Xóa điểm đen đường ngang dân sinh

07:09 | 18/01/2018

411 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-7-2018, đến năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ đường ngang dân sinh tự phát qua đường sắt, đồng thời phân rõ trách nhiệm của địa phương có hàng nghìn điểm đen đường sắt.

Thời gian qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã rà soát, thống kê, phân loại đường ngang dân sinh, đồng thời triển khai nhiều giải pháp cụ thể, như: rào kín, xóa bỏ, cắm biển cảnh báo tại các đường ngang... nhưng tai nạn vẫn xảy ra.

xoa diem den duong ngang dan sinh
Một vụ tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội

“Để an toàn giao thông đường sắt được bảo đảm cần sự vào cuộc của các ngành, các địa phương và toàn xã hội. Luật Đường sắt 2005 quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý đường ngang dân sinh tự phát. Giữa Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương cũng có quy chế phối hợp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương trên thì quyết liệt chỉ đạo nhưng dưới chưa thực hiện” - ông Phạm Nguyễn Chiến (Trưởng ban An toàn giao thông Đường sắt -VNR) nói.

Để hạn chế các vụ tai nạn, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV VNR cho hay, giai đoạn 2017-2020, đường sắt cần đến 1.700 tỉ đồng để nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, nguyên nhân dẫn đến gần 4.300 đường ngang dân sinh tự phát là do quy hoạch, quản lý, chính quyền các cấp có tuyến đường sắt đi qua. Để xử lý thực trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017. Dự thảo quy định lộ trình thu hẹp, giảm, xóa bỏ các đường ngang dân sinh tự phát và bảo đảm lộ trình thực hiện theo giai đoạn.

Bên cạnh đó, UBND cấp huyện phải xác nhận hồ sơ vị trí nguy hiểm; chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan lập, quản lý những vị trí nguy hiểm; tổ chức giao thông, giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt; tổ chức thực hiện giảm, xóa bỏ những vị trí nguy hiểm. Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đến năm 2025 phải hoàn thành xóa bỏ toàn bộ các đường ngang dân sinh tự phát.

Theo VNR, hiện có gần 4.300 đường ngang dân sinh tự phát (chiếm 73,7% tổng số điểm giao cắt đồng mức đường bộ, đường sắt). Ngoài ra, còn có 14.171 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Đáng lưu ý, 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại đường ngang dân sinh tự phát.

Thiên Xuân