Sao lại chặt phá cây xanh ven đường?

07:00 | 28/03/2017

695 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mấy ngày qua, các phương tiện truyền thông đưa tin và hình ảnh hai xã của huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho chặt hàng loạt cây xanh ven đường liên thôn.

Chưa biết xuất phát từ ý tưởng nào của các cán bộ xã ở đây, nhưng cái hại trước mắt thì ai cũng nhìn thấy. “Lá phổi xanh” để điều hòa không khí không còn, bóng mát những ngày hè sắp tới đã mất.

Đầu tiên là xã Cẩm Yên, sau tết đã cho chặt hạ hàng loạt cây xanh, trong đó không ít cây cổ thụ, khiến người dân bất bình. Huyện ủy, HĐND huyện Thạch Thất đang yêu cầu Đảng ủy, HĐND xã Cẩm Yên kiểm điểm sâu sắc tập thể, cá nhân, vì việc làm này không đúng chủ trương của huyện, gây bức xúc trong nhân dân. Huyện cũng chỉ đạo xã Cẩm Yên sớm trồng lại cây xanh, đảm bảo bóng mát cho người dân.

sao lai chat pha cay xanh ven duong
Cây ở ven bờ sông cũng bị chặt hạ

Tiếp đó, xã Hạ Bằng của huyện Thạch Thất cũng xảy ra tình trạng tương tự. Hàng loạt xây xanh trồng ở sát mép đường, mép bờ sông, mà theo người dân là không ảnh hưởng đến giao thông đi lại, cũng bị chặt hạ hàng loạt, khiến người dân rất bức xúc. Con đường liên thôn khu vực xóm chợ của xã Hạ Bằng, những cây xanh được trồng sát mép đường, mép bờ sông, thậm chí có những cây trồng lùi hẳn phía sau cột đèn chiếu sáng cũng bị chặt.

Người dân ở đây cho biết, trước khi chặt hạ cây xanh, họ chỉ được nghe chính quyền xã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh chứ không được tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến. “Người ta cứ nói là làm như vậy để giải quyết đường thông, hè thoáng, rồi thông báo trên loa truyền thanh, sau đó mang máy cắt đi đốn hạ hàng loạt cây xanh. Hôm đó tôi đi vắng, về đến nhà thấy ngổn ngang cây bị chặt mà bức xúc lắm nhưng không làm thế nào được. Có nhiều cây trồng sát mép đường, không gây cản trở giao thông họ cũng chặt hết” - một người dân ở xã Hạ Bằng đã kể lại.

Xã cho lực lượng mang máy đi chặt hạ cây nhưng ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng lại nói rằng, trục đường nói trên chủ yếu là các cây xoan đào, cây gạo, chính quyền xã đã vận động người dân tự chặt. Ông Vân còn giải thích: “Trước khi có chủ trương thay thế các cây xoan đào, gạo, một số cây tạp ở khu vực đó gây cản trở giao thông, đoàn công tác của Ban Mặt trận xã đã cùng với các thôn đến các hộ dân xin ý kiến, người dân đã tự chặt hạ! Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với nhân dân để trồng lại cây xanh phù hợp theo hình thức xã hội hóa”.

Nếu xem những hình ảnh trên tivi và báo chí thì các con đường liên thôn và ven sông ở hai xã Cẩm Yên, Hạ Bằng đều rộng rãi, thông thoáng; lượng người và xe tham gia giao thông thưa thớt. Như vậy, hàng cây hai ven đường không thể gây ách tắc giao thông. Thế thì tại sao chính quyền hai xã nói trên lại tùy tiện cho chặt cây? Đường phố ở đô thị lớn còn đang phải tăng cường trồng cây xanh tạo bóng mát, hạn chế hiệu ứng nhà kính và sự “bê tông hóa”. Lợi ích của cây xanh thế nào thì trình độ các cán bộ xã cũng phải hiểu. Thế mà lại đi chặt cây!

Thuở sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc trồng cây. Câu thơ “Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” của Người đã thể hiện điều đó. Cứ sau dịp tết Nguyên đán là Người lại phát động Tết trồng cây và chính Người đã nêu gương, đi trồng cây cùng nhân dân. Thế mà giữa mùa xuân này, không biết hai xã Cẩm Yên, Hạ Bằng có phát động tết trồng cây hay không mà lại còn đi chặt hết cây xanh bóng mát như vậy?

Số cây bị chặt vừa qua của hai xã sẽ mang lại một khoản thu đáng kể cho địa phương. Thân cây bán cho người xẻ gỗ đóng đồ, cành cây bán làm củi. Thế là chính quyền xã có một khoản tiền, còn người dân thì thiệt hại là mất bóng mát vào mùa hè nắng lửa. Việc chặt cây do xã tự ý làm, không lấy ý kiến của người dân, đó cũng là vi phạm quyền dân chủ của người dân. Tới đây chính quyền địa phương sẽ phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm và trồng lại cây xanh nhưng lại thực hiện theo hình thức “xã hội hóa”. Nghĩa là chính quyền bỏ ra một phần, còn người dân cũng phải đóng góp. Như vậy, người dân thiệt đơn thiệt kép vì đang bị mất bóng mát lại phải bỏ ra một khoản tiền để trồng lại cây.

Cơ quan công quyền làm việc với phương châm “do dân, vì dân”. Triển khai công việc gì liên quan đến đời sống người dân thì phải lấy ý kiến của đông đảo người dân chứ không thể thích làm gì thì làm, không cần biết người dân có đồng tình ủng hộ hay không. Vậy mà lâu nay, không hiếm chuyện lãnh đạo địa phương tùy tiện triển khai những việc sai trái, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân mà không cần đưa ra bàn bạc lấy ý kiến.

Huyện Thạch Thất (Hà Nội) cần sớm đưa vụ chặt cây của hai xã Cẩm Yên, Hạ Bằng ra xem xét, có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những cán bộ sai phạm. Đó cũng là bài học cho xã nào đang có ý định té nước theo mưa để chặt cây.

Linh Trang