Hệ thống y tế tư nhân

Tồn tại trong... bất bình đẳng

21:15 | 09/12/2017

172 lượt xem
|
Mặc dù đóng góp rất lớn vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thế nhưng bệnh viện (BV) tư nhân lại chịu sự phân biệt đối xử từ chính các quy định của Nhà nước. Buổi tọa đàm “Kiến tạo môi trường cho y tế tư nhân phát triển, nhìn từ chính sách” vừa được tổ chức mới đây đã làm rõ vấn đề này.

Bất bình đẳng phân hạng

Khá thẳng thắn, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam nói: “Đang có một sự bất bình đẳng trong xây dựng và triển khai chính sách y tế đối với hệ thống y tế tư nhân. Bởi giữa BV tư nhân và công lập có một khái niệm vô tình trở thành “ranh giới” chính là cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị. Còn cơ sở khám chữa bệnh tư nhân là doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực y tế”. Từ quan niệm này, theo ông Đệ, đã dẫn đến hàng loạt sự bất bình đẳng về đầu tư, đào tạo, hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

ton tai trong bat binh dang
Vinmec là một trong những BV tư nhân đầu tư trang thiết bị hiện đại nhất

Một trong những minh chứng rõ nhất cho sự bất bình đẳng này chính là việc phân tuyến, phân hạng BV được quy định trong Thông tư của Bộ Y tế từ năm 2013 chỉ có đối với cơ sở y tế công lập. Trong khi cơ sở y tế ngoài công lập không nằm trong danh sách này. Đến khi có sự điều chỉnh thì Bộ Y tế vẫn không xóa được sự phân biệt giữa BV công và BV tư, vì đối với hệ thống BV công lập hạng 1;2 vẫn được xếp là tuyến huyện, trong khi BV tư nhân, nếu thuộc hạng 2 thì lên tuyến tỉnh và không được khám chữa bệnh bằng BHYT. Như vậy, cùng là BV đa khoa hạng 1;2 nhưng nếu là cơ sở y tế công lập thì vẫn được thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, là BV đa khoa tư nhân thì không được.

Dẫn chứng thêm cho sự phân biệt đối xử này, Chủ tịch HĐQT BV Đa khoa Trung ương Hùng Vương (Phú Thọ) Phạm Văn Học cho rằng, Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều cơ chế, chính sách cho y tế tư nhân phát triển nhưng chưa đủ mạnh để họ thực sự phát triển. Ví như y tế tư nhân ở các nước phát triển tới mức chiếm 20-30% như ở các quốc gia châu Mỹ Latinh, 24% ở Thái Lan, 93% ở Ấn Độ, nhưng ở Việt Nam chỉ có 5,4%, quá thấp so với nhu cầu của xã hội. Cụ thể ở Phú Thọ chỉ duy nhất có một BV tư nhân; ở Tuyên Quang còn không có BV tư nhân nào. Theo Luật Khám chữa bệnh năm 2009, hệ thống khám chữa bệnh chia làm 4 hạng để tính suất đầu tư, cơ cấu bộ máy: Tuyến xã, huyện, thành phố, Trung ương… Tuy nhiên, hiện có nhiều BV tư nhân không biết ở hạng nào.

Bất bình đẳng trong đào tạo

Các lĩnh vực khác trong khám chữa bệnh, bà Nguyễn Thị Quang Hiền, Phó chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân cũng cho rằng, có tồn tại không ít sự phân biệt đối xử như: về đào tạo, chính sách của ngành y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh, có nhiều chương trình (đào tạo lại, đào tạo có kinh phí của Nhà nước) cơ sở công lập thì được tham gia, nhưng cơ sở ngoài công lập thì không được tham gia. Về sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, thực tế nhiều tổ chức muốn hỗ trợ cơ sở vật chất cho các BV tư nhân, nhưng không có cơ chế để BV tư nhân được nhận, trong khi các cơ sở của Nhà nước có cơ chế để nhận được đầu tư hỗ trợ này.

Bà Ngô Minh Chiến, chủ Phòng khám Đa khoa Tâm Đức, Bình Phước cũng cho rằng, hiện các cơ sở y tế tư nhân gặp rất nhiều khó khăn khi không được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) tạm ứng đồng thời cũng tự ý cắt hợp đồng đối với các cơ sở y tế tư nhân, không tuân thủ đúng quy định mà không có sự báo trước theo đúng luật. Bà Chiến nói: “Trong hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các cơ sở y tế tư nhân, cơ quan BHXH đã tự ý thêm bớt các điều khoản phụ lục hợp đồng của Thông tư 41 gây bất lợi cho cơ sở y tế tư nhân, dẫn đến cơ quan này tự ý dừng hợp đồng khám chữa bệnh của rất nhiều cơ sở y tế tư nhân. Trong khi chưa có cơ sở Nhà nước nào bị dừng hợp đồng. Đây là điều bất bình đẳng. Cơ quan BHXH căn cứ vào đâu để đưa ra các quy định như vậy?”. Không phủ nhận sự khó khăn của hệ thống y tế tư nhân, bà Phan Thị Hải, Phó trưởng phòng Quản lý hành nghề Khám chữa bệnh, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã chia sẻ với tinh thần rất cảm thông rằng, các cơ sở y tế tư nhân rất nỗ lực để tồn tại và phát triển mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, bất cập. Bà đề xuất giải pháp: “Những kiến nghị về phân hạng, đào tạo, các cơ sở y tế có thể gửi văn bản trực tiếp lên Bộ Y tế và các cấp cao hơn để kiến nghị. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ và phối hợp với Hiệp hội Y tế tư nhân nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân một cách tốt hơn để phát triển hơn”.

Ở góc độ khác, ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cũng rằng, việc phát triển cơ sở y tế tư nhân khó khăn hơn rất nhiều không chỉ về vốn mà còn nhiều vấn đề khác, trong đó có việc thực hiện BHYT. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, phần lớn các cơ sở ngoài công lập chưa nắm chắc về chính sách, luật pháp. Vì vậy, để phát triển tốt hơn, các cơ sở y tế tư nhân cần bám sát văn bản pháp luật và trong quá trình thực hiện nếu vướng mắc thì có thể đề đạt lên Hiệp hội Y tế tư nhân. Chúng ta không nên vì một vài hiện tượng làm ảnh hưởng cả một nền y tế tư nhân đang phát triển.

Trưởng phòng khám đa khoa Lương Điền, Thanh Hóa Trương Thị Màu: “Thực tế, trạm y tế ngay bên cạnh phòng khám chúng tôi, điều kiện cơ sở vật chất không bằng, thiết bị cung cấp ô xy để thở nhiều khi không có còn phải chạy sang mượn, nhưng thời gian điều trị cấp cứu lưu trú lại được lâu hơn phòng khám đa khoa tư nhân. Nếu xét về thực lực, chắc chắn phòng khám đa khoa tư nhân sẽ hơn hẳn trạm y tế, nhưng cơ chế, chính sách để hoạt động đôi khi lại không bằng trạm y tế”.

Nguyễn Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc