Taxi truyền thống "chuyển mình"

08:13 | 15/10/2017

1,120 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình kinh doanh vận tải ứng dụng công nghệ, nhiều hãng taxi truyền thống cũng đang phải “chuyển mình” để thu hút khách hàng và tăng sức cạnh tranh...

Thêm… xe ôm

Trong tháng 10 này, Công ty CP Mai Linh Miền Bắc sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh “vận tải hành khách bằng xe lam, xe lôi, xe máy”. Nếu được cổ đông thông qua, trong tương lai gần, hãng taxi này sẽ cung cấp thêm dịch vụ xe ôm công nghệ tại Hà Nội.

Được biết, Công ty CP Mai Linh Miền Bắc là một thành viên của Tập đoàn Mai Linh, quản lý dịch vụ vận tải bằng taxi tại 17 tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh taxi của Mai Linh Miền Bắc liên tục thua lỗ. Theo thống kê, năm 2014, số lỗ là 5 tỉ đồng, sang năm 2015 tăng lên 13 tỉ đồng và năm 2016 là 45 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Mai Linh Miền Bắc vẫn lỗ tiếp 37 tỉ đồng từ kinh doanh taxi.

taxi truyen thong chuyen minh
Giao diện đặt xe M.Bike trên ứng dụng taxi Mai Linh

Trong bối cảnh đó, Mai Linh mới đây đã bất ngờ thông báo về việc bổ sung dịch vụ "xe ôm công nghệ" có tên gọi là Mai Linh Bike (M.Bike). Thông tin này ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây, bởi câu chuyện các hãng taxi truyền thống liên tục tung ra những dịch vụ, chiến lược mới để cạnh tranh với Uber, Grab vẫn chưa hết nóng.

Trước Mai Linh, Vinasun cũng cho biết, hãng taxi này đang nghiên cứu thị trường để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến nhằm tăng sức cạnh tranh và giữ chân khách hàng. Dự kiến dịch vụ này sẽ được triển khai sớm nhất vào cuối năm nay.

Không phải hướng phát triển bền vững

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, TS Đinh Thị Thanh Bình - Trưởng bộ môn Quy hoạch & Quản lý Giao thông Vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, việc các hãng xe taxi truyền thống bổ sung thêm danh mục dịch vụ xe ôm tương tự GrabBike là một điều hiển nhiên. Người được lợi chính là khách hàng khi có thêm nhiều lựa chọn dịch vụ với giá cả cạnh tranh”.

Mai Linh Hà Nội mở thêm dịch vụ xe ôm công nghệ với 2 gói dịch vụ. Đối với loại xe M.Bike thông thường, mức giá cước được áp dụng là 11.000 đồng/2 km đầu và 3.800 đồng/km tiếp theo. Đồng thời triển khai gói dịch vụ M.Bike Premium, giá cước gấp đôi M.Bike thông thường.

Tuy nhiên, cần sớm có cơ chế quản lý loại hình vận tải kết nối này để tạo một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đóng góp cho xã hội, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và tăng thu ngân sách.

Trên thực tế, việc triển khai dịch vụ kết nối vận tải như Grab, Uber đã ảnh hưởng lớn đến thị phần của các hãng xe taxi truyền thống. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, khi dịch vụ kết nối vận tải ra đời, thì thị phần của taxi truyền thống bị sụt giảm 10-40%. Các hãng taxi truyền thống không cạnh tranh được với xe dịch vụ kết nối vận tải vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chi phí vận tải cao hơn do phải đầu tư nhiều hơn cho đoàn xe, bến bãi, đào tạo lái xe, bộ đàm… theo đúng yêu cầu của quy định về quản lý xe taxi. Bên cạnh đó, quãng đường chạy rỗng của taxi truyền thống cao hơn dịch vụ công nghệ do tính ưu việt của phần mềm chọn xe gần nhất, tránh được việc nhiều xe hoặc xe ở xa đến đón khách.

Thứ hai, giá cả kém cạnh tranh, một phần do các hãng cung cấp dịch vụ kết nối vận tải (Grab, Uber) có tiềm lực tài chính mạnh, để phát triển các thị trường mới nên họ thường xuyên có khuyến mại hấp dẫn cho hành khách (có khi đi chuyến xe không mất đồng nào); Thứ ba, các hãng Grab, Uber chăm sóc khách hàng tốt hơn, rõ ràng về giá cả, quãng đường ngay từ đầu, tránh được gian lận về đồng hồ tính tiền, chạy lòng vòng câu đường. Có đánh giá lái xe ngay sau khi hoàn thành dịch vụ, có phản hồi và xử lý khiếu nại nhanh chóng.

Vị Trưởng bộ môn Quy hoạch & Quản lý Giao thông Vận tải cũng cho rằng, điểm yếu của taxi truyền thống vẫn là công tác chăm sóc, kết nối khách hàng và giá cả dịch vụ cao. Do đó, chỉ đầu tư xe ôm công nghệ không thể giữ chân khách hàng mà cần bộ giải pháp đầy đủ từ việc giảm giá để cạnh tranh, đến cải thiện công tác chăm sóc khách hàng. Đảm bảo minh bạch rõ ràng trong thanh toán, hiện đại hóa công tác quản lý vận tải. Từ đó phát huy các ưu điểm về an toàn, tính chuyên nghiệp khi khai thác vận tải thì taxi truyền thống mới có thể giữ chân khách và mở rộng thị phần.

Trong tương lai, một số thành phố lớn sẽ cấm xe máy hoạt động, vậy nên việc phát triển “xe ôm” công nghệ không phải là hướng phát triển bền vững. “Xe ôm” vẫn là xe máy, chỉ khác xe máy gia đình ở chỗ có hiệu suất khai thác cao hơn. “Bản thân việc triển khai rộng rãi xe ôm công nghệ không giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông mà phải kết hợp xe cá nhân với vận tải hành khách công cộng. Ví dụ có thể sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ để kết nối các ga đường sắt đô thị, nhà ga BRT, điểm dừng đỗ xe buýt, bến xe liên tỉnh… với điểm xuất phát và điểm đến của khách hàng, nói cách khách là xe ôm công nghệ có thể tham gia một đoạn trong dịch vụ vận tải hành khách đô thị (đảm bảo kết nối từ cửa đến cửa). Đây cũng là một hướng phát triển bền vững vận tải hành khách đô thị” - Tiến sĩ Bình nói thêm.

Một chuyên gia về giao thông vận tải cho rằng, nếu tiếp tục phát huy các ưu việt của việc tổ chức, khai thác vận tải của taxi truyền thống như đoàn xe tổ chức quy củ, lái xe chuyên nghiệp, xe được kiểm tra an toàn, bảo dưỡng định kỳ đúng quy trình, kinh nghiêm vận tải lâu năm, song hành với nỗ lực giảm giá thành thì taxi truyền thống sẽ vẫn có vị trí vững chắc trên thị trường.

Thiên Minh - Chu Phượng