Tại sao phải quản trị rủi ro hoạt động trong các tổ chức tín dụng?

06:30 | 09/07/2011

15,208 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến 156, tổng doanh số giao dịch liên ngân hàng bình quân một ngày đạt 24.596 tỉ VND và 689,5 triệu USD. Chúng ta sẽ mất bao nhiêu tiền mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm nếu không quản trị được hoạt động rủi ro?

Rủi ro hoạt động (Operational Risk – có thể được dịch là Rủi ro hoạt động hoặc Rủi ro tác nghiệp hoặc Rủi ro vận hành) tại các tổ chức tín dụng là rủi ro gây ra nguy cơ tổn thất do các quy trình nội bộ không đầy đủ hoặc bị lỗi, do con người, do các hệ thống hoặc do các sự kiện bên ngoài.

Thực tế rủi ro hoạt động (RRHĐ) trong hệ thống tài chính, ngân hàng ngày một nhiều, diễn biến theo chiều hướng tinh vi, phức tạp, gây tổn thất về tài sản, con người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày nay đã bắt đầu nghiên cứu và áp dụng các phương án quản trị RRHĐ, tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có bộ phận thực hiện nhiệm vụ này. Trong bản Dự thảo Thông tư “Quy định về yêu cầu đối với hệ thống quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng” đang xin ý kiến các tổ chức tín dụng cũng không đề cập đến rủi ro hoạt động mà chỉ có yêu cầu về rủi ro tín dụng và rủi ro thị trường.

1. Thực trạng RRHĐ tại các tổ chức tín dụng

Thời gian gần đây, trong hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam phát sinh một số rủi ro được xếp vào loại “rủi ro hoạt động”, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hiệu quả của ngân hàng như:
- Rủi ro do lỗi tác nghiệp và thiếu công cụ kiểm soát: Một nhân viên ngân hàng khi hạch toán cho khách hàng đã lựa chọn đơn vị AUD thay vì VND, dẫn đến việc chuyển tiền cho khách hàng là 4 triệu AUD thay vì 4 triệu VND; cán bộ kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng làm lỗ 500 tỉ đồng do thiếu nghiệp vụ, không thực hiện đúng quy trình, thiếu cơ chế giám sát.

- Rủi ro đạo đức: Từ 8/2008 – 9/2009, nhân viên phòng giao dịch của một ngân hàng lợi dụng quyền hạn, giả mạo chữ ký khách hàng để trục lợi 24,5 tỉ đồng do hệ thống quản lý nội bộ lỏng lẻo; hay vào tháng 12-2010, hai nhân viên phòng giao dịch khác cũng của ngân hàng này lập sổ tiết kiệm khống 50 tỉ đồng cho khách hàng.

- Rủi ro do không thực hiện quy trình làm việc và cán bộ gian lận: nhân viên kế toán ngân hàng nọ được giao nhận hồ sơ tài sản cầm cố của khách hàng, đã thực hiện tráo đổi, rút ruột các bao bì đựng các giấy tờ có giá của khách hàng, sau đó cán bộ ngân hàng đã đưa giấy cho vào phong bì niêm phong rồi chuyển cho kho quỹ quản lý. Với thủ đoạn này cán bộ trên đã chiếm đoạt gần 1,5 tỉ đồng trái phiếu vô danh.

2. Nguyên nhân phát sinh và ảnh hưởng của rủi ro hoạt động

Nguyên nhân và mối quan hệ các nguyên nhân gây ra rủi ro hoạt động có thể được khái quát qua sơ đồ dưới đây:
Mối quan hệ các nguyên nhân gây ra rủi ro hoạt động và xác định nguyên nhân


3. Quản trị RRHĐ tại các tổ chức tín dụng

Các nhà nghiên cứu đã tính toán ảnh hưởng do RRHĐ trong các ngân hàng thường chiếm 10% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Ngoài ra RRHĐ còn ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng. Trong xu thế phát triển của thời đại hiện nay, RRHĐ tiếp tục tăng do:
- Môi trường kinh doanh phức tạp hơn, hành vi trái pháp luật tăng lên;

- Hội nhập quốc tế ngày một tăng;

- Áp lực công việc, đòi hỏi kết quả cao hơn, đòi hỏi lòng trung thành của nhân viên và sự quan tâm của các nhà lãnh đạo nhiều hơn;

- Sự phụ thuộc vào công nghệ nhiều hơn;

- Tốc độ và khối lượng giao dịch tăng hơn;
Những lý do trên cho thấy việc quản trị RRHĐ càng trở nên cấp thiết đối với xu thế hội nhập quốc tế ngày nay của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam. Quản trị RRHĐ tại các tổ chức tín dụng cần được thiết lập với mục tiêu:

- Hạn chế, giảm thiểu các chi phí, tổn thất có thể xảy ra từ các hoạt động tác nghiệp, tối đa hóa lợi nhuận với mức độ chấp nhận rủi ro xác định;

- Giảm chi phí vốn dành cho rủi ro hoạt động, tăng thêm nguồn vốn đưa vào hoạt động kinh doanh;

- Bảo vệ uy tín của tổ chức tín dụng, đạt mục tiêu hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả;

- Phân bổ vốn hiệu quả nhằm khai thác những lợi ích/rủi ro khác nhau trong quá trình kinh doanh;

- Định giá sản phẩm mới tốt hơn.

Các tổ chức tín dụng chưa có bộ phận quản trị RRHĐ có thể triển khai thực hiện theo các bước sau.

Trong tổ chức, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc và tất cả các nhân viên đều phải nhận thức được tầm quan trọng của RRHĐ. Khung quản trị rủi ro hoạt động cần được xây dựng bởi đơn vị tư vấn, trong đó hai vấn đề chủ chốt cần được đầu tư là: Xây dựng chiến lược cho quản trị RRHĐ và hoàn thiện cấu trúc quản trị RRHĐ, đặc biệt là cấu trúc tổ chức.

Th.S Lê Công Hội – PVFC

Theo Năng lượng Mới