Thầy quan họ ở Hà Nội

11:06 | 24/12/2014

1,898 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghe ông hát trong buổi gặp mặt ở Hà Nội không ai nghĩ đó là chất giọng của người ở tuổi gần thấp thập cổ lai hy, bởi giọng hát vẫn căng nẩy nuột nà, tiếng đàn tứ réo rắt đẩy đưa tình tứ theo các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh. Ông là Nghệ nhân Lê Huy Cần, người đã thổi hồn dân ca quan họ Bắc Ninh bay xa.

Năng lượng Mới số 385

Sinh tại cái nôi của dân ca quan họ, nên tình yêu quan họ như mạch nguồn chảy trong huyết quản của cậu bé Lê Huy Cần. 16 tuổi - Cần đã là liền anh trong các chiếu quan họ của làng quan họ cổ thuộc tỉnh Hà Bắc cũ, nay là Bắc Giang, Bắc Ninh. Những năm 60-70 của thế kỷ trước, cuộc sống nhiều khó khăn nên nghề chơi quan họ ở làng Kinh Bắc không rộn ràng như xưa. Cả vùng chỉ còn một vài nhóm quan họ ở làng Diềm với làng Bịu giữ tục kết chạ và họa chăng mới có đôi ba làn điệu quan họ được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Các tập tục sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội ở nhiều xóm làng quan họ cứ chìm dần vào quên lãng, lớp nghệ nhân ngày càng vơi cạn, trong khi thiếu người kế cận, nghề chơi quan họ có nguy cơ bị đứt mạch. 

Nghệ nhân Lê Huy Cần

Ông Lê Hồng Dương (người làng Đọ Xá - một làng quan họ gốc), từng là Trưởng ty Văn hóa đề nghị tỉnh khôi phục lại văn hóa quan họ. Nhận được sự đồng thuận của các cấp chính quyền, bọn quan họ của các làng quan họ cổ dần được hồi sinh. Cậu thanh niên Lê Huy Cần may mắn đã lớn lên cùng phong trào khôi phục lại văn hóa quan họ trong quần chúng ở các làng quan họ gốc. Có 20 làng quan họ hưởng ứng, tổ chức thành công các canh hát trong nội bộ thôn xóm. Từ tình yêu quan họ được dung dưỡng nơi các canh chiếu hát ấy, cậu Cần đã nuôi hoài bão đem văn hóa quan họ đi xa hơn canh chiếu quan họ quê nhà.

Nhưng vì  mưu sinh, chàng thanh niên tạm gác giấc mơ của mình để vào làm tại Xí nghiệp Cơ khí xe đạp Thành Bắc, tỉnh Bắc Ninh. Thời gian càng trôi, tình yêu quan họ trong Lê Huy Cần càng lớn nên năm 1993 ông xin nghỉ việc để về tham gia hoạt động  văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Năm 1998, ông khởi xướng thành lập Câu lạc bộ (CLB) Quan họ tỉnh với vai trò Chủ nhiệm CLB.

  Không quản ngại, vất vả, ông đến nhiều làng như Hòa Đình, Yên Mẫn, Niềm Xá, Vệ An, Đặng Xá, Đại Lâm, để giúp xây dựng phong trào hát quan họ. Từ cái nôi ấy nhiều liền anh, liền chị đã giành giải cao trong các kỳ thi hát quan họ Bắc Ninh. Cái tài, cái tâm của ông như làn gió lan xa, tên tuổi của ông ngày càng được nhiều người biết. Ông thường xuyên được Đài Tiếng nói Việt Nam mời thu thanh nhiều bài quan họ để lên sóng phục vụ thính giả cả nước. Năm 2001, ông được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam mời sang giúp Trung tâm Bảo tồn phát triển văn hóa Bắc Bộ. Tại đây, ông được giao làm Chủ nhiệm CLB Dân gian với chức năng nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các loại hình dân ca quan họ. CLB lúc đó khoảng 10 hội viên, qua 1 năm hoạt động số hội viên ngày càng tăng. Lúc này ông ngộ ra rằng, người yêu các làn điệu quan họ không chỉ có người Kinh Bắc, mà tại mảnh đất nghìn năm văn hiến Hà Thành người ta cũng yêu lắm, say lắm những ca từ, làn điệu nhấn nhá, mà ẩn chứa bao tình cảm của các liền anh, liền chị. Ông tự nhủ: “Đây cũng là mảnh đất để truyền dạy, quảng bá, bảo tồn báu vật quốc gia giàu bản sắc dân tộc như dân ca quan họ Bắc Ninh”. Nghĩ là làm, ban đầu vẫn sống tại Bắc Ninh, ngày ngày ông phóng xe về Hà Nội để thành lập các CLB dân ca. Số CLB ngày càng nhiều, ông ở lại hẳn Hà Nội dồn toàn bộ tâm huyết của mình cho công việc. Đã 12 năm nay, không kể nắng hay mưa, mùa hè nóng rát mặt hay đông tê tái, với chiếc xe máy cũ và cây đàn trên vai ngày nào ông cũng đi truyền dạy dân ca quan họ Bắc Ninh cho 20 câu lạc bộ trên đất Hà Thành, như CLB Trúc xinh (Cầu Diễn ), CLB Khúc hát dân ca (Từ Liêm), CLB Dân ca Tây Hồ (quận Tây Hồ), CLB Ngôi sao xanh (Nhân Mỹ, Mỹ Đình)... trong đó có 2 CLB do ông làm chủ nhiệm là CLB Dân gian thuộc Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam và CLB Cổ truyền thuộc Cung văn hóa Hữu nghị. Số lượng hội viên từ 30 đến 90 học viên với nhiều lứa tuổi, người trẻ nhất 18, già nhất 80. Đây quả thật sân chơi bổ ích cho ai đã đem lòng yêu những làn điệu quan họ.

Ca nương Đào Thị Thoa - Hội viên CLB Ngôi Sao Xanh do thầy Cần truyền dạy nói: “Mới đầu chỉ tham gia CLB theo chúng bạn, nhưng được nghe thầy hát, đàn và dạy các bài dân ca quan họ cổ, các làn điệu, ca từ của bài hát ngấm vào máu mình lúc nào không hay. Đến nỗi có thể hát bất cứ đâu, bất cứ nơi nào. Chị xem có cái gì tình tứ, kín đáo mà hay đến thế, cứ nhấn nhá những từ  “i, ơ, hứ, hự hừ hư...”. Rồi cách bày tỏ lòng hiếu khách như: “Khách đến chơi nhà, đốt than dẫu vậy mà quạt nước ấy pha trà mời nhau...”, hay tỏ tình rất quan họ “yêu nhau đứng ở đằng xa, con mắt liếc lại bằng ba đứng gần, em còn duyên anh vẫn còn duyên…”.

Sinh hoạt hát quan họ ở Đội Văn nghệ Nhân Mỹ, Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Quả thực đến câu lạc bộ dân ca quan họ, ở bất cứ đâu trên đất Hà Thành do thầy Cần dạy ta đều bắt gặp các chị, các anh say sưa hát, hát để hòa với nhau trong các bài đối đáp giao duyên… hát để quên đi những áp lực của cuộc sống mưu sinh hằng ngày, quên đi phiền muộn, quên đi bệnh tật, tuổi già, quên đi khoảng cách tuổi tác, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, chỉ có tiếng hát, niềm vui... Mỗi tuần 1 buổi đều đặn, các hội viên gặp nhau cùng thầy Cần  học các bài hát mới, những làn điệu mới của quan họ cổ. Càng hát, càng ngấm, càng say, cứ thế các làn điệu quan họ về đến tổ văn nghệ các nơi dân cư đang sinh sống. Và chính họ là những người đã, đang tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia một cách hữu hiệu, trong Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù giai đoạn 2013-2020” 65 tỉ đồng của Nhà nước.

Dân ca đa số là trữ tình, song ở quan họ cái trữ tình sao tha thiết, trong sáng lành mạnh. Tâm hồn của người hát quan họ tế nhị, độc đáo. Quan họ chủ yếu là hát đối, cách đổ nhạc làm chất nhạc được tươi mới, ngưng đọng, sáng tạo không ngừng qua nhiều thế hệ, tạo nên một bức tranh bất hủ về âm thanh, âm nhạc quan họ vừa mang tính dặt dìu nội tâm sâu sắc, vừa thoáng rộng lan tỏa trong không gian mênh mông của đất trời, vừa giữ được cái tinh hoa ngày xưa nhưng đồng thời lại được thu lượm và quan họ hóa khá nhiều bài dân ca của các vùng miền. Hát quan họ đồng thời với lối chơi quan họ hay nói cách khác là văn hóa quan họ. Đó là cách chào hỏi, tiếp xúc, kết bạn, cách ăn, mặc, ứng xử, giao lưu, trang điểm, cách tổ chức lễ hội cũng rất... quan họ. Chơi trong phạm vi hẹp là chơi trong văn chương chữ nghĩa, điển tích, ca dao, tục ngữ...  Lối chơi này tạo tính kết cấu bền vững giữa các bạn trang lứa, và các làng với nhau. Nó khiến mọi người trở nên lịch lãm, tao nhã.

 Nghệ nhân Lê Huy Cần tha thiết muốn mang hồn cốt của quan họ cho nhiều người trong cộng đồng, bởi ông nghĩ: Quan họ trước hết là của người dân, lấy dân làm cốt lõi, là trọng tâm để quan họ không chỉ biểu diễn trên các sân khấu mà thực sự đến với mọi người mọi lúc, mọi nơi. Lịch sử ngàn năm đã chứng minh, quan họ tồn tại trong lòng người dân bấp chấp mọi thay đổi, biến cố của đời sống. Không có ai bảo tồn di sản văn hóa bằng chính người sáng tạo ra nó đó là nhân dân, chủ thể của văn hóa dân gian.

Và ông đã, đang thực hiện mong ước của mình trên các nẻo đường dẫn đến các CLB trên đất Hà Thành.

Thanh Hoa