Tư duy mới về khoa cử

07:00 | 14/07/2016

366 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã qua hai kỳ thi thể hiện một cuộc cách mạng về thi cử. Kỳ thi “hai trong một” như trút đi gánh nặng mà gần một nửa thế kỷ qua, mấy thế hệ từng mang nặng trên vai. Nhà trường, gia đình và xã hội đều thở phào nhẹ nhõm khi không còn áp lực quá lớn về thi cử.

Bây giờ phụ huynh và học sinh không còn cảnh chen lấn tàu xe, ăn nhờ ở trọ và lo dành dụm từng đồng lẻ kéo nhau về thành phố đi thi. Giao thông hết cảnh ùn tắc vì người đi thi. Nhiều gia đình ở thành phố không còn biến thành nhà trọ bất đắc dĩ khi đón con cháu, người nhà từ các miền quê kéo lên tá túc dăm bảy ngày như trước.

tu duy moi ve khoa cu
Học sinh mầm non mặc áo cử nhân nhận bằng tốt nghiệp

Một tín hiệu đáng mừng nữa là năm nay, 1/3 số học sinh lớp 12 đã không đăng ký thi vào đại học để tìm hướng tốt nghiệp rồi đi học nghề. Đó là chuyển biến rất quan trọng để dần dần khắc phục được thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đến mức báo động lâu nay. Nó thay đổi về căn bản suy nghĩ lập thân, lập nghiệp bằng con đường đại học, bằng cấp.

Đã mấy chục năm ròng, cơn khát tấm bằng đại học đã len lỏi vào từng ngõ ngách, từng gia đình người dân cả nước. Gia đình nào cũng phấn đấu cho con em thi đỗ bằng được vào đại học. Học sinh nào học hết THPT cũng chỉ lao theo con đường khoa cử, làm sao chen chân vào được một trường đại học để kiếm lấy tấm bằng cử nhân. Rồi trào lưu “đại học hóa” như trăm hoa đua nở, địa phương nào cũng có vài ba trường đại học. Các trường trung cấp, cao đẳng đều tìm cách nâng cấp lên hệ đại học. Đến mức người dân ví những cử nhân đại học mới chỉ là tầng lớp được “xóa mù chữ”. Vì thế nên hậu quả của việc dư thừa hàng vạn thạc sĩ, tiến sĩ cũng từ cái tư duy bằng cấp mà ra.

Khi “Đại học hóa” tới độ bão hòa, nực cười là những thí sinh không thi đỗ (điểm rất thấp) mà có thể tới tấp nhận được mấy giấy báo nhập học của mấy trường đại học. Bởi trường đại học mở ra quá nhiều; một trường lại đẻ thêm ra nhiều khoa, nhiều ngành trùng lặp nhau nhưng không đủ sinh viên vào học. Đã đầu tư khoản kinh phí mở trường khổng lồ mà không chiêu sinh được thì trường sẽ thua lỗ nặng. Thế là “vơ bèo, vạt tép”, học sinh dốt cũng vẫn vào đại học, chuyện như đùa.

“Đại học hóa” đã đi ngược lại mục tiêu của giáo dục và đào tạo là hạ thấp tầng văn hóa và tri thức. Người dạy đã không đủ trình độ năng lực giảng dạy mà người học thì không đủ trình độ để tiếp thu kiến thức nên sản phẩm được đào tạo ra chỉ có cái vỏ mà không có ruột. Mang tiếng có bằng đại học, thạc sĩ nhưng không thể đảm đương được công việc chuyên môn theo ngành nghề đã được đào tạo. Chính vì thế mà bây giờ nhiều cử nhân rơi vào thảm cảnh phải bỏ bằng đại học để đi học nghề. Bởi những nơi tuyển chọn lao động đều cần người làm được việc ngay, làm việc cụ thể chứ không thể “cầm tay chỉ việc” mà vẫn ngu ngơ, chưa biết làm gì.

Đã mất một thời gian quá dài, cả xã hội bị cuốn vào vòng xoáy chạy đua học hành kiếm bằng cấp. Có tấm bằng đại học rồi chạy chọt lấy một vị trí làm công chức trong biên chế, rồi từ đó làm bàn đạp để tiến thân lên ông nọ, bà kia. Nghĩa là đi học để sau này ra làm quan. Cũng từ đó mới sinh ra một đội ngũ quan chức “cắp ô”, sáng đi, tối về. Người thực tài thì thất nghiệp, kẻ bất tài thì ngồi ghế lãnh đạo, “chỉ tay năm ngón”.

Trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đất nước rất cần một đội ngũ trí thức và các nhà khoa học đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế và xã hội. Song đó phải là đội ngũ trí thức thực sự có trình độ, năng lực chứ không phải đội ngũ với bằng cấp đầy mình nhưng vốn tri thức lại lơ mơ, vô dụng. Mà thực tế hiện nay, con số khổng lồ các giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ ở nước ta đang trở thành chuyện đàm tiếu của xã hội, bởi nhiều vị đã trở thành người vô dụng. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho mục tiêu và phương pháp đào tạo ở nước ta.

Hoan nghênh 1/3 số thí sinh năm nay chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT cùng với phụ huynh các em đã sớm nhận thức được hướng vào đời không chỉ duy nhất có con đường đại học. Họ sẽ theo học những ngành nghề cụ thể, thiết thực phục vụ ở nhiều lĩnh vực trong xã hội. Họ sẽ trưởng thành từ thực tiễn sinh động trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Đó là hướng đi vững chắc, đáng khích lệ. Hàng vạn gia đình nghèo đỡ phải oằn lưng nuôi con em theo học đại học và lo tiền chạy việc. Và ngay cả những thí sinh đã đăng ký thi đại học vừa qua, nếu không đủ điểm vào đại học, hãy nhanh chóng chuyển hướng sang học nghề, chớ “dùi mài kinh sử’ một vài năm nữa để cố chen chân vào đại học.

Nhiều người nổi tiếng thành đạt không qua con đường khoa cử bằng cấp ở trong và ngoài nước là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập. Họ là bằng chứng sinh động về con đường lập thân không chỉ bằng con đường đại học. Vì vậy, thế hệ trẻ hôm nay có rất nhiều con đường lập nghiệp và tiến thân khác.

Hy vọng rằng, từ nay về sau, ngành giáo dục đào tạo tiếp tục hoàn chỉnh phương thức thi cử “hai trong một” như hai năm nay để xóa đi lối mòn thi cử với bao phiền toái, tốn kém và những hệ lụy xấu trong xã hội. Và điều đó cũng tạo tiền đề cho một tư duy mới của cả học sinh lẫn phụ huynh đối với vấn đề khoa cử.

Bùi Đức

Năng lượng Mới 538