NSƯT Trần Đức: Âm nhạc thiếu nhi rất cần nhưng đang thiếu

07:48 | 02/06/2012

831 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi gameshow (cả sân khấu lẫn truyền hình) đang bị xem là bội thực, thì sân chơi dành cho thiếu nhi lại chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn. Sau thế hệ các nhạc sĩ như Trần Đức, Hàn Ngọc Bích, Phạm Tuyên, Hoàng Long Hoàng Lân… gần như nền âm nhạc đương đại Việt Nam không có thế hệ tác giả kế tiếp chuyên sáng tác cho trẻ em.

Không ít người lo ngại rằng, một ngày nào đó sẽ chẳng có sáng tác mới và hiển nhiên, trẻ em sẽ đi học và hát những bài dành cho người lớn đang được sáng tác tràn lan như một thảm họa âm nhạc gần đây. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với NSƯT – nhạc sĩ Trần Đức, nguyên Phó trưởng ban Khoa giáo VTV2 Đài THVN xung quanh vấn đề này.

PV: Trước hết, xin chúc mừng nhạc sĩ vì chương trình “Những bông hoa nhỏ” được tái sản xuất và phát sóng trở lại sau gần 20 năm tạm ngưng. Là cha đẻ của chương trình dành cho thiếu nhi đã từng được tặng thưởng Huân chương Lao động này, ông suy nghĩ như thế nào về quyết định đó của Đài THVN? Vì sao phải sản xuất lại chương trình này?

NSƯT, nhạc sĩ Trần Đức: Với tư cách là người sáng lập và đặt tên cho chương trình từ năm 1970, đồng thời góp phần đào tạo một đội ngũ đầu tiên để thực hiện chương trình, tôi rất phấn khởi vì Đài THVN đã cho khôi phục lại tên của chương trình “Những bông hoa nhỏ”, giữ nguyên cả hình hiệu và nhạc hiệu, bởi lẽ sau 25 năm tồn tại và phát triển, chương trình này đã gắn bó với bao thế hệ và góp phần vào sự trưởng thành của các em. Về quyết định cần phải khôi phục lại cái tên “Những bông hoa nhỏ”, tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết để giữ lại những giá trị văn hóa và giáo dục của một thời và tất nhiên sẽ phải có những chủ đề mới để phù hợp với lứa tuổi hiện tại.

PV: Là người gắn bó với thiếu nhi cả trên lĩnh vực sáng tác và báo chí, ông có theo dõi các sân chơi mới dành cho thiếu nhi gần đây không? Và nhận xét như thế nào về các sân chơi này?

NSƯT, nhạc sĩ Trần Đức: Tôi nghỉ hưu từ năm 1997, ngoài việc tham gia thực hiện một số chương trình của đài còn lại phần lớn thời gian tôi sáng tác ca khúc cho trẻ em, nên chỉ thỉnh thoảng mới xem một vài chương trình có thiện cảm như “Theo dòng lịch sử” của VTV2, hay “Thần đồng đất Việt” của VTC, nhưng “Thần đồng đất Việt” đã lâu không thấy xuất hiện. Một số chương trình ca múa nhạc hoặc hoạt cảnh cho mẫu giáo và nhi đồng của một số đài, tôi có cảm giác các em chưa được hồn nhiên, dấu ấn “chỉ đạo” của người lớn khá rõ, cần phải để các em hồn nhiên hơn nữa.

PV: Rất lâu rồi, sau thế hệ các nhạc sĩ Trần Đức, Phạm Tuyên, Hoàng Long Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích… hình như không thấy có thế hệ kế tiếp chuyên viết cho thiếu nhi. Ông có sợ rằng, một ngày nào đó sẽ không còn nhạc sĩ nào viết thêm những sáng tác mới cho thiếu nhi? Vì sao càng ngày càng ít có nhạc sĩ viết cho thiếu thi?

NSƯT, nhạc sĩ Trần Đức: Chúng tôi vẫn viết và vẫn có sáng tác mới cho các em. Tôi biết có một số anh em trẻ vẫn say mê với đề tài thiếu nhi. Nhưng cũng phải thừa nhận là ca khúc cho thiếu nhi hiện thưa thớt hẳn. Vì đề tài thiếu nhi rất khó tìm được đầu ra, viết ca khúc cho người lớn dễ được dùng hơn. Các nhà văn hóa, các câu lạc bộ từ cơ sở lên đến thành phố, tỉnh, lâu lắm chưa có một cuộc vận động sáng tác và có giải thưởng thích đáng cho các ca khúc thiếu nhi mới và hay. Ca khúc thiếu nhi chưa có một tổ chức nào đầu tư công sức chăm lo như những sân chơi dành cho người lớn.

PV: Nếu sữa mẹ nuôi lớn cơ thể các em thì âm nhạc nghệ thuật nuôi lớn tâm hồn các em, nhưng cũng chính bởi vì điều đó nên thật đáng lo ngại khi mà bây giờ, các em thích chơi game hơn là tập múa hát, thích hát nhạc ngoại hơn nhạc Việt, thích hát bài người lớn hơn bài trẻ em. Vấn đề là chúng ta chỉnh sửa nó thế nào?

NSƯT, nhạc sĩ Trần Đức: Âm nhạc cho thiếu nhi rất cần nhưng lại đang rất thiếu. Hệ thống giáo dục của chúng ta chưa coi trọng việc giáo dục âm nhạc trong nhà trường trong khi nó phải là một bộ môn cần thiết và hấp dẫn với tuổi thơ. Các phụ huynh thì mải mê trên thương trường. Thời nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, với những gia đình cán bộ bình thường trở lên thì một hai máy tính trong nhà là chuyện bình thường. Các cô, các cậu 9, 10 tuổi mở máy chơi game, nghe đủ các loại nhạc là chuyện bình thường. Thậm chí còn được coi đó là một phương tiện “giữ con”. Việc “chỉnh sửa” này cần phải làm đồng bộ từ ngành giáo dục cho đến Đoàn Thanh niên và có sự chia sẻ của gia đình. Nếu không đến một lúc nào đó con em chúng ta có ngoại ngữ, có công nghệ thông tin, nhưng bảo em hãy hát một câu cò lả, chắc nhiều em sẽ lắc đầu, trừ một số em theo học nghệ thuật. Theo tôi quỹ đạo đó đã lệch khá nhiều rồi.

PV: Không thể phủ nhận “Những bông hoa nhỏ” đã có những thành công nhất định, nhưng bây giờ, điều kiện sống, thị hiếu, sở thích của thiếu nhi đã khác, làm lại chương trình này nói riêng và xây dựng một sân chơi dành cho thiếu nhi bây giờ nói chung, cần chú ý những điểm nào, thưa nhạc sĩ?

NSƯT, nhạc sĩ Trần Đức: Đúng là “Những bông hoa nhỏ” trong suốt mấy chục năm dùng ngôn ngữ truyền hình góp phần định hướng giáo dục và giải trí lành mạnh cho bao thế hệ tuổi thơ, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì cần phải có một format chương trình thích hợp hơn, thậm chí phải tạo những sân chơi để các em vừa được giáo dục kiến thức, vừa được thưởng ngoạn nhiều chương trình hay. Điều này phụ thuộc vào tâm huyết và tài năng của những người thực hiện chương trình và đông đảo đội ngũ cộng tác viên.

PV: Riêng về mảng sáng tác, âm nhạc có chức năng định hướng, nhưng trước khi định hướng thì phải để các em chịu nghe đã. Với tư cách là người cầm bút, ông nghĩ các nhạc sĩ viết cho thiếu nhi có cần thay đổi mình không? Tiết tấu nhanh hơn chẳng hạn?

NSƯT, nhạc sĩ Trần Đức: Quả là viết ca khúc cho thiếu nhi muốn có tính định hướng và được các em chấp nhận trong một xã hội đang phát triển mạnh mẽ, có nhiều sự thay đổi so với trước đây sẽ không đơn giản chút nào. Tôi nghĩ, những giai điệu mới mẻ, một tiết tấu phù hợp với cuộc sống sôi động và ca từ hay, có tính văn học có thể sẽ cổ vũ hoặc định hướng cho các em một lý tưởng tốt đẹp và quan trọng hơn là sẽ giúp nuôi lớn trong các em khát vọng trở thành người giỏi giang và có ích cho đất nước…

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Thành Lê (thực hiện)

Năng lượng Mới số 125, ra thứ Sáu ngày 1/6/2012