Việt Nam cần phải kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế

10:16 | 21/04/2016

3,835 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây Ban Dân nguyện của Quốc hội phát hành bản tập hợp ý kiến của cử tri cả nước gửi tới kỳ họp thứ 13, Quốc hội khóa XII. Một vấn đề đáng chú ý về lĩnh vực ngoại giao là cử tri thuộc 15 tỉnh, thành phố kiến nghị Nhà nước sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Cử tri bày tỏ  thái độ bất bình, bức xúc trước hàng loạt hành động quân sự hóa trên biển  Đông của Trung Quốc. Đặc biệt là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại một số điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam; tấn công các tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Gần đây nhất là việc một máy bay quân sự Y-8 của Hải quân Trung Quốc đã lần đầu  công khai hạ cánh xuống đường băng xây trái phép trên bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

viet nam can phai kien trung quoc ra toa an quoc te

Ý kiến của đông đảo cử tri kiến nghị với Đảng, Nhà nước, cần thận trọng hơn trong các chính sách   đối ngoại, cân nhắc khi hợp tác, ứng xử đối với một số quốc gia trong khu vực, nhất là với Trung Quốc. Đề nghị có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn, tranh thủ có hiệu quả sự giúp đỡ của bạn bè, dư luận quốc tế. Cần thận trọng, hạn chế  các chính sách thỏa hiệp để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc. Đề nghị thường xuyên thông tin kịp thời tình hình biển Đông, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền và bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Qua đó nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết nhất trí, quyết tâm giữ vững, bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những kiến nghị nêu trên của cử tri đã nhiều lần được gửi đến Quốc hội tại các kỳ họp trước và đã được Bộ ngoại giao hồi âm.Theo đó, Đảng và Nhà nước ta khẳng định, trước những hành động sai trái của phía Trung Quốc, Viêt Nam luôn kiên trì,  kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhằm tiếp tục pháp triển quan hệ với Trung Quốc và bảo đảm được chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Trong Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ nhận định,  diễn biến trên biển Đông còn căng thẳng, gay gắt,phức tạp hơn. Báo cáo của Chính phủ đánh giá đã bảo đảm chủ quyền quốc gia, song có một số đại biểu không đồng thuận với đánh giá này, thể hiện rõ trong ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai, đoàn Quảng Nam. Theo các đại biểu hàng loạt hành vi ngang ngược của Trung Quốc thời gian qua trên biển Đông, bất chấp phản ứng của dư luận quốc tế, không thể có từ nào khác hơn là  Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Ngoài các biện pháp đấu tranh ngoại giao, cử tri ở nhiều tỉnh khẩn thiết đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đàu tư, hỗ trợ đóng mới các hệ thống tàu thuyền cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, nhằm phục vụ tuần tra, không chỉ góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, mà còn bảo vệ ngư dân, để bà con yên tâm sản xuất, bám biển dài ngày.

Không phải đợi đến bây giờ, khi hoạt động quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc ngày càng trắng trợn và dày đặc, ngay từ ngày 5-12-2014 Bộ Ngoại giao Việt Nam  đã ra Tuyên bố gửi Tòa trọng tài Liên hợp quốc. Việt Nam bày tỏ thái độ dứt khoát ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hoà bình. Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích tại các vùng biển được xác định theo Công ước. Việt Nam mong rằng Tòa giải thích rõ và áp dụng ngay các quy định liên quan của Công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan. Việt Nam cũng đề nghị Toà đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời   sẽ xem xét các bước đi tiếp để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia. Thái độ của Việt Nam được dư luận quốc tế quan tâm theo dõi, trong đó Bộ Ngoại giao Philippines nhận định  “lập trường của Việt Nam rất có ích trong việc thúc đẩy pháp quyền và tìm kiếm giải pháp hòa bình, không bạo lực tại Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế”. Trước đó trong thông báo quan tâm (letter of interest) của mình gửi tới tòa Liên hợp quốc, Việt Nam thừa nhận Tòa Trọng tài có quyền hợp pháp trong vụ kiện do Philippines khởi xướng từ tháng 1-2013. Hai điểm quan trọng khác là Việt Nam đề nghị tòa quan tâm, đồng thời bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc.

Thái độ của chúng ta trước sau như một là, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ vững chắc lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những tiếng nói tâm huyết của cử tri cả nước  không chỉ thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, mà còn thể hiện ý chí sắt đá, quyết chiến đấu và chiến thắng,  không để mất một tấc đất, một sải biển thiêng liêng của cha ông bao đời gìn giữ.

 

Hải Hà