thực thi cải cách như thế nào.

Khôi Nguyên