Xung quanh việc chấm điểm thi tốt nghiệp THPT các tỉnh ĐBSCL: Có hay không thỏa thuận “nâng” điểm?

19:28 | 21/06/2011

579 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đây, có một số thông tin phản ánh cuộc họp ngày 56 tại TP Cần Thơ của đại diện các Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT các tỉnh, thành ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được phân công chấm chéo lẫn nhau “thực chất là một cuộc gặp gỡ của các chuyên viên bộ môn ngữ văn với mục đích là thỏa thuận để “nâng cao chất lượng” bằng cách cho điểm “vô tư” bài làm của thí sinh, thoát ly hẳn hướng dẫn chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Có hay không thỏa thuận chấm thi nhằm nâng điểm môn ngữ văn của Hội đồng chấm thi các tỉnh ĐBSCL?

Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2011

Cho điểm vô tư?

Một số giáo viên ở tỉnh Tiền Giang đã bày tỏ bức xúc sau khi xem “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn ngữ văn, theo tinh thần cuộc họp giữa các tỉnh ĐBSCL”. Theo họ biên bản này có nhiều hướng dẫn cho điểm bất hợp lý, chẳng khác nào là ban phát điểm một cách vô tội vạ. Với cách triển khai, vận dụng hướng dẫn chấm thi như cuộc họp đã đề ra thì học sinh không cần phải nhớ đến các chi tiết nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm, không cần học cách đọc tác phẩm văn chương và cũng không cần phải học cách viết một bài văn nghị luận vẫn có thể đạt điểm thậm chí đạt điểm cao trong nhiều câu hỏi.

Giáo viên Đỗ Thị Lê, Trường THPT chuyên Tiền Giang, dẫn ra một số nội dung cụ thể như sau: Ở câu 1: “Trong đoạn cuối của truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?”. Theo hướng dẫn chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho 1 điểm với ý thứ nhất – những hình ảnh hiện lên là: Màu hồng hồng của ánh sương mai (0,5 điểm); người đàn bà vùng biển bước ra từ tấm ảnh (0,5 điểm). Và cho 1 điểm với ý thứ 2 – những hình ảnh đó nói lên chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống (0,5 điểm); hiện thực về số phận lam lũ, khốn khó của con người (0,5 điểm). Tuy nhiên, theo biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi của các tỉnh ĐBSCL thì đáp án được cụ thể hóa và mở rộng hơn, ở ý thứ nhất học sinh nêu được 1 trong các ý: màu hồng hồng, ánh sương mai, chiếc thuyền, chiếc thuyền lưới vó ở ngoài khơi tiến vào… màu sương mờ… (0,5 điểm); người đàn bà, người đàn bà chài lưới, người đàn bà trong chiếc thuyền bước ra (0,5 điểm). Ý thứ 2, nêu được một trong các ý, chất thơ hoặc lãng mạn, vẻ đẹp nghệ thuật, biểu tượng nghệ thuật cho 0,5 điểm…

Ở các câu khác cũng có nhiều hướng dẫn cho điểm không hợp lý, như câu 3a (5 điểm) về phân tích đoạn thơ “…” trong bài Tây Tiến của Quang Dũng thì biên bản cuộc họp ghi, thống nhất với hướng dẫn chấm, song giám khảo cần thống nhất với các tình huống sau : Về kỹ năng: Bài đủ 3 phần mở bài – thân bài – kết luận, nội dung không đầy đủ cho ít nhất 2 điểm. Về nội dung: Bức tranh thiên nhiên nêu được ý hùng vĩ, thơ mộng cho trọn 1,5 điểm. Về nghệ thuật: Nêu được một vài ý về nghệ thuật (không cần nêu triệt để) cho 1 điểm… Nếu áp dụng đúng theo hướng dẫn chấm thi này thì học sinh dễ dàng nhận được số điểm 4/5 điểm mà không cần xét đến cách diễn đạt, cách hành văn như thế nào, chỉ cần học theo kiểu nêu ý chính, gạch đầu dòng cũng có thể đạt điểm cao. Không biết vì lý do nào mà lại có biên bản hướng dẫn nhiều cách cho điểm quá dễ dãi, có thể nói là “vớt” điểm một cách triệt để như vậy.

Một số ý kiến cho rằng, hướng dẫn chấm thi trên là sự mở rộng đến vô cực, theo cách chấm này học sinh chỉ cần học đại khái, qua loa ý chính, dù viết lạc đề, nội dung sơ sài, không thể hiện được khả năng hành văn, cảm thụ văn chương cũng được điểm, thậm chí điểm cao. Đây thật sự là một văn bản phi khoa học, không thể trách nhiều giáo viên bức xúc khi đọc hướng dẫn chấm thi như vậy.

Học sinh PTTH lo lắng trước giờ vào phòng thi tốt nghiệp

Hướng dẫn chỉ có tính tham khảo!

Trao đổi với PV Báo Năng lượng Mới, ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cho biết: Với cương vị trưởng thi đua vùng ĐBSCL, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị và được Bộ cho phép mời Hội đồng chấm thi các tỉnh, thành trong vùng để cùng họp “thảo luận Hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận ở từng môn thi”. Việc này nhằm thống nhất về cách chấm thi, tránh tình trạng như mọi năm có tỉnh chấm chặt, có tỉnh chấm nới lỏng dẫn đến không phản ánh được mặt bằng chung trình độ của học sinh. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các Sở có tiếng nói chung, thống nhất về cách chấm thi theo đáp án của Bộ nhằm đánh giá đúng trình độ của học sinh là không có gì sai.

Theo ông Nhi, cuộc họp trên diễn ra với 3 nội dung chính là: Đề nghị các Hội đồng chấm thi bám vào đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chấm làm sao để không gây thiệt thòi cho học sinh trong trường hợp học sinh chỉ làm đúng 2/5 hoặc 3/5 câu hỏi; rút kinh nghiệm về cách chấm thi các năm trước. Đặc biệt, đối với môn ngữ văn việc chấm thi cũng rất đa dạng và mở rộng nên cuộc họp nhằm hướng dẫn chấm thi đối với các trường hợp học sinh có khả năng cảm thụ văn học, có tư duy sáng tạo nhưng vẫn đúng thì chấm như thế nào? Hoặc trường hợp học sinh chỉ nêu được một số ý trong câu hỏi thì chấm như thế nào? Ngoài việc bàn để thống nhất cách chấm thi bộ môn ngữ văn cuộc họp còn bàn về các đáp án của 3 môn tự luận khác là toán, sử, địa. Tất cả nội dung của cuộc họp chỉ nhằm cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt theo đáp án của Bộ, không đi ngoài đáp án Bộ cho phép.

Ông Ninh Thành Viên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, người trực tiếp tham dự cuộc họp trên cho biết: Khác với mọi năm, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức hội nghị hướng dẫn chấm thi toàn quốc nên Bộ cho phép các tỉnh ĐBSCL tổ chức cuộc họp trên cũng là điều hợp lý. Sở Giáo dục Kiên Giang dự họp theo lời mời của trưởng vùng trên cơ sở cuộc họp đã có sự đồng ý của Bộ chứ không phải là một cuộc họp tự phát để thỏa thuận riêng giữa các tỉnh. Nếu chỉ với tư cách cá nhân Sở Giáo dục Đồng Tháp mời họp thì chắc chắn Sở sẽ không tham dự. Cuộc họp diễn ra trên tinh thần bám sát cách chấm thi theo đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Biên bản hướng dẫn chấm thi mà cuộc họp đưa ra chỉ mang tính tham khảo, việc chấm thi vẫn theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục là chính.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang, ông Phạm Văn Khanh cho biết: Tỉnh Tiền Giang không được phân công chấm chéo trong khu vực ĐBSCL mà chấm chéo với TP HCM nên không tham gia vào cuộc họp này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các Sở Giáo dục ở các tỉnh ĐBSCL báo cáo về việc trên. Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh nếu thấy sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy chế. Đồng thời khẳng định, Bộ đã ban hành đáp án và biểu điểm trong toàn quốc không cho phép các Hội đồng chấm thi sử dụng các hướng dẫn chấm thi khác.

Kỳ thi tốt nghiệp năm nay được đánh giá là khá suôn sẻ khi tỷ lệ đậu cao, làm hài lòng cả giáo viên và học sinh. Đối với các tỉnh ĐBSCL, tình hình cũng tương tự, hầu hết các tỉnh đều có tỷ lệ đậu cao, trên 90% và vượt so với các năm trước. Kết quả đậu cao là điều đáng mừng nhưng cũng sẽ đáng lo ngại nếu điều đó không phản ánh được thực lực của học sinh mà chỉ thể hiện sự trầm trọng của bệnh thành tích trong ngành giáo dục.

Mai Phương