Trung Quốc đối mặt với cái chết từ từ?

14:00 | 07/10/2015

7,883 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay khi TPP được thông qua, phản ứng từ chính quyền Bắc Kinh rất cầm chừng nhưng những người dân và giới chuyên gia Trung Quốc lại rất bức xúc và cho rằng lãnh đạo của họ tự giam cầm mình để rồi tiến đến một cái chết từ từ.
tin nhap 20151007131459

Một thế kỷ mới cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương; một hiệp định lịch sử sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho những công ăn việc làm lương cao, tăng cường sáng tạo, năng suất và sức cạnh tranh; nâng cao tiêu chuẩn sinh hoạt, giảm thiểu nghèo túng và thúc đẩy cho sự minh bạch... Đó là những từ mà nguyên thủ các quốc gia TPP nhắc đến như Thủ tướng Nhật Abe hay Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull. Chúng được truyền thông quốc tế nhắc đi nhắc lại suốt mấy ngày qua, tới mức khiến người dân Trung Quốc cảm thấy sốt ruột.

Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, cũng là một nước ven Thái Bình Dương, nhưng lại không tham gia TPP, vì xem đấy là một công cụ của Mỹ, đã có phản ứng rất thận trọng. Sau khi được tin hiệp định TPP đã được thông qua, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ nói vắn tắt là Bắc Kinh luôn “mở cửa chào đón bất kỳ cơ chế nào” có khả năng “tăng cường sự hội nhập kinh tế của khu vực châu Á Thái Bình Dương”.

Nhưng người dân Trung Quốc thì lại thấy tiếc nuối một cơ hội tốt đẹp trong TPP. Một bài viết của Hoàn Cầu thời báo ra hôm qua nói về thỏa thuận TPP mang tựa đề là "Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia khác thiết lập một khối kinh tế khổng lố để đối đầu với Trung Quốc".

Một bài viết khác của hãng Tân Hoa Xã lập luận rằng cánh cửa mở vào TPP không thể đóng lại với Trung Quốc mãi mãi. Bài báo trích dẫn lời nhà khoa học chính trị nổi tiếng Dương Hy Vũ nói rằng mặc dù TPP xuất hiện ngay ở ngưỡng cửa của Trung Quốc và để Trung Quốc đứng ngoài, sự kiện này chỉ mang tính cách tạm thời.

​Ông Dương nói: "Về lâu về dài, nếu nhắm mục tiêu tiếp tục sự phát triển, thì chắc chắn cơ quan này sẽ mở cửa cho Trung Quốc".

Những nơi mà một số người nhìn thấy Trung Quốc bị gạt ra ngoài, thì những người khác lại nói chính Bắc Kinh đã tự đóng cửa lại.

Một nhà bình luận ở tỉnh Quảng Đông miền nam Trung Quốc nói: "Các quốc gia gia nhập TPP có các hệ thống chính trị đã cam kết tôn trọng nhân quyền, dân chủ, pháp trị, và các giá trị phổ cập… Bạn có nghĩ rằng Trung Quốc có thể đưa ra một lời cam kết như thế?"

Trên trang mạng xã hội Weibo, một người khác nêu ra điểm Trung Quốc dựng lại quá nhiều rào cản, như qota định cho các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, khiến Trung Quốc không có cách nào tham gia được.

Bài báo đăng nêu câu hỏi: "Làm thể nào các nước khác có thể cạnh tranh với Trung Quốc bởi vì họ không thể làm cách gì khác là chờ đợi bạn đổ những sản phẩm rẻ tiền ồ ạt vào họ, những sản phẩm được chế tạo ở các nhà máy bóc lột sức lao động? Trung Quốc không chịu nhượng bộ chút nào. Không ai có thể bị quy trách về sự tự cô lập của Trung Quốc".

Nhiều người lo ngại về tác động mà việc thiếu sự tham gia của Trung Quốc có thể gây ra, với một lời cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đối mặt với "một cái chết từ từ trước mắt nếu không tham gia TPP".

Những người khác gợi ý rằng thỏa thuận có tác dụng như một lời cảnh báo xấu rằng đây là khởi đầu cho sự kết thúc của Trung Quốc trong tư cách là cơ xưởng của thế giới. Một số người cho rằng thỏa thuận có thể thúc nhanh thêm việc dời chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Một người thậm chí cho trích dẫn một câu nói được nhiều người ưa chuộng trong chương trình truyền hình “Game of Thrones” cảnh báo rằng “mùa đông sắp đến” đối với nền kinh tế lớn hàng thứ nhì trên thế giới.

Một số người nói áp lực mà TPP sẽ đè lên Trung Quốc thực ra là một điều tốt, và lập luận rằng nó có thể thúc đẩy chính phủ Trung Quốc cải thiện thành tích nhân quyền và sự minh bạch trong quản trị của họ.

Một bài viết nói: "Hãy nghĩ về những điều hay mà WTO đã làm đối với Trung Quốc để tự cải thiện".

Ông Chung Vĩ Luân, một giảng viên kỳ cựu tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Sách lược ở Singapore, nói thỏa thuận khiến cho Trung Quốc không còn mấy chọn lựa ngoài việc thúc đẩy các cải cách khá ráo riết.

Ông Chung nói: "Trung Quốc sẽ phải đưa ra một số quyết định đau lòng về những gì phải làm để nới lỏng hay thiết lập những cải cách trong một số khu vực được đòi hỏi để có thể được phép vào TPP”.

Theo ông, liệu Trung Quốc có thể làm điều đó hay không thì là điều kém chắc chắn hơn.

Đối thủ của Trung Quốc là Nhật Bản đã không ngần ngại gợi ý với Trung Quốc là hãy cố cải thiện luật lệ để có thể tham gia vào khối TPP. Theo Thủ tướng Abe: “Nếu trong tương lai Trung Quốc tham gia vào TPP, điều đó sẽ góp phần đảm bảo an ninh cho Nhật Bản và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Trong một tuyên bố mang tính “xã giao” hôm qua, Tổng thống Barack Obama nói Trung Quốc sẽ được đón nhận để trở thành một đối tác của TPP bất cứ khi nào họ nghĩ rằng đã tới lúc thích hợp để làm như vậy.

Nh.Thạch

Năng lượng Mới (Theo AP, Reuters, ABC News)