Tàu H29 gặp nạn ở Cần Giờ chưa thực hiện đăng kiểm

19:45 | 05/08/2013

532 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 5/8, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn số 1712/ĐKVN-TB báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc tàu chế tạo bằng vật liệu PPC của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc. Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam không thực hiện đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho tàu H29.

>> Nhật ký 12 giờ cứu nạn trên biển

>> 6 giờ vật lộn với tử thần

Theo báo cáo, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Cục Đăng kiểm đã vào cuộc tiến hành điều tra, thu thập và xem xét các tài liệu, thông tin về công tác đăng kiểm tàu. Kết quả cho thấy, Cục Đăng kiểm Việt Nam không thực hiện công tác đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường cho tàu H29.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Việt Nam, tàu biển phải được thiết kế và đóng theo các tiêu chuẩn, quy phạm được công nhận. Đặc biệt là tiêu chuẩn về vật liệu và quy cách kết cấu thân tàu, nhưng đối với vật kiệu PPC thì hiện nay chưa đáp ứng được tiêu chuẩn này.

Tàu H29 gặp nạn ở Cần Giờ.

Cũng theo Cục Đăng kiểm, trong trường hợp tàu đóng bằng vật liệu phi truyền thống (tức là chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật được công nhận-PV), IMO cho phép áp dụng phương pháp thiết kế dựa trên rủi ro (risk based design). Thực chất của phương pháp này là quá trình nghiên cứu và thử nghiệm lâu dài; ứng dụng nhiều phương pháp lý thuyết và thực tiễn khác nhau, nhằm xác định tất cả các rủi ro mà tàu dự kiến đóng có thể gặp phải trong quá trình đóng mới và hoạt động (cháy, nổ, đâm va, mắc cạn, mất ổn định, chìm đắm, vật liệu bị lão hóa, không đủ sức bền, không chịu được môi trường biển, không có khả năng chống cháy, nguy hại với sức khỏe và môi trường...). Từ đó có các biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo an toàn cho tàu, người sử dụng và môi trường.

“Đối với vật liệu PPC, hiện nay ở Việt Nam chưa có điều kiện để thực hiện phương pháp thiết kế tàu loại vật liệu này. PPC lại là vật liệu nhẹ, khác hẳn với các loại vật liệu đóng tàu truyền thống. Trong thiết kế tàu cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến tính ổn định, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu” – Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định.

Cùng ngày, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có công văn số 2495/CHHVN-AT&ANHH gửi Bộ Giao thông vận tải về công tác tìm kiếm cứu nạn vụ tai nạn và xác minh ban đầu đối với vụ tai nạn của ca nô H29 ở khu vực biển Cần Giờ, TP HCM.

Theo đó, khoảng 21h00 ngày 2/8/2013, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (VungTau MRCC) nhận được thông tin từ đại diện Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina cho biết: “Vào khoảng 20h cùng ngày, một ca nô chở khách trong khi hành trình từ Tiền Giang về Vũng Tàu thì bị hỏng máy tại khu vực biển Cần Giờ, chưa rõ chính xác vị trí”.

Ngay sau khi tiếp nhận, xử lý thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III đề nghị Đài thông tin duyên hải phát thông báo khẩn cấp tới tất cả tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực biết và thông báo đến các cơ quan liên quan để phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra xác minh thêm thông tin và điều động tàu SAR 272 ra hiện trường tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

Với sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Giao thông vận tải, UBND TP HCM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cục Hàng hải Việt Nam... các đơn vị tham gia đã cứu được 21 người, phát hiện và đưa vào bờ toàn bộ 9 thi thể nạn nhân bàn giao cho gia đình và cơ quan chức năng lúc 7h20 ngày 5/8.

T.Minh