"Ôsin" - nghề được pháp luật bảo vệ

09:02 | 23/10/2017

1,480 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày nay, giúp việc gia đình không còn xa lạ đối với người Việt và đây là loại hình công việc được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng pháp luật vào quan hệ lao động này vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ. 

Những bản hợp đồng “miệng”

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, nhu cầu về lao động giúp việc gia đình trong và ngoài nước ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, nước ta đã có một bước tiến lớn trong việc tăng cường bảo vệ pháp lý cho người giúp việc gia đình thông qua Bộ luật Lao động năm 2012 và Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 7-4-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, cũng như Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Quốc hội ban hành ngày 29-11-2006.

osin nghe duoc phap luat bao ve
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Tuy nhiên, do phải làm việc trong môi trường khép kín, bị đánh giá thấp, không được ràng buộc bởi các điều khoản rõ ràng về việc làm nên lao động giúp việc gia đình ít được bảo vệ bởi luật pháp. Do đó, nhiều người sử dụng lao động đã cố tình phớt lờ chế độ an sinh xã hội (ASXH) như: chế độ tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế; hỗ trợ thất nghiệp... Đặc biệt, nhiều trường hợp lao động còn bị bóc lột sức lao động, thậm chí bị xâm hại tại chính gia chủ nơi họ đang làm việc.

Hơn 10 năm làm nghề giúp việc gia đình trên địa bàn Hà Nội, cô Nguyễn Thị Thực (quê ở Nam Định) chia sẻ, hơn 10 năm qua cô đã làm nghề giúp việc cho 4 gia đình với rất nhiều công việc, như: chăm sóc trẻ, chăm người già, làm việc nhà… Tuy nhiên, tất cả đều là do người thân giới thiệu đến làm giúp việc chứ không được ký bất cứ hợp đồng lao động nào với chủ nhà, mức lương và công việc cần làm đều được thỏa thuận bằng miệng.

“Nếu gia chủ dễ tính, thoải mái thì ngày lễ, tết được nghỉ, hoặc được thưởng thêm tiền, còn không đành phải chịu. Thậm chí, có gia đình thuê tôi về chăm sóc em bé nhưng toàn bộ việc nhà cũng phải làm” - cô Thực cho hay.

Không chỉ giúp việc gia đình trong nước mà lao động đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài cũng bị phớt lờ các chế độ ASXH. Tại các nước Đông Nam Á, hiện vẫn chưa có thỏa thuận về ASXH được ký kết giữa các nước thành viên cho đối tượng là giúp việc gia đình. Do đó, lao động di cư quốc tế chưa được quyền tiếp cận ASXH như người dân sở tại.

Trước những bất cập trên, tại Hội thảo Quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn Lao động di cư ASEAN lần thứ 10, bà Nguyễn Thị Ánh Hằng - Phó trưởng phòng Nhật Bản - Châu Âu - Đông Nam Á (Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay: Hiện nay, lao động Việt Nam chủ yếu đi làm giúp việc gia đình tại các thị trường như Đài Loan, Arập Xêút, Macao... Tuy nhiên, người lao động Việt Nam không được áp dụng các quy định trong pháp luật của nước tiếp nhận nên không được pháp luật bảo vệ. Trong khi đó, việc giải quyết các vụ việc phát sinh đối với lao động giúp việc gia đình khá phức tạp.

Quyền lợi chính đáng

Theo các chuyên gia về lao động và việc làm, ở nước ta hiện nay, tầng lớp trung lưu tăng cao, nhu cầu về lao động giúp việc gia đình vì thế cũng tăng trong những năm gần đây. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, lao động di cư là một phần không thể tách rời giữa các nền kinh tế. Người lao động di cư đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đối với cả quốc gia phái cử và tiếp nhận lao động. Vì vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quyền được làm việc và chế độ ASXH đối với người giúp việc gia đình trong và ngoài nước là một việc làm hết sức cấp thiết.

osin nghe duoc phap luat bao ve

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, mối quan hệ giữa người giúp việc và người sử dụng lao động tồn tại từ lâu. Đặc biệt, từ khi Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực, đã khẳng định rằng người giúp việc gia đình là người lao động, người thuê họ là người sử dụng lao động, cả hai chủ thể này có vị trí ngang hàng nhau trong quan hệ lao động như bất cứ nghề nào khác. Do vậy, dù làm việc trong hay ngoài nước, người lao động trong nhóm này đều phải được hưởng đầy đủ quy định về mức lương tối thiểu, đóng bảo hiểm, chế độ làm việc vào ngày nghỉ, dịp lễ tết, thời gian nghỉ ngơi tối thiểu và nghỉ phép hằng năm.

“Một thực tế hiện nay, người giúp việc gia đình vẫn là những lao động yếu thế, bị đánh giá thấp. Vì vậy, họ cần được quan tâm và bảo vệ nhiều hơn nữa từ các cơ quan chức năng liên quan” - ông Quảng nói.

Cũng theo ông Quảng, do tính chất riêng biệt của mỗi quốc gia trên thế giới, để bảo đảm quyền lợi cho lao động giúp việc khi đi làm việc ở nước ngoài cần phải ký các thỏa thuận giữa các nước để tạo khuôn khổ pháp lý, quản lý, bảo đảm quyền quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng cần nêu vấn đề bảo vệ lao động giúp việc gia đình trên các diễn đàn quốc tế để nâng cao công tác bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, hiện có hơn 53 triệu lao động giúp việc gia đình trên toàn cầu, trong đó tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có khoảng 21 triệu lao động. Phần lớn lao động giúp việc gia đình là phụ nữ (chiếm hơn 80%).

Diễn đàn Lao động di cư ASEAN (AFML) là hoạt động thường niên được tổ chức tại nước chủ nhà ASEAN trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban ASEAN, nhằm thực hiện tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư.

Đông Nghi - Thiên Minh