60% các vụ TNGT đường sắt xảy ra ở đường ngang dân sinh

15:47 | 14/08/2017

537 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hơn 4.000 đường ngang dân sinh tự phát, ý thức của người dân kém, chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt… là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt thời gian qua.

Hơn 4.000 đường ngang dân sinh tự phát

Báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tại Hội nghị sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 trong lĩnh vực đường sắt diễn ra vào chiều 10/8 cho thấy, hiện trên toàn quốc có 5.564 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (gọi tắt là đường ngang dân sinh). Trong đó, đường ngang dân sinh hợp pháp là 1.516 điểm, còn đường dân sinh tự phát là 4.048 điểm.

60 cac vu tngt duong sat xay ra o duong ngang dan sinh
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ phát biểu tại hội nghị.

Bình quân 1,8km đường sắt có một đường ngang. Mật độ điểm giao cắt khá cao, trong khi ý thức của người dân còn nhiều hạn chế nên tai nạn giao thông đường sắt vẫn luôn thường trực. Mặc dù ngành đường sắt đã rà soát, phân loại đường ngang dân sinh, đồng thời triển khai nhiều giải pháp cụ thể để xóa bỏ đường ngang dân sinh hoặc cắm biển cảnh báo, nhưng nhận thức của người dân vẫn chưa được như mong muốn.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67, Bộ Công an), tai nạn xảy ra tại đường ngang dân sinh hàng năm chiếm 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường sắt. Mặc dù tai nạn giao thông đường sắt không nhiều, nhưng lại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ thẳng thắn nhìn nhận, trên 4.000 đường ngang dân sinh tự phát là trách nhiệm từ vấn đề quy hoạch, quản lý, chính quyền các cấp có tuyến đường sắt đi qua.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đặt câu hỏi: Tại sao nhiều đường ngang tự phát như vậy mà chính quyền địa phương không có ý kiến gì? Có những vị trí tai nạn giao thông đường sắt xảy ra thường xuyên mà địa phương không hề có giải pháp ngăn chặn?

“Đói” kinh phí phục vụ công tác an toàn giao thông

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho hay, theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 có tổng kinh phí thực hiện là 26.358 tỉ đồng. Do không được bố trí kinh phí, các dự án công trình an toàn giao thông chưa được triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu tiến độ.

60 cac vu tngt duong sat xay ra o duong ngang dan sinh
Một điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ dân sinh tự phát.

Theo ông Vũ Anh Minh, giai đoạn 2017-2020, ngành đường sắt cần 1.700 tỉ đồng để có thể thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để xóa 2.000 đường ngang dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.

Nói về kinh phí phục vụ công tác an toàn giao thông đường sắt, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, các địa phương sẽ dùng một phần quỹ bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc, làm rào chắn tại các đường ngang. Ngoài ra, địa phương có thể giữ lại một phần nguồn thu từ xử phạt vi phạm giao thông phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Bên cạnh đó, VNR cần rà soát lại quy chế phối hợp với các địa phương, nhất là khi Luật Đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc