Những điều chưa biết về OPEC

07:00 | 03/06/2018

949 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể coi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như là một liên minh độc quyền luôn tìm cách giữ giá dầu ở mức có lợi nhất cho các nước thành viên. Hiện các nước thành viên OPEC khai thác khoảng 40% tổng sản lượng dầu mỏ thế giới và nắm giữ khoảng 3/4 trữ lượng dầu thế giới.

Tòa nhà “Karl Lueger King”, “Texaco” và OPEC

Tòa nhà mà OPEC đặt trụ sở chính từ năm 1965 tại thủ đô Viên, Áo ban đầu được lấy tên là Karl Lueger King (1844-1910), một chính khách nổi tiếng cũng là người được Adolf Hiltler nhắc đến trong một số bài diễn văn, người lãnh đạo và sáng lập Đảng xã hội thiên chúa của nước Áo. Tòa nhà có đặc điểm đổi tên theo tên người thuê hiếm có trên thế giới với công ty dầu khí nổi tiếng thuê trước đó là Texaco, gọi là Tòa nhà Texaco và sau này đổi tên thành Tòa nhà OPEC.

nhung dieu chua biet ve opec

Việc thay đổi tên gọi trụ sở chính gắn liền với giai đoạn giao thời quyền lực của các công ty dầu khí lớn và các nước xuất khẩu dầu khí.

Từ thời kỳ hoàng kim của đế chế dầu mỏ Standard bắt đầu từ những thập niên cuối thế kỷ XIX với những chiếc vòi bạch tuộc vươn xa chi phối, lũng đoạn, thâu tóm các hoạt động từ khảo sát, thăm dò, khai thác dầu khí cũng như các hoạt động lọc hóa dầu tại Mỹ. Rồi kể từ năm 1911, sau khi Standard Oil tan rã thành nhiều công ty con, sự xuất hiện những công ty dầu mỏ lớn, liên doanh dầu mỏ quyền lực nhiều ảnh hưởng tới cung cầu dầu mỏ thế giới, có tiếng nói cuối cùng tác động lên giá dầu mỏ như các thế lực dầu mỏ Standard Oil, Shell, Texaco, Royal Dutch Oil…

Trong giai đoạn từ cuối thế kỷ IX đến giữa thế kỷ XX, sản lượng dầu mỏ trên thế giới chủ yếu do 7 công ty nắm giữ. 7 công ty này (còn gọi là “Seven Sisters”) là Ango-Petroleum Oil Company (nay là BP), Gulf Oil, Standard Oil of California (SoCal), Texasco (nay là Chevron), Royal Dutch Shell, Standard Oil of New Jersey (Esso) và Standard Oil of New York (Socony).

Việc tăng - giảm giá dầu xuất phát trừ các công ty dầu mỏ quyền lực Mỹ, Tây Âu thường kéo theo những khó khăn đối với những nước phụ thuộc dầu và gây ra những phản ứng gay gắt từ phía các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông và sự xuất hiện của OPEC đã đánh dấu giai đoạn quyền lực chuyển giao từ các công ty dầu mỏ lớn sang hiệp hội các nước xuất khẩu dầu lớn. Sự thay đổi tượng trưng cho sự thay đổi toàn cầu.

Vì sao OPEC thay đổi địa điểm đặt trụ sở?

Vào tháng 9-1960, Iraq, Iran, Kuwait, Arập Xêút và Venezuela nhóm họp tại Baghdad, thủ đô của Iraq để thảo luận các phương án nhằm tăng giá dầu thô sản xuất ở các quốc gia này. OPEC được thành lập trong sự kiện này với mục tiêu nhằm thống nhất và phối hợp các chính sách về dầu mỏ của các quốc gia thành viên.

Trong 5 năm đầu tiên, trụ sở chính của OPEC được đặt tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên Chính phủ Thụy Sĩ lại nghi ngờ về tầm quan trọng, sự nghiêm túc cũng như vai trò của tổ chức này và từ chối cung cấp quy chế ngoại giao tương xứng với vai trò của OPEC. Trong khi đó nước láng giềng Áo lại sẵn sàng đón nhận OPEC và rất hào hứng với việc OPEC di dời trụ sở đến thủ đô Viên. Việc đón nhận OPEC đặt trụ sở tại Viên sẽ mang lại cho Áo nhiều lợi ích nhất là uy tín quốc tế là điều mà nước Áo rất cần tại thời điểm đó. Như vậy, bất chấp việc giao thông đi lại đường hàng không khó khăn thời điểm đó với một số trạm trung chuyển khó khăn. OPEC quyết định đặt trụ sở tại Viên, Áo vào tháng 5-1965.

Vai trò mờ nhạt trong giai đoạn mới thành lập

Giai đoạn 1960-1965 là giai đoạn sơ khai và ít tiếng tăm nhất của OPEC với mục đích ban đầu là xác lập chủ quyền của các nước xuất khẩu dầu mỏ đối với tài nguyên trời phú của họ.

Từ giữa năm 1960 đến năm 1975, bên cạnh 5 nước sáng lập, OPEC đã kết nạp thêm các thành viên mới như: Qatar (1961), Indonesia (1962), Libya (1962) và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (1967), Algérie (1969), và Nigeria (1971). Ecuador và Gabon trước đây từng là thành viên của OPEC, nhưng Ecuador đã rút lui ngày 31-12-1992, sau đó gia nhập trở lại vào tháng 10-2007. Các mối quan tâm tương tự cũng đã thúc đẩy Gabon ngừng làm thành viên vào tháng 1-1995. Angola gia nhập đầu năm 2007. Na Uy và Nga tham dự các hội nghị của OPEC với tư cách là quan sát viên.

Trái lại với những tham vọng ban đầu, dư luận quốc tế dường như đánh giá thấp vai trò của tổ chức non trẻ và chưa nhận thức được tầm quan trọng sau này của OPEC. Tuy nhiên, kể từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, vai trò của OPEC mới được khẳng định thông qua việc chi phối nguồn cung dầu thế giới, nhất là tác nhân gây ra cuộc khủng khoảng dầu mỏ giai đoạn 1973-1974 (các nước OPEC nhất trí thông qua cấm vận dầu mỏ nhằm phản ứng việc Mỹ hỗ trợ Israel trong cuộc chiến tranh chống lại các nước Arập).

Mục tiêu chính thức được ghi vào hiệp định thành lập của OPEC là ổn định thị trường dầu thô, bao gồm các chính sách khai thác dầu, ổn định giá dầu thế giới và ủng hộ về mặt chính trị cho các thành viên khi bị các biện pháp cưỡng chế vì các quyết định của OPEC. Nhưng thật ra nhiều biện pháp được đề ra lại có động cơ bắt nguồn từ quyền lợi quốc gia, như trong các cơn khủng hoảng dầu, OPEC chẳng những đã không tìm cách hạ giá dầu mà lại duy trì chính sách cao giá trong thời gian dài.

Giai đoạn hoàng kim của OPEC gắn liền với thập niên 70 (1974-1978). Quyền lực trong tay, chi phối giá dầu, quyền quyết định việc có lạm phát hay suy thoái nền kinh tế thế giới hay không, các nước thành viên OPEC đã trở thành các ngân hàng lớn của thế giới khi nắm trong tay lượng tiền mặt rất lớn. Riêng năm 1972, lượng tiền thặng dư của các nước OPEC khoảng 23 tỉ USD và tăng lên mức 140 tỉ USD năm 1977. Vị thế của OPEC đã được nâng cao nhất là trong các chính sách đối ngoại - quyền tự trị của một số quyền lực trên thế giới.

Các nước thành viên OPEC đã thu được rất nhiều tiền từ việc xuất khẩu dầu mỏ. Các khoản đầu tư và chi tiêu khổng lồ, hoang phí nhằm đẩy mạnh trong công cuộc tái thiết đất nước, công nghiệp hóa, xây dựng giao thông đường bộ, hạ tầng, các khoản trợ cấp, dịch vụ thiết yếu, hàng xa xỉ… là một trong những đặc điểm của các nước thành viên OPEC thời điểm này.

OPEC (Organization of Petroleum Exporting Countries) được thành lập vào năm 1960 trong khuôn khổ hội nghị cấp cao giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn tại Bagdad, Iraq. OPEC dựa vào việc phân bổ hạn ngạch cho các thành viên để điều chỉnh lượng khai thác dầu, tạo ra khan hiếm hoặc dư dầu giả tạo, thông qua đó có thể tăng, giảm hoặc giữ giá dầu ổn định.

Minh Châu