Tam Hải - “viên ngọc thô” của du lịch biển xứ Quảng

19:45 | 05/11/2017

3,710 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiếng là xã đảo, nhưng Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chỉ cách đất liền một dòng sông. Đây được ví như “viên ngọc thô” của du lịch biển xứ Quảng…  

Tiềm năng to lớn

Tam Hải được hình thành bởi sự bồi đắp từ sông và biển mà thành. Dải cát nhỏ nhoi giữa biển qua thời gian đã trở thành một làng chài trù phú.

Do biệt lập với đất liền, nên tận bây giờ Tam Hải vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ vốn có. Ngày 20-9 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 3411/QĐ-UBND công nhận xếp hạng di tích danh thắng cấp tỉnh Cụm danh thắng “Ghềnh đá Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa” tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành.

Và mới đây nhất, theo tinh thần của cuộc Hội thảo Nhận diện giá trị di sản địa chất Núi Thành thì cụm danh thắng “Ghềnh đá Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa” nằm trong quy hoạch đề nghị công nhận là Công viên Địa chất Quốc gia.

tam hai vien ngoc tho cua du lich bien xu quang

Theo kết quả nghiên cứu gần đây, xã đảo Tam Hải hiện đang sở hữu một vùng biển có hơn 90ha rạn san hô, với khoảng 100 loài, trong đó phần lớn là san hô gạc nai và san hô khối. Hệ sinh thái rạn san hô Tam Hải có 41 loài rong biển, 168 loài cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế như cá hồng, cá mú, cá lượng, cùng với tôm hùm đỏ, tôm hùm sỏi và nhiều loài ốc đẹp. Một số loài thủy sinh có thể dùng làm dược liệu…

Tam Hải còn được biết đến là quê hương của Thủ Thiệm (Nguyễn Tấn Nhơn), một nhân vật văn hóa dân gian độc đáo có thật và là nguyên mẫu nhân vật của nhiều giai thoại, đáng được xếp "cùng chiếu" với những nhân vật hiếm hoi, đặc sắc trong kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam như: Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Ông Ó, Bác Ba Phi.

Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo

Tam Hải có 2 hòn đảo nhỏ phong cảnh rất đẹp mà người dân địa phương gọi là Hòn Mang và Hòn Dứa. Hai danh thắng này nằm trong cụm danh thắng “Ghềnh đá Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa”.

Hòn Mang là đảo hoang, không có người sinh sống, thích hợp cho du lịch dã ngoại. Ở đây còn có một dải cát dài gần 100m, rất phù hợp cho việc dựng trại, nấu nướng ngoài trời. Trong khi đó, hòn Dứa có bãi biển đẹp, nước trong vắt tựa mặt gương. Chỉ cần úp mặt xuống mặt nước là tha hồ ngắm san hô và từng đàn cá tung tăng bơi lội.

tam hai vien ngoc tho cua du lich bien xu quang
Tam Hải nổi tiếng với làng bích họa

Tam Hải chưa thực sự phát triển mạnh mẽ về du lịch. Song có thể hình dung ra hàng loạt các loại hình du lịch độc đáo ở đây trong tương lai gần.

Đến với Tam Hải du khách được trải nghiệm cảm giác hoàn toàn khác lạ với các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Tại đây, du khách có thể lênh đênh cùng ngư dân trên biển, được hòa mình vào thiên nhiên bao la, được hóa thân thành ngư dân, câu mực, câu cá, bắt cua, bắt ghẹ, rồi lặn ngắm san hô thỏa thích…

Rừng ngập mặn Tam Hải cùng với các xã khác của huyện Núi Thành trước đây rộng khoảng trên 220ha, tuy nhiên, đến năm 1997 chỉ còn lại khoảng 63ha và hiện nay khoảng 10ha.

Chiều về, chế biến các loại hải sản tự tay mình “làm ra” được, nhâm nhi chén rượu nghe các lão ngư hô bài chòi hoặc nghe kể những giai thoại về Thủ Thiệm thì còn thú gì bằng.

Tam Hải cũng là một trong vài nơi trên cả nước có thể nhìn thấy mặt trời lặn trên biển. Mặt trời như một quả cầu lửa khổng lồ từ từ chìm dần rồi mất hút dưới đáy đại dương.

Những cặp uyên ương, sau những trải nghiệm cùng ngư dân, có thể lưu lại những kỷ niệm bằng bộ sưu tập ảnh cưới tại thắng cảnh mũi Bàn Than. Đây là một dải đá liền ven biển, kéo dài chừng 1km, như một tác phẩm điêu khắc với muôn hình vạn trạng hình thù độc đáo. Vẻ đẹp huyền ảo ấy không phải nơi nào cũng có được.

Bảo tồn ngay từ bây giờ, nếu không sẽ quá muộn

Rất may dự án tỉ đô chết yểu, nếu không thì Tam Hải đã bị xóa sổ từ lâu. Năm 2008, tại đây đã có quyết định giải tỏa trắng, để làm du lịch, với tổng vốn đầu tư lên đến 2,5 tỉ USD.

Không biết mô hình du lịch ấy như thế nào, nhưng nếu dự án này được triển khai, thì không còn một Tam Hải kỳ thú như hiện nay. Và dù có bộn tiền cũng không thể mua đâu ra được một “nghĩa địa cá voi”, có đến 500 ngôi mộ. Không thể mua được một làng chài nguyên vẹn; cùng những danh thắng…

Tuy nhiên, thời gian qua, vì kế mưu sinh và cũng cả do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, nên hàng trăm “héc-ta” rừng ngập mặn đã bị san ủi để làm đìa nuôi tôm.

Hơn 90% người ngư dân Tam Hải, với khoảng 200 tàu thuyền đánh bắt công suất nhỏ, khai thác ven bờ, là tác nhân gây ra những hệ lụy khó lường trong việc bảo tồn đa dạng sinh học ven bờ.

Người dân ở Tam Hải còn có nghề đánh bắt tôm hùm giống, vốn có rất nhiều trong các rạn san hô. Rồi nghề khai thác rong mơ (khoảng 200 tấn/ngày). Áp lực này ngày một gia tăng chứ không hề giảm đi… Chính vì vậy, biển Tam Hải đang đứng trước những đe dọa của việc khai thác nguồn lợi thiếu kiểm soát, giẫm đạp lên san hô, đánh bắt các cá thể chưa trưởng thành, chưa đến mùa vụ, ô nhiễm rác thải và nước thải.

Sẽ là quá trễ nếu Tam Hải nói riêng, ngành du lịch Quảng Nam nói chung không hành động ngay bây giờ để đảm bảo cho phát triển bền vững và phải có ngay kế hoạch và những hành động thiết thực cụ thể trong việc xây dựng khu bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn. Tuyên truyền làm cho người dân ngày càng ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, để hướng đến đưa Tam Hải trở thành “địa chỉ đỏ” của ngành du lịch biển Quảng Nam.

Tam Hải thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam với diện tích 455,75ha, dân số 1.887 hộ, khoảng 8.500 nhân khẩu là một xã nghề cá ven biển nằm tách biệt với đất liền, bao bọc xung quanh là biển và sông Trường Giang, thông qua 2 cửa sông là Cửa Lở ở phía bắc và cửa An Hòa ở phía đông nam.

Sự hình thành và phát triển Khu Bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, di sản địa chất Tam Hải (Núi Thành), cùng với Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm; Khu bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh, (Hội An); Công viên Địa chất Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ tạo thành một mạng lưới bảo tồn biển và di sản Quảng Nam - Quảng Ngãi, góp phần gia tăng lợi ích của bảo tồn, làm giàu nguồn lợi sinh vật biển, nâng cao hiệu quả khai thác và cải thiện đời sống của ngư dân.

Đặng Trung