Sự thật đằng sau những sai sót của gameshow truyền hình

06:00 | 24/07/2015

1,705 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có những sai sót có thể là do tai nạn nghề nghiệp, song cũng có thể là do sự thiếu ý thức, sự lơ là trách nhiệm hoặc thậm chí là cố tình tạo ra để kéo khán giả…!

Đạo diễn Vũ Thành Vinh - người đã và đang tham gia sản xuất rất nhiều chương trình truyền hình cho các đài truyền hình đã chia sẻ với PetroTimes xung quanh vấn đề này. Có thể nói, đây cũng là lần đầu tiên một đạo diễn truyền hình đã thẳng thắn chia sẻ về câu chuyện liên quan đến nghề mình!

Khâu kiểm duyệt đang bị thả lỏng!

- Anh đánh giá thế nào về nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến những sai sót xảy ra trong các chương trình, gameshow truyền hình thời gian gần đây?

- Đầu tiên, chúng ta nên công bằng mà nhìn nhận những ý nghĩa mà các chương trình truyền hình đó mang lại. Đầu tiên là một hơi thở văn hóa, giải trí mới, từ đó làm đời sống tinh thần của người dân được nâng cao hơn, mọi người có nhiều lựa chọn chương trình giải trí hơn. Cũng từ các chương trình thi thố hay gameshow giải trí này đã tạo điều kiện cho một số nhân tài có chỗ đứng, họ góp phần vào phát triển văn hóa nghệ thuật.

Sự thật đằng sau những sai sót của gameshow truyền hình
Đạo diễn Vũ Thành Vinh

Còn về những sai sót gần đây, theo tôi có hai vấn đề chính. Thứ nhất, chúng ta làm nhiều thì sai sót nhiều, đó là lý do khách quan. Các công ty sản xuất ra chương trình ngày càng nhiều hơn, nhưng đội ngũ người sản xuất thì không tăng lên tương xứng nên không đáp ứng được khối lượng công việc. Cũng từ đó mà vấn đề tâm huyết, sự kỹ lưỡng đối với các chương trình ít dần đi. Một số thứ gần như bị thả lỏng.

Rồi thêm lý do nữa là tai nạn nghề nghiệp, vấn đề này trong lĩnh vực nào cũng có và chúng ta không thể biết trước được. Tuy nhiên, tai nạn thì chỉ vài lần chứ không có chuyện nay chương trình này bị, mai chương chương trình khác mắc phải được!

- Phải chăng vấn đề kiểm duyệt chương trình tại một số đơn vị sản xuất đang bị thả lỏng nên mới dẫn đến những sai sót nghiêm trọng như thời gian qua, mà trong đó có những lỗi rất sơ đẳng?!

- Theo kinh nghiệm của bản thân tôi thì những sai sót trong chương trình hoàn toàn có thể hạn chế được, nhất là với vấn đề thuộc về kiến thức sơ đẳng. Đầu tiên, người trực tiếp sản xuất phải thật kỹ lưỡng. Nhiều chương trình hiện nay là chương trình được dàn dựng, biên tập rồi phát lại chứ không phải là chương trình truyền hình trực tiếp. Ở trường hợp là chương trình trực tiếp thì có những sự cố xảy ra chúng ta không lường trước và cũng không thể xử lý kịp nên có thể cảm thông. Còn đối với chương trình được dựng và phát lại, việc để xảy ra những sai sót lớn thì rõ ràng là trách nhiệm của khâu kiểm duyệt.

Thông thường ở mỗi chương trình liên kết sản xuất có hai khâu kiểm duyệt chính, thứ nhất là bộ phận biên tập nội dung chương trình, sau đó đến cấp cao hơn là ông chủ đầu tư (công ty liên kết) và ông chủ phát hành (Đài truyền hình). Nội dung kiểm duyệt bao gồm hai yếu tố nội dung và hình ảnh. Thế thì do người kiểm duyệt không kỹ lưỡng, họ quá lơ là do nhiều việc hoặc là do họ không đủ nhận thức về những sai sót nên mới để xảy ra những trường hợp như vừa qua.

Sự thật đằng sau những sai sót của gameshow truyền hình
Sai sót nghiêm trọng trong chương trình Điệp vụ tuyệt mật 2015

Tôi thấy một số chương trình bây giờ rơi vào tình trạng là khi xảy ra rồi thì mới giật mình vì chuyện không ngờ lại to đến như vậy! Điều này cũng tùy sự nhạy cảm, nhận thức của người thực hiện với những vấn đề liên quan đến xã hội, chính trị và tôn giáo. Tôi biên tập chương trình lúc nào cũng cẩn thận trên hết 3 vấn đề đó, bởi dù chỉ là một chi tiết rất nhỏ nhưng khi phát sóng lên truyền hình thì cả nước xem và hậu quả là rất lớn.

Như vậy, dù là chủ quan hay khách quan thì nếu chúng ta thật sự kỹ càng, chúng ta có những bộ phận kiểm duyệt nhất định thì sẽ hạn chế tối đa những sai sót. Và đơn vị sản xuất chương trình cũng phải tính đến chuyện công bằng với người xem. Khi chương trình thu lợi nhiều thì công ty cũng phải đầu tư tương xứng về con người, khâu kiểm duyệt, chứ không thể nói do làm nhiều quá mà để xảy ra sai sót được!

Nhố nhăng trên sóng truyền hình! Nhố nhăng trên sóng truyền hình!
Showbiz Việt: Showbiz Việt: "Làm gái" là hái ra tiền?!
Quay cuồng với hào quang ảo! Quay cuồng với hào quang ảo!
Scandal: Scandal: "Gia vị" không thể thiếu của gameshow

- Và chắc đạo diễn cũng thừa nhận rằng, có cả những trường hợp công ty sản xuất cố tình tạo ra những scandal để "đánh bóng" chương trình mình, để thu lợi nhuận?

- Khi một nhà đầu tư sản xuất ra một chương trình thì sự thành bại của nó có khi là sự sống còn của họ. Tôi không bàn về chữ scandal nhưng tôi biết là có sự dàn dựng, sắp xếp để "câu khách". Nhà sản xuất chương trình nào cũng tính toán dàn dựng làm sao để chương trình hấp dẫn hơn, làm người ta quan tâm nhiều hơn. Đó là điều tất nhiên, dễ hiểu. Song, sự tính toán đó không có nghĩa là phải bất chấp tất cả để đạt được điều đó, thậm chí là lừa dối khán giả. Nhưng hiện nay, tôi có cảm giác vài nhà sản xuất cố tình làm điều đó.

Sự thật đằng sau những sai sót của gameshow truyền hình
Chương trình X-Factor sử dụng khăn Piêu làm khố

Tôi nghĩ, đã là nghệ sĩ làm chương trình thì có dùng chiêu trò gì cũng nên gây sự chú ý ở mặt tích cực. Còn với những người làm chương trình bất chấp để được ồn ào thì tôi nghĩ phải xem lại trách nhiệm, lương tâm của mình.

Còn nói chương trình làm scandal đề kéo khán giả, quảng cáo nhiều thì tôi nghĩ chưa hẳn như vậy. Có thể, chương trình đó sẽ thắng trong thời gian ngắn tức thời nhưng cái mất về lâu dài sẽ nhiều hơn khi đánh mất lòng tin khán giả.

Tôi quan trọng là khi làm nghề, việc mình để người khác nhìn nhận, coi trọng mình mỗi khi nhắc đến mình là điều rất quan trọng. Làm trong nghề này, lợi nhuận đôi khi không phải là tiền; đương nhiên không có tiền thì không thể sản xuất ra chương trình nhưng uy tính trong nghề để bản thân mình thăng hoa, làm nhiều chương trình hay, là quan trọng nhất.

"Win - Win"!

- Nhiều người xem chương trình truyền hình thi thố tài năng gần đây có cảm giác như bị lừa, rất nhiều kết quả dính nghi án dàn xếp. Đạo diễn nhận xét gì về điều này?

- Thật ra, tôi cũng rất chia sẻ với các nhà sản xuất khác về điều này. Riêng bản thân tôi, tôi luôn đặt ra vấn đề với đối tác trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình: đó là sự công bằng với cả người thi và khán giả. Nếu người thi có dấu hiệu không công bằng, tôi sẵn sàng cho dừng cuộc chơi.

Tôi đã làm rất nhiều chương trình thi thố, hiện tại thì có: Solo cùng Bolero, Cười xuyên Việt, Ngôi sao phương Nam… nên không ít lần va chạm với những lời đề nghị về sự ưu ái cho người này, người kia. Nhưng tôi đảm bảo là khi tôi còn làm sản xuất thì chuyện không công bằng sẽ không xảy ra.

Về mặt khán giả, một sản phẩm được gọi là thành công thì phải "Win - Win", tức lợi cho nhà sản xuất và cho khán giả - người bỏ tiền ra nuôi nhà sản xuất đi đường dài. Nhưng hiện nay cũng có công ty chỉ có một chữ "Win" thôi, tức chỉ mang đến lợi nhuận cho họ còn khán giả thì bị bỏ ngỏ. Đương nhiên ai sản xuất chương trình cũng mong muốn thắng lợi nhưng khán giả cũng phải được hạnh phúc khi xem chương trình mình. Việc cân bằng lợi ích này là cả một vấn đề, nhưng không phải là không làm được. Tôi nghĩ không riêng tôi mà tất cả người làm chương trình có tâm với nghề nào cũng muốn hướng tới "Win - Win". Còn ai không làm điều đó thì đánh mật tự tôn và niềm tin của mọi người, vậy thôi!

- Đạo diễn nói gì về áp lực của người sản xuất trong xu hướng bùng nỗ các chương trình trên sóng truyền hình hiện nay? Phải chăng đó là lý do dẫn đến việc người ta bất chấp chiêu trò để câu khách cho chương trình mình?

- Nếu có 100 công ty sản xuất chương trình giải trí thành lập thì có đến 80 trong số đó phải sớm đóng cửa, điều đó đã nói lên sự khốc liệt của ngành này. Những chương trình mà khán giả đang xem hiện nay tuy nhiều nhưng những công ty sản xuất nó thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sự thật đằng sau những sai sót của gameshow truyền hình
Thí sinh uống nhầm acid trong chương trình Vietnam' s Got Talent

Trở lại vấn đề là làm gì để tồn tại và đáp ứng được yêu cầu nghệ thuật trong chương trình. Với tôi, chúng ta không thể tách vấn đề kinh tế thị trường ra khỏi văn hóa giải trí. Nghệ thuật cũng là một mặt hàng có thẩm mỹ và định hướng. Kế đến, người làm cần phải có nghề nghiệp. Trong sự bùng nỗ các công ty làm chương trình hiện nay thì tôi biết một số vẫn chưa đủ tay nghề, họ vội vàng vì thấy nghề này dễ "ăn". Nhưng thật ra mọi thứ không hề dễ dàng như vậy, để đạt được thành công thì người ta phải lao động nghiêm túc, phải đổ công sức, mồ hôi và nước mắt rất nhiều.

- Cảm ơn đạo diễn đã chia sẻ!

L.Trúc

Năng lượng Mới