Thế là tàn giấc mơ… vàng?

07:00 | 05/09/2014

2,479 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kết quả thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội – TP HCM qua Lào, Campuchia đã được Cục Hàng không công bố. Trong tất cả các điều kiện tối ưu về độ cao, thời tiết, sức gió… thì với máy bay Airbus 321 tiết kiệm được 190kg dầu và 5 phút bay?

Đây đúng là  con số tiết kiệm được  quá nghèo nàn và có lẽ không đủ sức hấp dẫn các hãng hàng không chuyển từ đường bay “ngoằn ngoèo hình chữ S”, sang đường bay thẳng, kể cả Vietjet Air – một hãng hàng không tư nhân.

Trong điều kiện mọi thứ “tối ưu” mà còn chỉ tiết kiệm rất ít, vậy nếu Lào, Campuchia bắt phải bay ở độ cao dưới 10 ngàn mét thì sẽ ra sao? Tất nhiên là tiêu thụ dầu tốn thêm gần một tấn, và đó là chưa kể máy bay sẽ không ổn định vì nhiễu động không khí… Mà việc Lào, Campuchia bắt ta phải bay thấp hơn là hoàn toàn có thể, bởi vì nếu cho ta bay ở độ cao tối ưu, thì sẽ cắt ngang đường rất nhiều chuyến bay quốc tế khác, gây “nhức đầu, rối mắt” cho kiểm soát không lưu của họ.

Kiếm được vài trăm USD một chuyến bay của Việt Nam, nhưng phải lo sắp xếp cho máy bay tránh nhau tại các “giao lộ” trên trời, với tần suất dày đặc thì có lẽ “thà ăn ít mà không phải lo ngay ngáy” vẫn hơn.

Thế là tàn giấc mơ … vàng?

Cũng có thể lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải sẽ cho nghiên cứu thêm… nhưng nếu không có gì khá hơn, chắc cũng đành “khép lại giấc mơ vàng” thôi.

Việc này, sẽ khiến có người thất vọng, vì đã làm mất đi cái cơ hội để tên tuổi họ “lưu danh …thiên giới” vì “nghĩ ra đường bay vàng” này. Và cũng thật xấu hổ cho cái thói háo danh của người Việt ta. Chuyện mở đường bay chưa xong, chưa thử nghiệm và chỉ căn cứ trên mấy cái dòng kẻ trên bản đồ, mà đã tưởng “ngon ăn”, thế là vội vã “tranh công”, đấu khẩu về “bản quyền đường bay vàng”.

Rồi chưa hết, lại còn có cái ông Trần Đình Bá, chẳng hiểu là nhà khoa học cái kiểu gì, loại gì, kiến thức ra sao, mà dám huyênh hoang nói rằng thử nhiệm bằng buồng lái điện tử (SIM) là quá tốn kém và đề xuất là “thử nghiệm trên sa bàn” hoặc dùng… ô tô thay cho máy bay?

Gần đây, ở nước ta, dưới cái mũ “phản biện”, không ít người cậy có một chút học hàm, học vị, hoặc có tý chức quyền, (hoặc đã có chức quyền mà nay đã rời vũ đài chính trị) hay lên tiếng phán xét, phê phán một cách tùy tiện về nhiều việc. Từ chuyện làm ăn kinh tế, chuyện thực hiện dự án nọ, dự án kia, chuyện chính sách, chế độ, chủ trương v.v…

Điều đáng tiếc là không ít ý kiến phản biện lại xuất phát từ sự kém hiểu biết, thiếu thông tin và có khi còn xuất phát từ động cơ cá nhân; thậm chí mượn phản biện để “chửi cho sướng miệng”. Có nhiều vị khi đang đương chức, đương quyền thì công việc làm chả ra gì, nhưng khi về hưu, thế là bắt đầu cao giọng phán xét, chê bai…

Mà nếu những ý kiến của họ không được “nghiêm cứu, xem xét” một cách nghiêm túc (như kiểu đường bay vàng), thì khổ cho lãnh đạo lại bị mang tiếng là “không biết… lắng nghe” rồi “thiếu tinh thần… cầu thị”. Còn nếu cứ lo chạy theo để giải thích thì cũng quá khổ (nhất là phải lo giải thích với người… không biết, nhưng luôn nghĩ mình đúng).

Vụ “đường bay vàng” hay vụ “bô-xit Tây Nguyên" là những ví dụ điển hình cho cái gọi “sáng kiến”; “phản biện”.

Thành thật chia buồn với những ai bị “tàn giấc… mơ vàng”

Nguyễn Như Phong