Rỉ rả Sài Gòn!

10:25 | 10/02/2016

2,515 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sài Gòn trong tôi mười ba năm trước, ngày ngồi sau yên xe gắn máy của ba lên phố thi đại học. Ngày tạm biệt niềm ám ảnh tóc xanh ở quê khăn gói lên phố tìm nhà trọ. Ngày nhớ thương quay quắt quê nhà, Sài Gòn lạ lẫm và ẩn chứa nhiều dư vị của sự hân hoan.

 

Sài Gòn mười ba năm trước không khác mấy so với bây giờ, lắm người, nhiều xe, nồng nặc khói bụi. Những buổi chiều nhọc nhằn chiếm từng khoảng trống trên đường. Những khuya vạ vật vỉa hè nồng tình bằng hữu. Như là theo thời gian, Sài Gòn ngày càng quen thuộc. Quen thuộc đến mức, ngay khi ở Sài Gòn, như là quê tạm, mình vẫn không kịp nhận ra rằng, mình là một kẻ nhập cư.

ri ra sai gon
Cà phê vỉa hè Sài Gòn. Ảnh: Vân Trúc

Tôi vẫn nghĩ, tâm thế không làm người ta trở nên nhỏ bé và tự ti. Tâm thế chỉ là nhắc nhớ mình không quên nguồn cội.

Cuối năm nào cũng vậy, Sài Gòn trở mình chầm chậm. Vẻ hào nhoáng của sự trang hoàng ở các trung tâm mua sắm, cao ốc, đại lộ trung tâm… không khiến Sài Gòn trở nên nhanh hơn. Đơn giản, nhanh chậm là do xúc cảm của cá nhân tạo nên.

Ở lâu Sài Gòn, nhận thấy người Sài Gòn hay người sống ở Sài Gòn có nhiều điểm khác biệt. Khác biệt từ văn hóa, cho đến ăn uống, quán xá.

Đọc báo, thấy nơi này nơi kia, người ta rồng rắn xếp hàng để ăn được bát phở. Chấp nhận sự khó chịu, lắm khi nhiếc móc của người bán để có thể thưởng thức được một món ngon.

Ở đâu thì không biết, chứ ở Sài Gòn, chắc chắn kiểu kinh doanh ấy không tồn tại được. Miền Nam lắm gió, có thể là gió thổi lồng lộng áo mỏng, nên người nhiễm luôn cái tính phóng khoáng từ hồi lâu lắc.

Vào quán, gọi phục vụ chậm, lập tức đứng lên. Đến quán một lần, cảm thấy thức ăn ngon nhưng không khí quán, thái độ của nhân viên không thoải mái. Chắc chắn không bao giờ đến nữa.

Người Sài Gòn, ít đến quán để chứng tỏ đẳng cấp. Đương nhiên, không phải tất cả đều vậy, tôi chỉ nói về số đông. Đó là lý do, vì sao dân Sài Gòn thích ngồi vỉa hè đến vậy.

Bằng hữu lâu ngày gặp nhau, lôi nhau ra vỉa hè. Bạn bè nhiều năm gặp lại, hẹn hò ra vỉa hè. Tiếp khách cũng ở vỉa hè. Riết rồi thành thói, vỉa hè như là đặc trưng không thể thiếu ở Sài Gòn.

Sài Gòn ngộ lắm. Người ta có thể vào quán lúc 2 giờ sáng để uống đến khi rạng đông đang lấp ló. Và người ta cũng có thể xỏ giày lao vào sân bóng mini để đá bóng lúc 3 giờ… Riêng chuyện uống, ở Sài Gòn riết thành nếp, quá ít người Sài Gòn đi uống vào buổi trưa. Chiều tan tầm, họ mới bắt đầu uống. Uống là uống đến khuya, uống quên đường về. Tôi có ông bạn, cứ vài ngày là đo đường một lần vì cái chuyện uống.

Người Sài Gòn, đi chơi cũng lạ. Nhắn nhau: “Tối tụ tập”. Ngồi với nhau, cầm thực đơn là gọi thoải mái, uống tẹt ga.  Đến khi đưa hóa đơn tính tiền, cứ dựa theo số lượng người ngồi mà chia ra. Ai bận việc về trước, cứ để một ít tiền vào giữa bàn. Không lằng nhằng giữ lại, cũng không cạnh khóe kiểu, sợ vợ la con khóc.

 Những người gốc Sài Gòn mà tôi biết, ăn mặc cũng thoải mái. Sáng vớ cái áo nào là tròng vào cái áo đó. Không quá so đo, màu này phải hợp với màu kia để đúng mốt. Đi làm thì mang giày, tót khỏi cơ quan là dép lê, dép nhựa, dép Lào, loại gì cũng được miễn sao đừng đi chân đất. Tất nhiên, cũng có người này người kia quan tâm đến ngoại hình. Nhưng số đông, ít khi chăm chút vẻ ngoài cho bản thân. Thấy được là được, biết được là được. Thậm chí, ngay chỗ ở cũng là thứ ít được quan tâm. Có những căn nhà bé xíu, kê đúng được cái giường nằm, không có không gian cho nhà bếp, nhà bếp cũng là nơi vệ sinh. Vẫn thoải mái thôi, sáng đi làm, tối về quăng mình ngủ. Xong, hết một ngày.

Ngoại trừ mấy cậu nhóc bụi đời tập tành làm đại ca giang hồ, đắm mình vào các tình tiết đượm màu xã hội đen thì Sài Gòn ít khi xảy ra những hệ quả của mâu thuẫn. Ra đường, quệt xe, nhìn nhau một cái, có lúc không cần mở miệng, lại cắm mặt đi. Xe ôtô bị xe máy quệt vào, tài xế không cần xuống, chỉ liếc rồi lại đạp ga… Đại loại, chuyện không lớn thì xem như không có gì.

Ngay cả thói quen thường được tranh luận là thói quen đọc cũng vậy. Ai thích đọc gì thì đọc đó, ai thích xem gì thì xem đó. Không ai rảnh để tranh luận, đọc vậy là văn hóa thấp, đọc kia là văn hóa cao. Một dạo rất dài, người Sài Gòn phát cuồng với truyện chưởng. Biết là phù phiếm, biết là không thực tế, nhưng thích thì đọc thôi. Ai nói gì mặc kệ.

Có người bạn trên facebook than rằng: “Ham ăn bát canh cua Hải Phòng ở Sài Gòn, suýt trễ chuyến bay mà dở ẹc”.

Sài Gòn không phải là mảnh đất của ẩm thực. Hơn nữa, khẩu vị trong này thứ gì cũng ngòn ngọt, thức gì cũng ngậy béo. Ăn là chuyện không được để tâm lắm. Chỉ cần trong bát có nhiều thức ăn, là mọi thứ xong hết. Cà phê vỉa hè cũng vậy, biết là uống hóa chất, biết là thứ ấy không phải cà phê nguyên chất. Nhưng vẫn cứ uống, mặc chuyện những cảnh báo từ bệnh tật nọ kia.

Ngay cả chuyện ăn phở, chuyện thường nhất. Sài Gòn, quán phở nào mà không có tương đen để cho ngọt nước là xem như chỉ bán được cho thực khách là những người đã quen vị phở miền Bắc. Nơi này, ngay cả hủ tiếu người ta cũng ăn với tương cho dễ chịu. Ngoài Sài Gòn ra, có đâu lại bán bún bò Huế kèm theo giò nạc, giò gân hay móng heo.

Trên hết tất cả những đặc trưng ấy, chính là điều cốt lõi, Sài Gòn dễ sống. Sài Gòn dễ sống vô cùng, ít tiền sống cũng được, nhiều tiền sống cũng được. Chắc chắn, không có tiền thì ở đâu cũng khó sống.

Thế nên, chẳng có gì là ngạc nhiên khi mà Sài Gòn là niềm hy vọng cho rất nhiều cá nhân ở quê. Mức sống hay thụ hưởng tùy theo khả năng kinh tế của từng người, nhưng hẳn là không khốc liệt như nhiều người từng tưởng tượng. Thích thì ăn sáng ở những nơi giá một tô phở hơn trăm ngàn. Không thích thì ghé đại chỗ nào đó, ăn một tô phở giá mười lăm nghìn. Dạo này, Sài Gòn còn bán cả thức ăn sáng nóng sốt bằng xe gắn máy.

Hai vợ chồng chạy hai xe riêng, phía sau xe vợ hoặc chồng là nồi nước lèo, phía sau xe chồng là bún, rau, bát ăn liền. Tấp vào công trình xây dựng nào đó, đá chân chống xe là bán.

Cà phê cóc cũng vậy. Ở trung tâm Sài Gòn, có quán cà phê cóc đặt trên chiếc ôtô 12 chỗ ngồi loại cũ. Chủ quán tháo hết ghế ngồi trong xe, thay vào là nước đá, két nước ngọt, cà phê. Bán hết giờ, quẳng hết vật dụng lỉnh kỉnh lên xe, đề máy chạy về nhà.

Ngay cô bán cà phê cóc trước trường đại học cũ của tôi, chỉ với cái quầy cà phê nhỏ ấy, sắm được nhà ở Sài Gòn. Lo cho hai cậu con trai ăn học đến nơi đến chốn, cưới vợ ra ở riêng. Mà giá cà phê cóc trước là 3 ngàn/ly, sau tăng lên 5 ngàn/ly.

Còn giả như không biết làm gì nữa, thì kiếm ít lá dừa non, ngồi đan thành hình con cào cào, cái máy bay… bán ở ngã tư đèn xanh đỏ, vẫn có thể tàm tạm mưu sinh.

 Tất nhiên là tổng quan Sài Gòn không phải đều như tôi đã viết. Vẫn có những người Sài Gòn kiểu cách, tạm gọi là tầng lớp trên. Nhưng tôi đã nghe những câu chuyện về các ông chủ ngân hàng, vẫn sáng lang thang cà phê cóc đọc báo, tán chuyện với mấy anh chạy xe Honda ôm. Điều hết sức bình thường vẫn diễn ra ở thành phố này.

Như khi vào quán, có cậu nhóc hay cô bé nào đó, mời mua kẹo cao su, hoa hồng hay đơn giản là xòe tay xin tiền. Phía trước quán, ẩn khuất nơi góc cây là một tay chăn dắt ngồi trên xe Honda chờ sẵn. Biết là biết vậy chứ, nhưng vẫn móc ví cho cậu nhóc, cô bé ít tiền hay mua cho thứ gì đó. Đâu có sao, cứ coi như đó là một cách để mưu sinh.

Sài Gòn là chốn của nhiều người, đến từ nhiều vùng khác nhau. Nên đa phần vào bất cứ nơi nào, nói bất cứ giọng nói nào thì giá tiền vẫn không thay đổi. Có nơi nào mà xách cái balô hư dây kéo, ra anh thợ sửa dây kéo vỉa hè nhờ chỉnh lại, hỏi bao nhiêu tiền, đáp “Tôi, sửa dùm”, đưa tiền nhất định không lấy. Sài Gòn vậy thôi, chuyện vặt không đáng quan tâm. Người Sài Gòn, ít có nếp mời khách về nhà để chiêu đãi này kia. Ngoại trừ những dịp quan trọng. Cứ ra quán, kéo nhau ra quán là xong hết.

Có điều này, không biết chắc đúng không, chứ tôi nghiệm như vậy. Hai thằng bạn ở Sài Gòn lâu năm, đêm qua gây nhau đúng kiểu, mày sống thì tao chết. Sáng mai, lại có thể tươi cười cùng nhau ngồi tán chuyện đủ thứ trên trời dưới đất.

Tháng Chạp rồi, Sài Gòn vẫn run rẩy hây hây!

 

Kinh Luân

Số Xuân 2016