“Siêu uỷ ban” sẽ quản trị doanh nghiệp thế nào?

17:49 | 23/06/2018

707 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghị định quy định chức năng, cơ cấu, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban) đang lấy ý kiến góp ý để Chính phủ thông qua.

Vấn đề nổi lên hiện nay được nhiều người quan tâm là cơ quan này sẽ quản lý các doanh nghiệp theo mô hình nào?

sieu uy ban se quan tri doanh nghiep the nao
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo các bộ ngành tại lễ trao Quyết định cho Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Uỷ ban đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống công nghệ quản lý hoạt động của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn mà khối các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD hướng dẫn.

Giám sát chặt chẽ hoạt động doanh nghiệp

Có lẽ rất hiếm có tổ chức nào khi chưa đi vào hoạt động đã được dư luận quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng như Uỷ ban này. Đơn giản là nó có sự tách bạch các chức năng chủ sở hữu ra khỏi các bộ, chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như thời gian trước đây. Và, quan trọng hơn là nó sẽ tạo môi trường kinh doanh công bằng, theo đúng nguyên tắc kinh tế thị trường.

Hiện Uỷ ban đang gấp rút thực hiện 4 công việc, Thứ nhất tích cực phối hợp xây dựng và hoàn thiện Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban; Thứ hai, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế chuyển giao doanh nghiệp về Uỷ ban; Thứ ba, Xây dựng và hoàn thiện kế hoạch hành động của Uỷ ban năm 2018 và mục tiêu tới năm 2030; Thứ tư hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân sự, cơ sở làm việc.

“Ngoài bộ chỉ số chung cho từng nhóm, Uỷ ban cũng thiết lập bộ chỉ số riêng cho từng doanh nghiệp, có so sánh với số liệu sản xuất kinh doanh, mức độ an toàn vốn của các doanh nghiệp khác cùng ngành.” Ông Hoàng Anh nói.

Với việc thực hiện hệ thống công nghệ quản lý doanh nghiệp của OECD, đây được xem là một bước tiến trong quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam. Hệ thống quản lý này có thể giúp người của Uỷ ban sẽ chỉ cần ngồi tại Văn phòng vẫn có thể nắm bắt được toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp như: sản xuất, chi tiêu ngân sách, quan hệ lao động, tiền lương, năng suất lao động…

“Trước mắt, với một số doanh nghiệp đã có nền tảng hạ tầng công nghệ tốt, khi kết nối với hệ thống thông tin của Uỷ ban thì không cần đợi doanh nghiệp báo cáo chúng tôi mới có số liệu mà lúc nào Chính phủ, Thủ tướng cần là chúng tôi có để báo cáo ngay”, ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định.

Áp dụng đúng chuẩn OECD sẽ hiệu quả?

Về cơ bản, mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước của OECD thực ra không phải là mới mẻ. Bộ “Hướng dẫn của OECD về Quản trị Công ty trong Doanh nghiệp Nhà nước” được phổ biến trong các nước thành viên OECD như: Anh, Mỹ, Úc, Áo, Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungari, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc... từ hàng chục năm nay và được xem là một trong những mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Theo hướng dẫn của OECD hệ thống này có bộ chỉ số giám sát để phân tích, đánh giá được "sức khỏe" của doanh nghiệp được chuyển giao về Ủy ban, đặc biệt các rủi ro về tài chính, quản trị khả năng trả nợ, khả năng thanh toán... như: Các chỉ số về tài chính, kinh doanh, đầu tư, lao động, nhân sự, tiền lương, quản trị theo chuẩn mực OECD...

Ông Donald J. Johnson, cựu Tổng thư ký OECD nói rằng, các quốc gia nỗ lực thực thi bộ Nguyên tắc của OECD cần giám sát khuôn khổ quản trị công ty của mình, bao gồm các quy định về quản lý, niêm yết và các thông lệ kinh doanh. Một phần của công việc này là chú trọng đến sự tương tác và kết hợp giữa các yếu tố của khuôn khổ quản trị công ty, thúc đẩy các thông lệ quản trị công ty có đạo đức, trách nhiệm và minh bạch.

Trao đổi với DĐDN, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hệ thống quản lý Doanh nghiệp Nhà nước của OECD hiện được xem là hiện đại bậc nhất thế giới, phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Tuy nhiên, khi áp dụng cần giữ nguyên, tránh sửa hoặc rút ngắn một số quy trình thì mới hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Có vấn đề lớn cần lời giải từ Siêu ủy ban

sieu uy ban se quan tri doanh nghiep the nao

Lĩnh vực mà các tập đoàn, tổng công ty dự định đưa vào Ủy ban này để quản lý có những lĩnh vực vẫn cần sự quản lý lâu dài của Nhà nước, nhưng cũng có những lĩnh vực đang phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Hoạt động của DNNN trước nay hiệu quả rất thấp, nên bây giờ vào bàn tay của Uỷ ban, làm sao để duy trì nguồn vốn hoạt động cho hiệu quả là điều hoàn toàn không dễ dàng. Một rủi ro lớn khác là có thể có sự phản đối hay chống đối của những người bị mất lợi ích hoặc không thích sự chỉ đạo của Uỷ ban này. Vậy Uỷ ban làm thế nào để kiểm soát được họ, từ việc đảm bảo có trình độ chuyên môn cần thiết, để quản lý chung cũng như quản lý trên từng lĩnh vực, từng ngành… Do đó, cần thiết có một hệ thống giám sát và có những can thiệp cần thiết để Uỷ ban này hoạt động được tốt.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Bài toán về số liệu đầu vào cho hệ thống tiêu chuẩn

sieu uy ban se quan tri doanh nghiep the nao

Hoan nghênh việc Uỷ ban áp dụng tiêu chuẩn của OECD để đánh giá và quản lý doanh nghiệp, đây là tiêu chuẩn cao và được quốc tế công nhận, tạo hi vọng về sự quản lý, sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là áp dụng sử dụng hệ thống này với số liệu nào? Nếu như số liệu thông tin đầu vào không chính xác, được “chế biến” thì kết quả đánh giá của hệ thống sẽ thiếu chính xác. Vì thực tế có doanh nghiệp từng chia sẻ với tôi rằng có 2-3 sổ sách để tránh thuế.

Enternews.vn