Viên đá mà biết nói năng!

06:56 | 17/08/2015

6,048 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ít có đô thị nào mà vỉa hè lại lộn xộn như Hà Nội. Khoan nói nhiều đến tình trạng mất trật tự công cộng do vỉa hè bị chiếm dụng, bị “bán” cho hàng quán, trông giữ xe máy mà chỉ nói về tình trạng đào bới, lát đi lát lại dù gạch block hãy còn tốt nguyên. Vỉa hè Hà Nội chưa bao giờ thân thiện với người khuyết tật và các bác thương binh di chuyển bằng xe lăn. Đã có những vụ sa hố, vấp rãnh, khiến các bác ngã bổ chửng.

Vỉa hè - thiên đường kinh doanh ngày nóng bức

Vỉa hè - thiên đường kinh doanh ngày nóng bức

Không mất tiền thuê mặt bằng kinh doanh, vốn ít... lại thoáng mát về đêm đã biến vỉa hè Hà Nội thành những thiên đường kinh doanh “hốt bạc” khi mùa hè đến.

Câu chuyện hè đường ở Hà Nội lại vừa được xới lên khi UBND quận Hoàn Kiếm xin được lát đá toàn bộ mặt đường 11 tuyến phố cổ được coi là phố đi bộ.

Theo đề xuất, những tuyến phố được lát đá mặt đường nằm trong khu bảo tồn cấp một, gồm: Tạ Hiện (đoạn còn lại từ ngã tư Hàng Bạc đến ngã tư Lương Ngọc Quyến và từ ngã ba ngõ Đào Duy Từ đến ngã ba Hàng Buồm); Hàng Đào; Hàng Ngang; Hàng Đường; Đồng Xuân; Hàng Giấy; Hàng Buồm; Mã Mây; Lương Ngọc Quyến; Hàng Giày; Đào Duy Từ. Dự kiến, từ 2015 đến 2016, các tuyến phố này sẽ được đổ bê tông nền đường, mặt đường lát bằng đá tự nhiên (có kích thước 10x10x10cm), nguồn vốn thực hiện từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm.

Viên đá mà biết nói năng!
Nhiều phố cổ ở quận Hoàn Kiếm sẽ được lát đá toàn bộ vỉa hè và mặt đường

Theo ông Phạm Tuấn Long - Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội thì dự án cải tạo phố Tạ Hiện với việc bảo tồn kiến trúc mặt đứng các công trình mặt phố, cải tạo hệ thống thoát nước, mặt đường được lát lại bằng đá tự nhiên đã đưa vào sử dụng từ ngày 11-11-2011 được quận Hoàn Kiếm đánh giá là “khu phố điển hình”, nơi đây tập trung đông nhất các nhà hàng và thu hút du khách đến với khu phố cổ Hà Nội.

Theo đó, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, di chuyển 200 hộ dân, trùng tu 20 di tích, cải tạo trụ sở, trường học, UBND, trạm y tế… và cải tạo hạ tầng kỹ thuật (dự kiến lát đá vỉa hè 75/79 phố), thải loại, sắp xếp đường dây 100% các phố trong khu phố cổ, đồng thời tiếp tục mở rộng không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội.

Dự án riêng của quận Hoàn Kiếm không công bố dự toán và không biết có “đụng hàng” với dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố đến năm 2020 của Sở Giao thông Vận tải thành phố.

Với việc bó vỉa và lát hè bằng đá xẻ cho 600 tuyến hè phố ở các khu phố cũ và khu vực hồ Hoàn Kiếm, Trung tâm chính trị Ba Đình sẽ được lát hè bằng đá hoặc gạch Terrazo. Và để làm được việc này, cần đầu tư chừng 1.800 tỉ đồng. Dự trù này cao hơn hẳn đề án quảng trường, tượng đài ở TP Sơn La vừa bị dư luận cho là không thích hợp với tỉnh còn 36.000 hộ nghèo ở 6 huyện nghèo nhất nước.

Giá như có một cuộc kiểm toán cho ra một thống kê nhân dịp 1.000 năm Thăng Long đã bao nhiêu tỉ đổ ra cho hè đường Hà Nội. Có ai đó nói rằng, tổng kinh phí cho việc lát hè đường Hà Nội đủ để lát cho vỉa hè vài thành phố lớn. Trên Sơn La, một dự án chưa ra đâu vào đâu mà người ta còn đưa ra con số 1.400 tỉ để dựng tượng Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc cùng một số công trình phụ trợ của quảng trường.

Một cán bộ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, không thể quyết toán bao nhiêu tiền của đã bỏ ra cho vỉa hè Hà Nội từ trước đến nay vì việc lát đi lát lại tiến hành quanh năm.

Có chuyên gia chống tham nhũng thở dài rằng, ghê nhất là các dự án cải tạo này, vì làm sao có định mức chính xác. Thất thoát là cái chắc và sẽ mất người mất của cho mà xem! Tuy vậy, việc lát đá “chào mừng” được tiến hành dù có nhiều ý kiến không đồng tình vì việc đầu tư này là quá lãng phí. Có ý kiến lo ngại việc đảm bảo an toàn cho người dân, bởi loại đá này có thể gây trơn trượt khi trời mưa.

Hồi năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, một chiến dịch xới tung vỉa hè ra lát lại, đá xanh lát quanh bờ hồ, khiến người dân ta thán vì lãng phí, vì tân trang mà xấu đi. Và nhân bảo như thần bảo, một năm sau đấy, bờ hồ lại xới lại vì bong tróc như răng bà lão.

Về việc lát đá mặt đường phố cổ, các chuyên gia kiến trúc cho là quá hiện đại so với vẻ cổ kính của phố cổ. Lát đá hè đường là việc làm của các nước phương Tây cả trăm năm nay vẫn tốt. Hà Nội ta xưa nay chủ yếu là lát gạch hoặc đổ bê tông. Nếu bắt chước họ, chúng ta sẽ biến phố cổ Hà Nội thành phố cổ châu Âu.

Việc dùng đá xẻ rất đắt, khi tình trạng đào lên lát lại ở Hà Nội xảy ra như cơm bữa sẽ rất lãng phí. Các chuyên giá lưu ý, tại Quyết định số 6398 của UBND TP Hà Nội năm 2013 có Điều 4 nêu rõ: Khu phố cổ là di tích lịch sử cấp quốc gia, có giá trị về cấu trúc, không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử. Chính vì thế, phải bảo tồn, tôn tạo các giá trị về cấu trúc không gian của khu phố cổ.

Như vậy, 11 tuyến phố UBND quận Hoàn Kiếm xin lát đá nằm trong khu vực bảo vệ, tôn tạo cấp I, nghĩa là phải giữ gìn hình ảnh và phong cách khu phố cổ truyền thống, bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị, các di tích lịch sử - văn hóa. Xem ra, việc lát đá mặt phố là vi phạm các quy định đối với di tích quốc gia.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đánh giá: “Đây không phải là câu chuyện nâng cấp, tu bổ, sửa chữa đường phố bình thường, mà là sự can thiệp một cách duy ý chí, suy nghĩ phiến diện, một chiều, chỉ thấy cái lợi trước mắt... sẽ làm mất đi giá trị của di tích. Theo tôi, cần phải rất thận trọng trong việc lát đá. Quan điểm của tôi là không nên “tạo” ra cái không có thật của di tích, vừa vô nghĩa vừa tốn kém".

PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng: “Nên căn cứ vào hiệu quả đợt thí điểm phố Tạ Hiện để trao đổi trước khi triển khai đại trà, vì dù sao cũng nên có kết luận cụ thể về mặt tích cực cả về thẩm mỹ, tính chất lịch sử của khu di sản và đặc biệt là lắng nghe sự phản hồi cũng như sự hài lòng của người dân đang sống trong khu phố cổ cùng du khách về việc này.

Điều đó thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với cộng đồng trong vai trò là chủ nhân đích thực của di sản. Các chuyên gia chất vấn vì sao không sử dụng gạch Bát Tràng để lát hè đường phố cổ? Với phố cổ Hà Nội, lát vỉa hè mặt phố cổ Hà Nội, gạch Bát Tràng là phù hợp nhất, gần gũi hơn cả với người Việt Nam".

Trong bối cảnh hiện nay, kinh phí vừa hạn chế lại vừa phải dành cho khoản chi khác nên cần phải cân nhắc. Đừng để vừa mất tiền, vừa mất đi sự cổ kính, mất đi giá trị không gian, tinh thần được phản ánh qua nhiều nét dạng của phố cổ Hà Nội. Như dân gian từng ví von, viên đá mà biết nói năng, liệu việc lát đá tràn lan sẽ ra sao nhỉ?

Bảo Dân

Năng lượng Mới 448