Trả lại giá trị đích thực của lễ hội

07:06 | 28/02/2018

344 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau nhiều năm lúng túng trong khâu tổ chức và quản lý, các cơ quan quản lý đã “mạnh tay” hơn trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các sự cố phản cảm, bạo lực trong lễ hội, nhằm đem lại một mùa lễ hội năm 2018 văn minh, an toàn, tiết kiệm, giàu ý nghĩa.

Khó mấy cũng phải làm

Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm Mậu Tuất, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo về thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018, yêu cầu Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã… phân công cán bộ trực tiếp theo dõi diễn biến trong lễ hội trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội, đặc biệt với lễ hội lớn nhằm khắc phục hạn chế, xóa bỏ nạn đeo bám, chèo kéo khách…

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 vào tháng 2-2018, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Tô Văn Động cho rằng, cái khó của quản lý lễ hội cơ bản nằm ở vấn đề nhận thức. Công tác thanh, kiểm tra cũng đôi khi còn mang tính hình thức, thiếu quyết liệt. Thậm chí trưởng đoàn thanh tra mà chức vụ thấp thì bị coi thường, không chỉ đạo được người chủ trì tổ chức lễ hội.

Đề cập tới những khó khăn trong quản lý lễ hội đền Trần, đại diện Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định cho rằng, lượng khách đổ về lễ hội quá đông, trong khi cơ sở hạ tầng còn chật hẹp nên không thể đáp ứng, từ đó tạo nên hình ảnh phản cảm như ném tiền lên kiệu ấn, cướp lộc trên ban thờ, chen lấn, xô đẩy khi bắt đầu khai ấn...

tra lai gia tri dich thuc cua le hoi
Sư thầy Thích Đạo Trụ tung lộc ngày khai hội Chùa Hương năm 2017

Ngày 16-1-2018, Bộ VH-TT&DL đã có Công văn số 5635/BVHTTDL-VHCS gửi Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc “Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 và tết Nguyên đán Mậu Tuất”.

Theo đó, Bộ VH-TT&DL đề nghị các địa phương không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống.

Cũng tại văn bản này, Bộ VH-TT&DL đề nghị các địa phương xây dựng phương án đảm bảo trật tự, an ninh, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi tham gia hoạt động lễ hội; tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại các di tích.

Trước mùa lễ hội 2018, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm túc công tác phân công, phân cấp quản lý bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tham gia lễ hội. Đồng thời, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cũng nhấn mạnh, phải kiên quyết xử lý những bất cập để mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh. Với những lễ hội lớn, còn tồn tại những hiện tượng phản cảm như lễ hội đền Trần - Nam Định, ban tổ chức phải có biện pháp xử lý dứt điểm.

Lễ ra lễ, hội ra hội

Nhằm đảm bảo mùa lễ hội 2018 được diễn ra an toàn, văn minh, ban tổ chức tại các địa phương đã có nhiều biện pháp mạnh tay, nhằm đảm bảo ý nghĩa đích thực của lễ hội đầu xuân. Đối với lễ hội chùa Hương, về cơ bản công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Suối Yến đã được nạo vét, khơi thông dòng chảy; hạ tầng giao thông từ thị trấn Đại Nghĩa xuống khu vực chùa Hương được mở rộng gấp đôi, góp phần hạn chế ùn tắc cục bộ. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng miễn phí được sửa chữa, bổ sung và thay mới; người dân trong khu vực diễn ra lễ hội được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng làm du lịch… Đặc biệt, để không tái diễn hiện tượng chen lấn, tranh cướp lộc, Ban Tổ chức đã họp với Ban Trị sự chùa Hương, đề nghị không phát lộc tại lễ hội.

Với quyết tâm đẩy lùi bạo lực, hành vi phản cảm, ban tổ chức lễ hội đền Sóc năm 2018 đã quyết định đẩy sớm thời gian hành lễ cũng như thay đổi hình thức rước lễ. Cụ thể, phần lễ sẽ tiến hành từ 6h45’ và không rước lộc qua đền Thượng, đền Hạ, đền Mẫu như các năm trước.

Còn đối với lễ hội chùa Thầy, dù còn khoảng 2 tháng mới diễn ra lễ hội, song ban tổ chức đã bắt đầu lên phương án chuẩn bị. Cụ thể, ban tổ chức đã khôi phục nghi thức tế lễ của các thôn trong xã, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tạo điểm nhấn cho phần hội; lập kế hoạch phân luồng giao thông; lắp đặt nhà vệ sinh công cộng, duy trì mạng wifi miễn phí; quản lý trật tự hàng quán; lập biển chỉ dẫn các điểm tham quan cũng như lên phương án ngăn chặn triệt để tình trạng đeo bám, làm phiền du khách…

Lễ hội Đống Đa cũng đã được lên kịch bản sớm, từ việc phân luồng giao thông, chuẩn bị bãi đỗ xe đến giám sát, ngăn chặn việc bán hàng rong, tổ chức cờ bạc trá hình, bói toán...

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng đã có sự điều chỉnh về điều chỉnh quy mô, quy trình tổ chức cho phù hợp với lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ hội theo hướng: giảm số lượng trâu chọi (mỗi phường chỉ có một cặp trâu tham gia chọi), không tổ chức vòng đấu loại, thay vào đó, chỉ tổ chức một vòng chọi vào ngày chính hội. Trong mùa lễ hội 2018, ban tổ chức lễ hội Lim (Bắc Ninh) cũng đề nghị các liền anh, liền chị không chủ động “ngả nón xin tiền,” đồng thời, tại các lán hát, chỉ tổ chức hát giao lưu quan họ, nghiêm cấm hát nhạc mới và các loại hình âm nhạc truyền thống khác.

Từ bao đời nay, lễ hội đã trở thành một nghi thức không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều lễ hội đã bị biến tướng, xuất hiện những hình ảnh phản cảm, làm mai một đi ý nghĩa của hoạt động truyền thống tốt đẹp này. Với sự kiên quyết, chung tay của các cơ quan quản lý, sự đồng thuận của người dân, hy vọng lễ hội Xuân Mậu Tuất 2018 sẽ có thêm những gam màu tươi sáng.

Bộ VH-TT&DL đề nghị các địa phương xây dựng phương án đảm bảo trật tự, an ninh, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi tham gia hoạt động lễ hội; tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại các di tích.

K.An