“Phòng cháy” cho những sai lầm!

07:00 | 27/01/2018

259 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong quản lý vĩ mô, một trong những điều tối kỵ là thiếu chiến lược dài hạn, vừa làm vừa mò mẫm, khi thấy sai lầm thì ra quyết định theo kiểu “giật cục”, “phanh gấp”. Tất nhiên, liền theo đấy là nhẹ thì xô ngã, nặng thì đổ vỡ, cái giá phải trả không hề nhỏ.

Theo quan điểm của PGS.TS Vũ Minh Khương, Giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), một khi chiến lược không rõ ràng thì hậu quả thường được giải quyết bằng cách tháo gỡ. Ông cho rằng, tháo gỡ chưa phải là chiến lược. Tháo gỡ là "chiến sĩ chữa cháy”, thấy đám cháy này, đám cháy kia thì xông vào. "Đập muỗi thì không bao giờ nhà sạch được mà phải để môi trường sạch sẽ, thông thoáng lên".

Thực tiễn trong quá trình phát triển kinh tế nước nhà trong những năm qua đã để lại nhiều “đám cháy” không hề dễ chữa. Ta hãy thử phân tích một ví dụ về quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.

phong chay cho nhung sai lam
Cảng Quy Nhơn

Hôm mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ về làm việc tại tỉnh Bình Định. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành làm sao để Cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của Nhà nước.

Theo ông Tùng, Cảng Quy Nhơn có vị thế chiến lược rất quan trọng, vốn là niềm tự hào của tỉnh Bình Định, là vị thế của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, vừa qua, việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, bán cảng này cho tư nhân, cán bộ, nhân dân Bình Định rất buồn...

Sự kiện này khiến nhiều người phải suy nghĩ và đặt câu hỏi: Cảng Quy Nhơn xưa nay vẫn trời ấy, đất ấy, con người vốn đầy hào sảng và quả cảm ấy, mà trước khi cổ phần hóa không nói lên được tầm quan trọng và niềm tự hào?

Tiếp theo, việc cổ phần hóa được diễn ra ở nhiều cảng biển, từ Bắc vào Nam, như các cảng Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn... chứ đâu chỉ riêng Cảng Quy Nhơn. Với Bình Định thì như vậy, còn với các địa phương khác thì sao?

Tiếp nữa, đây là một chủ trương lớn ở tầm vĩ mô nhằm tái cấu trúc nền kinh tế quốc gia bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc quản lý không hiệu quả của DNNN trước đây, mà cụ thể là Vinalines. Nay “đòi” lại, điều gì bảo đảm rằng, chúng sẽ không đi theo vết xe đổ trước đây để trở thành một niềm tự hào đích thực trong tương lai?...

Và nếu theo như quan điểm của Bình Định, việc “bán cảng này cho tư nhân” là một sai lầm thì tôi cho rằng, “đám cháy” này muốn chữa cũng không hề dễ dàng.

May thay cho Bình Định, vụ việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn đã xuất hiện một số thông tin bất thường, có dấu hiệu làm thất thoát tài sản Nhà nước, khiến cơ quan thanh tra phải vào cuộc.

Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1, có cơ sở hạ tầng rất quy mô. Theo nhiều chuyên gia, riêng cầu tàu tiếp nhận được tàu 50.000 tấn, vốn xây dựng phải hơn 1.000 tỉ đồng. Cảng còn có 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỉ đồng. Nếu tính riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên 150 tỉ đồng. Đó là chưa kể kho bãi, đất đai thuộc cảng rất lớn. Với khối tài sản đồ sộ như vậy nhưng trước khi cổ phần hóa, Cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỉ đồng (!?). Trong khi đó, có nguồn tin cho hay, đã từng có doanh nghiệp đặt vấn đề mua lại cảng với giá 2.000 tỉ đồng.

Chuyện đúng sai, thất thoát hay không, cần phải chờ kết luận của các cơ quan có trách nhiệm, vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao lại cứ để xảy ra cháy rồi mới chữa? Cần lưu ý rằng, tháng 7-2015, Bình Định đã từng có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương bán phần vốn còn lại cho “nhà đầu tư chiến lược” để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng Quy Nhơn (!).

Điều này đã chứng minh rằng, về vấn đề cảng biển, Bình Định đã không có một chiến lược rõ ràng và vì thế, hậu quả của nó đành phải giải quyết bằng cách tháo gỡ như vậy.

Trở lại vấn đề “chiến lược”, PGS.TS Vũ Minh Khương cho biết, ông đang hợp tác với một tỉnh để rà soát lại tất cả các chính sách. Sau đó tiến hành chấm điểm theo thang xuất sắc, khá, trung bình, thấp hoặc rất kém, nếu chính sách nào thấp thì phải bị loại ra. Ông nói: "Bao giờ chính phủ coi chính sách là một sản phẩm phải tiếp thị, phải nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, phải thiết kế gọi người dân đến đánh giá xem có đảm bảo không mới đưa ra, kể cả BOT hay là các chính sách khác, thì lúc đó, người dân mới cảm thấy mình là một phần tác giả của chính sách".

Khi đông đảo người dân “là một phần tác giả của chính sách” chính là phương pháp “phòng cháy” tốt nhất cho những sai lầm.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng:

“Bây giờ bán Cảng Quy Nhơn cho tư nhân, tỉnh không biết quy hoạch, phát triển ra sao, trách nhiệm của tỉnh sao đây. Hiện nay, tỉnh rất lúng túng không biết chỉ đạo ra sao. Tôi xin thay mặt cho cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Thủ tướng làm sao cho Cảng Quy Nhơn trở lại là cảng của Nhà nước, không cổ phần hóa gì hết”.

TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đồng quan điểm của Bình Định: “Đây là bức xúc của nhân dân tỉnh Bình Định, ngay cả cá nhân tôi cũng rất bức xúc. Nếu Quy Nhơn không còn cảng thì mất hết lợi thế phát triển. Vấn đề ở đây không chỉ là phát triển kinh tế mà còn liên quan đến cả an ninh quốc phòng, chiến lược quốc gia và chiến lược dài hạn”.

Nguyễn Long Vân