Quảng Ngãi phát triển mạnh khai thác hải sản xa bờ

09:15 | 15/01/2018

405 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nghề khai thác thủy sản trong những năm gần đây tại Quảng Ngãi phát triển mạnh theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm dần khai thác gần bờ và tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV, tăng lượng tàu cá có công suất 400CV trở lên.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, sản lượng thủy hải sản năm 2017 của tỉnh đạt gần 191.400 tấn, tăng gần 8% so với năm 2016; trong đó, hải sản khai thác trên biển đạt 184.400 tấn. Việc khai thác hải sản trên biển góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống ngư dân.

quang ngai phat trien manh khai thac hai san xa bo
Tàu cá đóng mới, cải hoán theo Nghị định 67 của Chính phủ tại tỉnh Quảng Ngãi

Năm 2017, tỉnh tiếp nhận 145 hồ sơ tàu cá đã được phê duyệt theo Nghị định 67 gồm 102 tàu đóng mới, 43 tàu cải hoán; đã hoàn thành đưa vào khai thác 53 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ thép và 1 tàu composit. Hầu hết các tàu này đều có công suất 400-900CV.

Quảng Ngãi luôn xác định, phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế biển, đảo đến năm 2020. Mục tiêu tổng quát là đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đề án đề ra các chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2016-2020 như GRDP các huyện, thành phố ven biển tăng bình quân trên 6%/năm, đến năm 2020 đóng góp trên 90% GRDP toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đóng góp trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 5.541 tàu cá, với tổng công suất hơn 1,5 triệu CV, bình quân 277CV/chiếc.

Tỉnh đã xác định 9 nhóm nhiệm vụ và xây dựng nhiều giải pháp cụ thể hóa những nhiệm vụ này như: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch phát triển kinh tế biển, vùng ven biển của tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Điều này nhằm bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn dài hạn, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa phát triển vùng biển, ven biển, đảo với phát triển vùng nội địa, giữa phát triển các ngành nghề trên biển với các ngành nghề trên đất liền liên quan trực tiếp đến khai thác biển.

Cùng với đó, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển, vùng ven biển của tỉnh; huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo.

Sỹ Thắng