“Nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng NN&PTNT là thị trường!”

00:00 | 30/11/-0001

736 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trả lời chất vấn của các Đại biểu QH trong phiên làm việc sáng nay (11/6), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã thẳng thắn thừa nhận những tồn tại của ngành, đồng thời chia sẻ những băn khoăn.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát. Các nội dung về đầu ra của sản phẩm nông nghiệp và công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, liên kết 4 nhà… cũng là nội dung được rất nhiều cử tri cả nước quan tâm.

“Nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng NN&PTNT là thị trường!”

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhắc lại quan điểm điều hành của Chính phủ về nông nghiệp. Đó là nền kinh tế vĩ mô đang theo đuổi cơ chế thị trường, nên nông nghiệp không thể nằm ngoài cơ chế đó. Đặc biệt, trong thời gian hội nhập kinh tế thế giới sâu sắc tới, nông nghiệp là ngành có ảnh hưởng rõ nét nhất và cần có những động thái sớm nhất.

“Thị trường nông sản luôn có sự thay đổi, vì vậy để đạt được sự ổn định tương đối, chúng ta phải phản ứng nhanh nhạy với thị trường trong và ngoài nước. Chúng ta không thể kỳ vọng thị trường có giá ổn định ở mức cao, có lợi cho nông dân mãi được, mà chúng ta phải học cách thích ứng với thị trường,” tư lệnh ngành nông nghiệp phát biểu.

Để thích ứng, cách tốt nhất là chúng ta phải lựa chọn, phát huy lợi thế của đất nước, hỗ trợ bà con làm ra sản phẩm cao, giá thành cao để trong mọi tình huống có khả năng cạnh tranh cao, bán giá có lợi cho bà con. Hiện nay, trước diễn biến mới khi hội nhập thị trường quốc tế, Chính phủ phủ sẽ có nhiều hỗ trợ hơn cho nông sản, cho bà con nông dân nhất là những lúc thị trường có biến động bất lợi. “Thực tế mà nói, nỗi lo lớn nhất với Bộ trưởng NN&PTNT hiện tại chính là thị trường!”

Đối với công nghệ sau thu hoạch, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp. “Xin thưa Quốc hội, trong thời gian tới doanh nghiệp phải là trung tâm của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Nông dân sẽ làm việc với doanh nghiệp, sản xuất, nuôi trồng nông, thủy hải sản theo nhu cầu của thị trường, theo thực tế thị trường các doanh nghiệp đang có. Quan trọng là doanh nghiệp mới có nhiều thông tin, có năng lực tài chính để đầu tư bảo quản, chế biến sâu theo như cầu của thị trường.

Đại biểu Lê Cung Đỉnh (Long An) đưa ra thực trang, và cũng là chất vấn khá thú vị. Đó là Việt Nam nằm trong Top 3 các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, nhưng người nông dân lại nghèo nhất cả nước, nhiều hộ không đủ ăn quanh năm...

Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra thống kê, để một hộ nông dân trồng lúa sống được thì ít nhất phải có 2 ha đất. Hiện nay, mỗi hộ nông dân của Việt Nam có chưa đến 0,5 ha, cá biệt đa số là 0,2ha, 0,3 ha… như vậy nông dân không thể sống được.

“Để nói bà con làm giàu thì rất khó… Chúng ta chỉ còn cách nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu để giúp đỡ người dân. Mà việc này cần thời gian và nguồn lực… Giải pháp trước mắt là ngành nông nghiệp tích cực nghiên cứu và hỗ trợ người dân tạm thời chuyển đổi mô hình cây trồng, tùy thời tiết và thổ nhưỡng từng địa phương. Vì lúa gạo còn liên quan đến an ninh lương thực…”.

Trong gần 30 câu hỏi gửi đến chất vấn Bộ trưởng, còn nhiều nội dung được cử tri cả nước quan tâm là trên là vấn đề liên kết "bốn nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) và chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Đầu giờ chiều hôm nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục đăng đàn làm rõ những chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

Lê Tùng (theo Năng lượng Mới)